1. Trang chủ /
  2. Nhọc nhằn nghề đấm bóp dạo

Nhọc nhằn nghề đấm bóp dạo

thứ ba, 14/11/2023 23:39 GMT+07
Vừa tan ca, người đàn ông liền về phòng trọ, tắm rửa vội vã, ăn gói mì tôm rồi xách xe đạp kèm theo “đồ nghề” chằng buộc phía sau. Lúc này đã chập tối, ánh đèn hắt mờ xuống những con hẻm sâu hun hút. Vừa đi người đàn ông vừa rung tay, làm vang lên những tiếng lắc xắc quen thuộc từ những đồng xu tự chế. Âm thanh này rất riêng, nghe qua không cần lời chào nhưng ai cũng đoán biết đó là người hành nghề đấm bóp dạo đang tới...
Đấm bóp dạo cần sức khỏe, kỹ năng cũng như sự kiên nhẫn, chịu khó, chịu khổ.

Mưu sinh nơi đất khách

Đó là nhịp sống thường ngày suốt 12 năm qua của anh Nguyễn Minh T (tên nhân vật đã được thay đổi), quê Vĩnh Phúc hành nghề đấm bóp dạo tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Quãng đời mưu sinh nhọc nhằn của T cũng là tình cảnh chung của nhiều người, chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thái Bình… vào TP.HCM hành nghề tẩm quất, giác hơi dạo.

Mỗi khi phố lên đèn, nhiều chiếu đấm bóp dạo lại được rải trên vỉa hè quốc lộ 1, khu vực ngã tư An Sương, quận 12, TP.HCM.

T đã có vợ và 2 con, hiện đều ở Vĩnh Phúc, chỉ mỗi T trụ lại TP.HCM làm nghề đấm bóp dạo. Mỗi tháng T chắt chiu gửi về quê 5-6 triệu đồng, riêng hơn 1 năm cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, T không gửi được đồng nào về quê.

Trước đây T làm công nhân cho công ty tại một khu công nghiệp trên địa bàn quận 12, TP.HCM. Sau đó T bỏ hẳn vì thu nhập thấp trong khi phải bám suốt thời gian từ sáng đến chiều tối. Vì thế T chuyển sang công việc bán thời gian, ngày làm gia công ủi áo, tối về tranh thủ đi đấm bóp dạo.

Cao điểm để có được 500 nghìn đồng mỗi ngày, T phải là ủi khoảng hơn 2.000 chiếc áo, mờ mắt và còng lưng. Làm từ 8h sáng đến 11 giờ trưa, nghỉ ăn cơm rồi 1 giờ 30 phút làm tiếp cho đến 6 giờ chiều. Sau đó T về phòng trọ gần khu vực bến xe buýt Hiệp Thành, tắm rửa, ăn uống qua loa rồi xách xe đạp đi đấm bóp dạo.

Đấm bóp dạo cần sức khỏe, kỹ năng cũng như sự kiên nhẫn, chịu khó, chịu khổ.

Mỗi ca đấm bóp T được từ 60 nghìn đồng, nếu thêm giác hơi thì có 80 nghìn. Có hôm gặp “khách sộp” được bo thêm 10 - 20 nghìn đồng, nhưng có khi trắng tay vì khách “quậy”, quỵt tiền.

Chúng tôi (phóng viên) theo chân T. Chập tối, ánh đèn cao áp đổ sáng mờ ảo dọc tuyến quốc lộ 1. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, T đều đặn rung tay, lắc lên những tiếng lắc xắc quen thuộc. Đến gần khu vực ngã chung cư Thái An, T trải chiếu trên bãi đất trống, châm đèn dầu, dọn đồ nghề và đợi khách. Dọc tuyến Quốc lộ 1, đoạn từ Ngã tư Đình đến chân cầu vượt An Sương có khoảng gần 20 chiếu đấm bóp, họ ngồi chờ khách từ 7 giờ tối cho đến 2-3 giờ sáng hôm sau.

Vào đầu giờ tối khách đấm bóp thường là dân bốc vác chợ đầu mối, xưởng cơ khí còn đến rạng sáng hôm sau chủ yếu là cánh tài xế đường dài chạy tuyến Bắc - Nam, khu vực Tây Nguyên. Sau quãng thời gian dài di chuyển, tài xế cần thư giãn và tỉnh táo nên tranh thủ chợp mắt 5-10 phút trước khi tiếp tục hành trình.

Đấm bóp dạo "hoạt động" từ khoảng 7h tối cho đến rạng sáng hôm sau.

Như trường hợp của T, ngày nào may mắn có được 3-4 khách cũng kiếm được khoảng 200 - 300 nghìn đồng. Như đêm nay, T có khách quen là người đàn ông bốc vác ở chợ đầu mối Thủ Đức, cứ vài tuần lại đến chiếu của T để được đấm bóp, giác hơi.

T thể hiện những động tác xoa, chặt điêu luyện. Mỗi lần T vung tay lại vang lên những tiếng chan chát. Rồi những cái vặn tay, bẻ lưng, xương khớp rũ rượi sau một ngày lao động vất vả bỗng kêu răng rắc nhưng người khách không hề đau đớn mà tỏ ra thích thú, phấn khích, đầy sung sướng.

Khoàng 15 năm về trước, nhiều khu vực ở TP.HCM như Phạm Văn Đồng (Bình Thạnh), Khu Căn cứ 26 (Gò Vấp), Chợ Chó (quận 12), khu vực Sóng Thần (Thủ Đức)… có rất nhiều người từ các tỉnh phía Bắc đổ về làm nghề đấm bóp, giác hơi dạo. Họ chủ yếu làm nông nghiệp, rời quê đi mưu sinh. Người trước chỉ nghề cho người sau, lâu thành nhóm cùng làng, cùng huyện. Người nào gắn bó lâu nhất cũng tầm 15 năm rồi bỏ nghề về quê sinh sống, chuyển qua làm công nhân công ty, có người vay mướn tiền để đi xuất khẩu lao động. Hiện nay lượng người làm nghề đấm bóp , giác hơi dạo không còn “đông đảo” như trước do bỏ nghề, tìm kiếm nghề phù hợp hơn.

Dọa cướp, quỵt tiền

Nghề đấm bóp, giác hơi dạo luôn đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí nguy hiểm do môi trường làm việc một mình, vào thời điểm đêm khuya, rạng sáng. Nếu gặp khách đàng hoàng, có tiền thì may mắn còn không sẽ tự nhận “xui” vào người.

Như trường hợp của T, thường xuyên đối mặt với cảnh dọa cướp, quỵt tiền. “Những lúc như vậy em cũng đành cắn răng chịu đựng chứ biết làm sao. Lúc 1 - 2 giờ sáng, gặp người nghiện, người say rượu, mình đấm bóp cho người ta xong bị quỵt tiền”, T kể và nhớ lại ký ức không quên lần đi đấm bóp ở quận Bình Thạnh. Lần đó tầm 2 giờ sáng, T đấm bóp cho nam thanh niên say rượu ở khu vực gần bến xe Miền Đông cũ, (quận Bình Thạnh), nổi tiếng là “xóm ngụ cư dân anh chị nghiện ngập”. Sau khi đấm bóp xong, T bị quỵt tiền và còn bị đe dọa cướp tiền và xe. Không kiềm chế được cảm xúc, cả T và người thanh niên này ẩu đá, khiến Công an phường phải về phường xử lý hành chính.

Vỉa hè quốc lộ 1 khu vực ngã tư An Sương, quận 12, TP.HCM được mệnh danh là "phố đấm bóp dạo" về đêm khi có tới khoảng 20 chiếu.

“Sáng hôm đó, em vừa không được tiền lại bị lên phường làm việc, vừa đói vừa tức, nghĩ lại thấy cơ cực quá anh ạ”, T không giấu được xúc động, kể lại.

Theo T, chỉ khi đến khu vực “quen chân”, khách quen thì mới dám chạy xe máy, còn không vẫn phải đạp xe đạp để khỏi bị cướp. Bao nhiêu năm nay, T rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, len lỏi các ngõ hẻm từ quận 12, qua Gò Vấp, đến Tân Bình, Bình Thạnh, có khi qua quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức), quận 7.

Ngoài rủi ro nêu trên, T kể còn có một số rủi ro khác như gặp trường hợp vào đấm bóp cho khách nữ góa chồng hoặc nam giới đồng tính. Quá trình đấm bóp bị chủ nhà “gạ tình”, sờ mó, yêu cầu đấm, xoa những khu vực nhạy cảm. Những lần đó T phải khéo léo từ chối để vừa không mất lòng khách vừa không phải mất tiền vì đã lỡ đấm bóp cho khách.

Đáng chú ý là việc những người như T phải “chia tiền” cho nhóm bảo kê, khi “xếp chiếu” ngoài khu vực quốc lộ 1, đoạn ngã tư An Sương. Theo lời T, tại khu vực này sẽ có nhóm người bảo kê, thu tiền, mỗi chiếu từ 15 - 20 nghìn đồng. Sau khi người hành nghề tẩm quất thực hiện xong cho khách thì nhóm người này sẽ trực tiếp thu. Tiền này được cho là để trông giữ phương tiện xe cho khách, không để khách say xỉn, nghiện hút quậy phá, quỵt tiền. Đa số nhóm bảo kê này có tiền án tiền sử, sử dụng ma túy.

Đấm bóp dạo tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu gặp khách say xỉn, nghiện ngập.

“Hôm em đấm lưng cho một người xăm trổ, nghiện hút khu vực chợ Hiệp Thành, quận 12, được người này đề nghị có cần giới thiệu với đàn anh ngoài chỗ ngã tư An Sương hay không sẽ nói một tiếng, anh em ngoài đó sẽ không thu tiền. Thấy bất an quá nên em từ chối luôn”, T kể.

Khi được hỏi bao lâu rồi chưa về quê, T trầm ngâm nói: “Hơn 5 năm rồi anh ạ. Làm nghề như bọn em, sao về quê thường xuyên được. Họa khi ở nhà có công chuyện thì mới về mà về thì đi phải xe đò thôi. Em tính gắn bó thêm vài năm nữa rồi về hẳn ở quê, vay vốn đi xuất khẩu lao động”.

Chúng tôi tạm biệt T khi đêm đã về khuya. Quốc lộ 1 dần vãn xe máy, chỉ còn những dòng xe tải, xe ben lao đi vun vút. Dưới ánh đèn vàng vọt, T và mấy chiếu đấm bóp vẫn còn chơ vơ ngóng khách. Khi thấy chiếc xe tải bật đèn xi nhan tấp vào lề, T và những cánh tay cởi trần, săn chắc lập tức vẫy vẫy, chào mời. Nghề đấm bóp dạo nhọc nhằn biết bao.