1. Trang chủ /
  2. Nhớ về chuyện tình cảm động của người Việt xưa ngày Thất tịch

Nhớ về chuyện tình cảm động của người Việt xưa ngày Thất tịch

thứ ba, 17/8/2021 12:30 GMT+07
(PLM) -  Nhắc đến ngày thất tịch, chúng ta thường nghe đến sự tích vợ chồng Ngưu Lang – Chức Nữ, với chiếc cầu Ô Thước chỉ bắc qua một ngày trong năm (7-7 Âm lịch) để đôi vợ chồng ấy được gặp nhau. Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện tình cảm động đó, người Việt xưa còn có một câu chuyện tình cũng cảm động không kém.

Cách đây gần trăm năm, trên tờ báo Khoa học Số 135, ngày 11-9-1936, có bài viết: “Tại sao tháng 7 mưa ngâu?”, đã kể lại sự tích về vợ chồng Ngâu trong những ngày tháng 7.

Chuyện kể rằng, chàng Ngâu, là con một nhà làm ruộng, chàng làm lụng rất siêng năng, chăn trâu rất chăm chỉ cho bố mẹ. Vậy nên, ông Giời ở trên cao động lòng thương mới gả một người con gái của mình ở trên thiên cung cho chàng Ngâu làm vợ.

Khi họ đã thành vợ thành chồng, ăn ở với nhau chàng Ngâu đâm ra quyến luyến quá không muốn rời xa vợ dù chỉ một chút. Thậm chí, chàng chểnh mảng cả công việc làm ăn của mình, khiến ông giời nổi giận, bắt hai vợ chồng phải phân ra mỗi người ở một nơi, mà mỗi năm họ chỉ được gặp nhau có một lần, tức là vào kỳ tháng bảy.

Bởi vậy mỗi năm, đến tháng bảy vợ chồng chàng Ngâu không biết hối hận hay gặp nhau mừng quá hóa khóc, đó là do mối tình riêng của hai vợ chồng. Họ khóc ràn rụa, sướt mướt, khiến cho những hạt nước mắt của đôi vợ chồng thành ra những trận mưa thu dai dẳng mà tục gọi là mưa Ngâu. Theo ký giả đương thời, chính từ sự tích này mà dân gian ta có câu: "Đồn rằng tháng 7 mưa ngâu, Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền".

Sự tích về vợ chồng Ngâu đăng trên báo Khoa học năm 1936. (Ảnh: Thư viện Quốc gia)

Dễ thấy, trong bài thơ “Vợ chồng Ngâu” của Tú Xương, cũng có hai câu thơ từa tựa: “Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu/ Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền/ Một là duyên, hai thời là nợ/ Sợi xích thằng ai gỡ cho ra?”. Phải chăng, Tú Xương cũng lấy ý tứ từ dân gian mà tạo tác thành bài thơ đầy cảm động này?

Cũng vì câu chuyện không may mắn của vợ chồng Ngâu, mà người Việt xưa kiêng không dám lấy vợ lấy chồng vào những ngày tháng bảy. Cũng vì nước mưa tháng bảy là hóa thân từ những giọt lệ của vợ chồng Ngâu, nên người phụ nữ Việt Nam xưa khi làm tương, thì không dám lấy nước mưa ngày tháng bảy, vì sợ nước ấy sẽ làm mẻ tương bị hỏng.

Cũng từ câu chuyện vợ chồng Ngâu mà một tác giả đầu thế kỷ XX, Yên Sơn - Phạm Nam Kiều đã xúc động viết nên mấy câu thơ đầy ai oán, đăng trên Hà Thành ngọ báo, Số 112, 14-9- 1927:

Duyên lành đưa lại vợ chồng Ngâu/ Canh chày đêm vắng sao thưa nhạt/Người sẵn thương tâm cảnh cũng rầu!

Không những thế, hình ảnh vợ chồng Ngâu cũng được khắc họa trong nhiều bức tranh xưa:

Tranh Hàng Trống: Vợ chồng Ngâu
Tranh Ông Ngâu bà Ngâu được vẽ vào khoảng năm 1930

Câu chuyện ông Ngâu và bà Ngâu của Việt Nam, không chỉ ca ngợi tình yêu, lòng thủy chung son sắt, mà còn khẳng định tinh thần yêu lao động, niềm tin về đạo lý sống “ở hiền gặp lành” của người Việt xưa.