Nhiều tin đồn thất thiệt, giới đầu tư bất động sản hoang mang
Mất ăn, mất ngủ vì tin đồn
Chưa bao giờ thị trường bất động sản lại có những diễn biến “lạ” như hiện nay. Thị trường thiếu nguồn cung nghiêm trọng trong khi thanh khoản chững lại. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay liên tục tăng khiến cả chủ đầu tư và nhà đầu tư đều méo mặt. Nhưng hơn hết, nhiều nhà đầu tư lo lắng hơn cả khi những tin đồn bắt bớ các chủ đầu tư ngày một nhiều.
Những lời đồn không đúng sự thật về sự bắt bớ các lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc lớn trong thời gian vừa qua đang khiến niềm tin của khách hàng với thị trường bất động sản suy giảm.
Báo cáo về thị trường bất động sản mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau để “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá” và gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.
Anh Minh Quân (Đống Đa, Hà Nội) đầu tư mua đất liền kề tại dự án Đồng Nai của một chủ đầu tư lớn ở miền Nam. Anh Quân đã đóng được 60% số tiền theo tiến độ dự án với hơn 5 tỷ đồng.
Thế nhưng, thời gian gần đây, liên tục những thông tin về việc bắt lãnh đạo của doanh nghiệp này khiến anh Quân đứng ngồi không yên.
Anh Quân chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi lo lắng cho lãnh đạo một tập đoàn địa ốc hơn cả người thân của mình đến vậy. Cả vốn liếng, tiền vay tôi đều dồn vào mua ở dự án này. Tôi rất sợ nếu như lãnh đạo tập đoàn này bị bắt giống như ở FLC, vì như thế toàn bộ dự án sẽ dừng thi công và không biết đến bao giờ mới nhận được nhà”.
Anh Quân muốn bán lại lô đất liền kề tại thời điểm này cũng không ai mua. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi trên mạng xã hội lan truyền văn bản kêu cứu của doanh nghiệp đầu tư dự án mà anh mua đất gửi với Bộ Xây dựng. Để tránh tâm lý hoang mang với hàng nghìn khách hàng, tập đoàn này phải lên tiếng bác bỏ tin đồn.
Hay như mới đây, trước hình ảnh xe cảnh sát đứng trước cổng một doanh nghiệp địa ốc lớn tại Hà Nội, một tin đồn vị lãnh đạo tập đoàn địa ốc bị bắt đã được lan truyền rất nhanh.
Anh Trọng Hiếu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mua căn liền kề hơn 9 tỷ đồng tại Gia Lâm chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, có 2 tin đồn bắt lãnh đạo, chủ đầu tư doanh nghiệp bất động sản này. Tôi rất hoang hoang vì thị trường bất động sản trong năm vừa qua chứng kiến nhiều lãnh đạo tập đoàn bị bắt. Điều tôi lo nhất là ai sẽ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư?”.
Bà Nguyễn Thanh Tâm, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho rằng, chưa bao giờ, nhà đầu tư lại mất niềm tin với thị trường bất động sản như hiện nay. Hàng loạt các tin xấu về thị trường như siết tín dụng, trái phiếu, lãi suất tăng và những tin đồn về sức khỏe doanh nghiệp bất động sản cũng như bắt bớ các lãnh đạo tập đoàn địa ốc lớn khiến thanh khoản trên thị trường sụt giảm nghiêm trọng.
“Bản chất người dân mình đầu tư bất động sản theo tâm lý đám đông. Chỉ một tin đồn không hay đã khiến cả thị trường chậm lại. Hiện tại, các nhà đầu tư dù có tiền cũng không dám xuống tiền mua bất động sản”, bà Tâm nói.
Bà Tâm cho biết thêm, nhiều nhà đầu tư bất động sản dùng đòn bẩy tài chính quá lớn giờ đang muốn “tháo chạy” khỏi thị trường. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư lớn hiện cũng đã chấp nhận bán lỗ một số lô đất để cơ cấu danh mục đầu tư, chỉ giữ lại nhưng lô có vị trí đẹp và công năng sử dụng ngay.
“Lãi suất tăng là tín hiệu nguy hiểm cho những ai dùng đòn bẩy để đầu cơ. Món nợ ngân hàng nếu chậm trả sẽ tăng lên rất nhanh theo cấp số cộng. Nếu nhà đầu tư đó có tài sản trị giá 40 tỷ đồng, được tạo lập chỉ bằng 25% vốn tự có, thì giờ này dẫu được trả giá chỉ 5 tỷ đồng họ cũng phải bán. Bán để cắt lỗ, giảm thiểu rủi ro mất trắng vì không thể chờ đợi được nữa, thời gian để chờ đợi lợi nhuận sẽ không theo kịp với tốc độ tăng của lãi suất”, bà Tâm nói.
Thị trường méo mó vì sao?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, chưa bao giờ thị trường bất động sản lại có những dấu hiệu bất ổn như hiện nay. Ông Châu lý giải, nếu như cách đây 10 năm, khủng hoảng tài chính kéo theo khủng hoảng bất động sản giúp người ta nhìn thấy rõ 3 vấn đề: tồn kho lớn, lệch pha cung cầu và siết tín dụng. Thế nhưng, thị trường bất động sản hiện nay có những dấu hiệu lạ.
Theo ông Châu, giá bất động sản hiện quá cao; giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Theo đó, giá nhà bình dân đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. Nếu so sánh với các nước công nghiệp phát triển thì giá nhà tại cao gấp 6-7 lần mức thu nhập của người dân nước họ.
Do vậy, người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị, công nhân lao động và người nhập cư khó có cơ hội sở hữu nhà ở. Minh chứng là từ năm 2019 đến nay, thị trường xuất hiện dự án và căn hộ siêu sang với giá rao bán lên đến trên dưới 500 triệu đồng/m2, thậm chí 1 tỷ đồng/m2.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, chính sách kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao trong đó có bất động sản đang khiến thị trường gặp khó về thanh khoản.
Xử nghiêm đối tượng tung tin thất thiệt, ảnh hưởng an ninh kinh tế
Ngày 25/10, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý một số vụ án sai phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, lợi dụng việc Bộ Công an xử lý một số vụ án lĩnh vực này, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã đăng tải, tán phát nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến kinh tế, tài chính, tiền tệ; mục đích nhằm gây hoang mang dư luận, gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là thông tin cho rằng Bộ Công an sẽ tiến hành xử lý tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn. Bộ Công an sẽ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi đưa tin thất thiệtgây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế…