Nhiều bất cập nảy sinh sau khi mở cửa du lịch quốc tế
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam sau mở cửa du lịch vẫn ít hơn kỳ vọng. (Ảnh minh họa)
“Nín thở” đến “phút chót”
Mặc dù trước đó đã có thông báo mở cửa vào ngày 15/3 nhưng đến tận ngày này, Bộ VH,TT&DL mới ban hành phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đầy đủ. Theo đó, khách nội địa đi du lịch không có bất cứ hạn chế nào.
Khách quốc tế chỉ cần xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi đến, không cần cách ly và không cần “hộ chiếu vaccine”. Khách chỉ cần có xét nghiệm âm tính trước khi xuất cảnh bằng đường hàng không 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh. Trước khi nhập cảnh, khách du lịch phải khai báo y tế thông qua ứng dụng PC-COVID và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Sau khi nhập cảnh, tham gia du lịch, khách cần tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 10 ngày đầu, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, quản lý kịp thời. Nếu dương tính thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khách du lịch có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, việc chăm sóc, trị bệnh cho khách quốc tế sẽ được thực hiện như với người Việt, chi phí điều trị do bảo hiểm chi trả.
Tất cả cửa khẩu đón khách thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, cả đón khách đến (inbound) và đưa khách đi (outbound) đều được mở hết. Chính sách thị thực được khôi phục như trước dịch với việc miễn thị thực đơn phương cho 13 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Âu, Đông Bắc Á và miễn thị thực song phương cho 88 nước. Khách du lịch ra nước ngoài (outbound) thì tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ tham quan du lịch.
Có thể thấy, mặc dù đã được mở cửa hoàn toàn nhưng các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành… trên cả nước vẫn “ngồi trên lửa” chờ đợi chính sách mới được quyết, cũng như băn khoăn không biết còn bao nhiêu chính sách mới được ban hành trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt đối với khách nước ngoài, khi quy định vẫn còn chưa thống nhất, họ sẽ dè dặt đặt tour đến Việt Nam.
Một số doanh nghiệp du lịch và đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch trong nước còn đề xuất Bộ VH,TT&DL sau khi chốt các phương án và có hướng dẫn cụ thể thì cần gửi thêm một văn bản bằng tiếng Anh có dấu đỏ để các doanh nghiệp tiện gửi đi cho khách một cách chính thống và khiến khách yên tâm hơn.
Mở cửa nhưng vẫn phải chờ…
Hiện tại, khi các vấn đề quan trọng là thị thực và y tế đã được tháo gỡ thì vấn đề nguồn khách vẫn còn là một bài toán khó. Ông Phạm Hà - CEO của Lux Group – nhận định “ít nhất cũng khoảng 3 tháng nữa mới có khách vì khách nước ngoài không phải cứ ta mở cửa là đi ngay”. Còn Chủ tịch Vina Phú Quốc dự đoán “ít nhất phải bước sang quý III, quý IV mới có thể dần hồi phục thị trường du lịch quốc tế”.
Về phía Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam, đại diện đơn vị này cho biết đã tạm ngưng đón khách Nga đến Nha Trang (Khánh Hòa) bởi nguyên nhân là Chính phủ Nga khuyến cáo các hãng hàng không hạn chế bay ra nước ngoài sau khi Mỹ và các nước phương Tây ra các chỉ thị trừng phạt.
Có thể thấy, lượng khách quốc tế thời gian đầu vẫn còn ít ỏi so với kỳ vọng, còn các doanh nghiệp vẫn còn “loay hoay” để chuẩn bị, tìm kiếm và thông báo với các đối tác nước ngoài để kết nối lại chuỗi cung ứng khách. Chuyến bay mang số hiệu VN650 của Vietnam Airlines từ Singapore đến TP HCM, hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chiều 16/3 là chuyến bay đầu tiên chở du khách nước ngoài đến Việt Nam sau hai năm dịch COVID-19. Trên chuyến bay này chỉ chở hơn 100 hành khách, trong đó có 20 khách quốc tịch nước ngoài.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng sẽ bắt đầu nâng tần suất từ 10 chuyến bay/tuần lên 21 chuyến/tuần từ TP HCM đến Singapore từ ngày 27/3; chặng Hà Nội – Singapore sẽ khai thác 4 chuyến/tuần; còn các điểm đến Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc sẽ được kết nối lại đường bay đến Singapore từ 15/4. Dự kiến phải đến tháng 7/2022, Vietnam Airlines mới tiếp tục khôi phục khai thác đến thị trường Trung Quốc (6 chuyến/tuần), Indonesia (3 chuyến/tuần) và các đường bay du lịch đến Đà Nẵng, Nha Trang từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhiều chuyên gia du lịch cũng dự đoán, trong vài tháng tới, ngành du lịch Việt Nam vẫn sẽ phải chờ, không chỉ chờ các cơ quan chức năng hoàn thiện các quy định và hướng dẫn thực hiện đối với khách inbound, mà còn chờ khách đến với Việt Nam thông qua các hoạt động truyền thông, xúc tiến. Để làm được điều này thì yếu tố thông tin với khách quốc tế phải đảm bảo rõ ràng, thống nhất.
Mặt khác, với các chuyến đi outbound, các doanh nghiệp cũng phải tiếp tục chờ việc hoàn thiện chính sách từ chính phủ các quốc gia điểm đến. Nếu như Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Châu Âu,… đã mở cửa du lịch thì một số thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn chưa có chính sách thị thực cho du lịch.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng ít nhiều đến du lịch Việt Nam. Một số khó khăn nội tại như thị trường lao động du lịch giờ đang rất thiếu và yếu sau hai năm dịch bệnh, sản phẩm du lịch cũng cần được làm mới, điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của khách sau dịch… Còn một số yếu tố khách quan bao gồm lạm phát tăng cao khiến giá cả tour ngày càng lớn, xung đột giữa Nga - Ukraine khiến thị trường châu Âu bị ảnh hưởng,…
Có thể thấy, tuy đã chính thức mở cửa nhưng ngành du lịch Việt Nam đang ghi nhận rất nhiều khó khăn. Dù vậy, đây vẫn là dấu hiệu tích cực. Với các chính sách thông thoáng cộng thêm việc mở lại các đường bay, nhiều người tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng.