1. Trang chủ /
  2. Nhiều tiểu thương chợ Kim Nỗ đã phải ra vỉa hè bán hàng khi chưa được ký hợp đồng

Nhiều tiểu thương chợ Kim Nỗ đã phải ra vỉa hè bán hàng khi chưa được ký hợp đồng

thứ ba, 2/11/2021 15:12 GMT+07
(PLM) - Giữa lúc dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội thì nhiều tiểu thương bất ngờ bị ra bán hàng ở lòng đường, vỉa hè vào sáng ngày 1/10/2021.

Mới đây toà soạn Pháp luật Plus có nhận được Đơn thư của một số tiểu thương tại chợ Kim Nỗ, xã Kim Nỗ huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Trao đổi với Phóng viên Pháp luật Plus các tiểu thương nơi đây không giấu nổi sự lo lắng vì cuộc sống quá khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà giờ đây lại gánh thêm nỗi lo mất chỗ mưu sinh, kiếm sống cho gia đình.

Một cổng của chợ Kim Nỗ, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh.
Một cổng của chợ Kim Nỗ, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh.

Theo đơn thư các tiểu thương trình bày là do họ không chịu nộp các khoản tiền không minh bạch (không hoá đơn, chứng từ) do Ban quản lý chợ Kim Nỗ, Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thái Thịnh đề ra, cho nên bị đưa vào diện “không chấp hành nội quy chợ” và không được tái ký hợp đồng thuê ki-ốt trong chợ Kim Nỗ để tiếp tục kinh doanh buôn bán.

Bức xúc với cách quản lý của Ban quản lý và Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thái Thịnh, một số tiểu thương đã làm đơn gửi tới UBND xã Kim Nỗ, UBND huyện Đông Anh và Công an huyện Đông Anh để phản ánh về nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định như: “Buộc tiểu thương nộp khoản tiền không minh bạch, không có hoá đơn, chứng từ trong khi đời sống tiểu thương đang rất khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh; xây dựng chợ không đúng quy hoạch; không đảm bảo công tác phòng, cháy chữa cháy trong chợ Kim Nỗ…".

Tuy nhiên, trong khi đơn thư chưa được huyện, xã giải quyết dứt điểm thì nhiều tiểu thương đã rơi vào cảnh phải ra lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán.

Ông N.V. H, một tiểu thương tại chợ Kim Nỗ cho biết, gia đình tôi đã buôn bán gà, vịt tại chợ Kim Nỗ từ năm 1996 đến nay. Năm 2012, khi huyện Đông Anh thực hiện hình thức xã hội hoá đối với chợ Kim Nỗ, tôi đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thái Thịnh thuê 3 ô bán hàng, có tổng diện tích 13 m2 với số tiền 8,5 triệu đồng/6 tháng, chưa bao gồm tiền điện nước, vệ sinh.

"Sau khi gửi đơn lên UBND huyện Đông Anh, UBND xã Kim Nỗ thì Ban quản lý chợ Kim Nỗ yêu cầu các tiểu thương đóng tiền 10 triệu đồng, 15 triệu đồng trở lên nhưng lại ký vào giấy tự nguyện đóng góp xây dựng chợ với số tiền chỉ 2 triệu đồng", ông N.V.H bức xúc cho hay.

Nhiều tiểu thương khác cũng bức xúc phản ánh tương tự trường hợp của hộ ông N.V.H.

Khu vực các tiểu thương ký hợp đồng để được thuê chỗ ngồi tại chợ Kim Nỗ.
Khu vực các tiểu thương ký hợp đồng để được thuê chỗ ngồi tại chợ Kim Nỗ.

Cùng với đơn thư gửi đến Toà soạn Pháp luật Plus một số tiểu thương đã gửi video clip ghi nhận lại sự việc sáng ngày 1/10/2021. Theo đó từ 5h sáng ngày 1/10/2021, nhiều tiểu thương không đóng góp khoản tiền “tự nguyện” nêu trên đã bị ra khỏi chợ Kim Nỗ, buộc phải bày bán tràn lan trên vỉa hè, lòng đường đối diện với chợ Kim Nỗ. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn Hà Nội. Các dụng cụ bán hàng sau khi buôn bán xong đều phải gửi tạm ở khu vực cổng nghĩa trang gần đó.

Ngày 1/10/2021, nhiều tiểu thương đã bị đẩy ra ngoài khu vực đường giao thông để bán hàng.
Ngày 1/10/2021, nhiều tiểu thương đã bị đẩy ra ngoài khu vực đường giao thông để bán hàng.

Để làm rõ có hay không các nội dung như một số tiểu thương phản ánh, gửi Đơn đến Pháp luật Plus, Phóng viên Pháp luật Plus đã trao đổi với ông Nguyễn Mậu Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Nỗ. Ông Thịnh cho biết: "Ngày 28/9/2021, ngay sau khi nhận được đơn thư từ một số tiểu thương, UBND xã đã trao đổi với Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thái Thịnh nếu “đuổi” hay vứt đồ tiểu thương ra khỏi chợ thì UBND xã sẽ tiến hành xử lý.

Sau khi nhận được đơn thư từ các tiểu thương, qua xác minh thông tin ban đầu, tôi nhận thấy có dấu hiệu mập mờ trong các khoản thu chi của Ban quản lý chợ Kim Nỗ. Tôi sẽ có công văn gửi lên Công an huyện Đông Anh để điều tra, làm rõ liên quan đến các khoản phí không minh bạch tại chợ Kim Nỗ do người dân phản ánh. Quan điểm của UBND xã là không bao che. UBND xã sẽ tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan đến quy hoạch xây dựng chợ và các vấn đề liên quan.

Đúng là hôm 1/10/2021, một số tiểu thương đã phải ngồi ngoài đường để bán hàng. Ngay sau khi nắm bắt thông tin tôi đã giao Công an xã nắm bắt thông tin và lập biên bản sự việc. Đồng thời yêu cầu Ban quản lý và Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thái Thịnh trước mắt để các tiểu thương tiếp tục bán hàng trong chợ".

Tại một diễn biến khác ông Khúc Duy Thành - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thái Thịnh cho biết: "Trước khi cải tạo sửa chữa lại chợ Kim Nỗ, Ban quản lý chợ đã nộp hồ sơ đến xã để xin phép cải tạo sửa chữa rồi. Về việc thu tiền xã hội hoá tại chợ Kim Nỗ là do các hộ tự nguyện nộp tiền cho Ban quản lý để nhờ sửa chữa lại chỗ ngồi bán hàng (mái tôn, điện, nước...). Liên quan đến việc thu tiền để cấp giấy đi đường cho tiểu thương, tôi khẳng định là tôi không thu và không chỉ đạo thu. Khi đi làm thủ tục thấy vất vả nên một số người có cho tôi hoa quả chứ không thu tiền. Về việc các tiểu thương bán hàng ngoài vỉa hè cổng chợ hôm 1/10/2021, tôi đã họp thống nhất cùng UBND xã Kim Nỗ trước mắt sẽ tiếp tục để các hộ này bán hàng trong chợ, nếu các hộ này đồng ý cam kết thì sẽ tiếp tục ký hợp đồng".

Liên quan đến vấn đề này đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế UBND huyện Đông Anh cho biết: "Hiện tại đã nắm bắt được thông tin đơn thư một số tiểu thương gửi tới qua hệ thống tiếp dân của huyện. Phòng Kinh tế sẽ kiến nghị và lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra về những nội dung mà các tiểu thương này phản ánh".