1. Trang chủ /
  2. Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

thứ sáu, 27/5/2022 13:04 GMT+07
(PLM) - Theo Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tại phiên họp của Quốc hội (QH) sáng nay, 27/5, dự thảo Luật gồm 7 chương, 74 điều, quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; trong cơ quan, đơn vị; trong doanh nghiệp… có nhiều điểm mới.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình tại phiên họp.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình tại phiên họp.

Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dự thảo Luật có nhiều điểm mới. Cụ thể, về quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều, quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; trong cơ quan, đơn vị; trong doanh nghiệp…

Về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, dự thảo Luật có các điểm mới như mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật, thông qua mạng xã hội…

Cùng với đó, mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân; bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình UBND cấp xã ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành…

Người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội

Về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, dự thảo Luật có các điểm mới như bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông qua hệ thống thông tin nội bộ, đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị; quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục cán bộ, công chức, viên chức kiểm tra và giám sát; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, dự thảo Luật có các điểm mới như bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát…

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Luật có các điểm mới như quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể trách nhiệm của Hội HĐND, UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; (iii) quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Tán thành mở rộng phạm vi điều chỉnh

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, về bố cục của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với bố cục gồm 7 chương và 74 điều của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, để thể hiện rõ và đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đề nghị trong từng chương quy định về việc thực hiện dân chủ tại từng loại hình cơ sở cần quy định rõ quyền của người dân trong việc được biết, được tham gia ý kiến, được bàn bạc, quyết định, được kiểm tra, giám sát, được thụ hưởng, các vấn đề phải được công khai để người dân biết, vấn đề người dân được tham gia ý kiến và được quyết định; trình tự, thủ tục thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở; và tương ứng là trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức có thẩm quyền trong việc bảo đảm thực hiện các quyền dân chủ của người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với 3 loại hình cơ sở chính gồm xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; và doanh nghiệp nhằm thể chế hóa Thông báo kết luận số 160-TB/TW ngày 15/01/2020 của Bộ Chính trị.

Về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất mà Chính phủ đã nêu trong Tờ trình về việc trong Luật có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp đồng thời có một số nội dung quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước bởi đây là các tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn lực công nên có những đặc điểm, yêu cầu trong công tác tổ chức, quản lý, kiểm soát không giống như các doanh nghiệp thông thường khác.

Việc Luật này tập trung quy định sâu hơn về việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo cơ chế để người lao động tại doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Điều này cũng phù hợp với yêu cầu được nêu tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở yêu cầu tập trung nghiên cứu xây dựng và ban hành các quy chế dân chủ cho ba loại hình cơ sở là xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp nhà nước và cơ quan hành chính sự nghiệp.


Nguồn: https://baophapluat.vn/nhieu-diem-moi-trong-du-thao-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-post448639.html