1. Trang chủ /
  2. Nhức nhối vi phạm bản quyền tác giả: Bao giờ hết cảnh “sống chung với lũ”?!

Nhức nhối vi phạm bản quyền tác giả: Bao giờ hết cảnh “sống chung với lũ”?!

thứ sáu, 23/6/2023 10:16 GMT+07
Vi phạm bản quyền tại Việt Nam nói chung và vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT) nói riêng đã trở thành vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Nạn “xài chùa”, sao chép, đánh cắp ý tưởng… diễn ra thường xuyên “như cơm bữa”, khiến xã hội quan tâm đặc biệt và bày tỏ bất bình.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của môi trường số, tính chất và mức độ của tình trạng này ngày càng tinh vi, điêu luyện hơn, đặt ra những thách thức cho đội ngũ văn nghệ sĩ, cơ quan quản lý nhà nước cũng như ngay cả những nhà làm luật.

Thực trạng nhức nhối

Hiện nay, câu chuyện xâm phạm bản quyền tại Việt Nam không còn là vấn đề riêng của tác giả, mà trở thành vấn nạn chung trong lĩnh vực VHNT, từ xuất bản, mỹ thuật, âm nhạc đến điện ảnh… Hệ lụy của việc vi phạm bản quyền rất lớn, có thể làm giảm giá trị của thị trường nghệ thuật, đánh mất niềm tin từ các nghệ sĩ, nhà sưu tập và công chúng. Ở góc độ khác nghiêm trọng hơn, nó có thể sản sinh ra một “thế hệ” ỉ lại, lười sáng tạo, nhiễm thói quen xấu, quẩn quanh với suy nghĩ “đánh cắp” ý tưởng để tồn tại, bởi “tất cả đã có trên mạng, lên đó lấy về sửa lại là của mình”.

nhuc nhoi vi pham ban quyen tac gia bao gio het canh song chung voi lu hinh 1

Chỉ cần lướt một vòng quanh thị trường VHNT, không phải là chuyên gia chúng ta cũng có thể nhận thấy tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra nghiêm trọng như: sách “lậu” giá rẻ bày bán tràn lan, tranh “nhái” xuất hiện nhanh nhản, phim vừa chiếu rạp có ngay trên web “lậu”, việc tải nghe nhạc miễn phí trên website rất dễ dàng...

Đặc biệt, nhiếp ảnh là lĩnh vực có mức độ vi phạm bản quyền nhiều và “nóng” nhất. Nhờ internet, công nghệ và mạng xã hội, việc ăn cắp những bức ảnh trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Chỉ cần vài thao tác kỹ thuật, một bức ảnh có thể được sử dụng thoải mái trên nhiều nền tảng mà không phải xin phép.

“Vi phạm bản quyền nhiếp ảnh hiện nay diễn ra rất tinh vi. Việc bức ảnh của ai đó xuất hiện trên mạng xã hội, sách báo, video… là thứ có thể nhìn thấy, tức vi phạm bản quyền cơ học. Còn có vi phạm bản quyền ý tưởng, rất khó nhận ra, tức là chỉ cần xem bức ảnh người ta có thể chụp, vẽ lại giống 99%”, ông Hà Hữu Đức - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam nói.

nhuc nhoi vi pham ban quyen tac gia bao gio het canh song chung voi lu hinh 2
Ông Hà Hữu Đức - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Nhiếp ảnh Việt Nam. Ảnh: Trung Nguyễn

Theo ông Đức, mỗi một bức ảnh, các nghệ sĩ phải đầu tư tiền của, thời gian và công sức rất lớn. Việc vi phạm, đánh cắp bản quyền quá dễ dàng khiến nhiều nghệ sĩ ngại công bố các sản phẩm hay, có giá trị nhất của mình. Đây là thiệt thòi cho chính công chúng.

“Mình nghĩ vấn nạn vi phạm bản quyền tác giả xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, không riêng gì Việt Nam, đặc biệt khi mà nghệ thuật càng có nhu cầu cao, càng giá trị thì việc đánh cắp và làm giả càng tinh vi thôi”, họa sĩ Bùi Trọng Dư nhận xét. Song, điều đáng buồn ở chỗ, rất nhiều nghệ sĩ bị xâm phạm bản quyền gần như “bó tay”, hoặc chỉ còn cách lắc đầu ngao ngán trước thực trạng này.

Họa sĩ Dư chia sẻ, tranh của anh từng nhiều lần bị sao chép, vi phạm bản quyền, sau khi phát hiện “các đối tượng xin lỗi và bồi thường một chút là xong”. Anh cho rằng, việc sao chép tranh giờ đây không chỉ dừng lại ở các cửa hàng, còn nhiều đội vẽ tranh tường, đội chép tranh để đưa vào sản phẩm, trang trí sản phẩm như áo dài, bao bì, hộp bánh Trung thu, túi xách... rồi mảng làng nghề cũng rất “tích cực” sao chép tranh để sử dụng cho sản phẩm của họ, gây bức xúc cho những người sáng tạo.

“Với tâm lý của một họa sĩ, hay một người làm nghệ thuật nói chung, rất tức và khó chịu khi sản phẩm của mình bị đánh cắp, nhưng để mà theo đuổi, đòi công bằng thì mất quá nhiều thời gian và không đáng. Chẳng hạn như vụ Linh Lê (Lê Phong Linh) tranh chấp bản quyền “Thần đồng Đất Việt” diễn ra trong 12 năm trời. Ngay cả các họa sĩ Bùi Hữu Hùng, Đinh Quân, Thành Chương, Đào Khải Phong... đều bị xâm phạm bản quyền rất nhiều, đến bây giờ các anh đều chán, không muốn lên tiếng”, họa sĩ Bùi Trọng Dư tâm sự.

nhuc nhoi vi pham ban quyen tac gia bao gio het canh song chung voi lu hinh 3
Họa sĩ Bùi Trọng Dư chia sẻ với PV Báo Nhà báo & Công luận về tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật. Ảnh: Trung Nguyễn

“Một số nền tảng mạng xã hội đã kiểm soát được việc sử dụng các tác phẩm VHNT bất hợp pháp, nhưng chưa triệt để. Vả lại, việc phân chia các quyền liên quan cũng chưa rõ ràng, nên việc thu bản quyền cũng như vi phạm quyền tác giả vẫn thường xảy ra” - Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Là một nhà nhập khẩu phim tư nhân nhỏ, anh Phạm Quang Mạnh chia sẻ: “Trong thời gian qua, các doanh nghiệp lớn đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để ngăn chặn, đóng cửa nhiều website lậu, nhưng còn không ít trang web vẫn đang lấy nội dung của các bộ phim để đưa lên mạng một cách chính thống. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, cứ đóng website này, thì website khác lại mọc ra. Việc xử lý các website đó rất phức tạp. Nhưng nếu không xử lý triệt để, những đơn vị như chúng tôi chịu thiệt hại rất lớn”.

Môi trường số, mảnh đất màu mỡ cho vi phạm bản quyền

Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền trên môi trường số, cụ thể là qua dịch vụ phát nội dung trực tuyến, mạng xã hội, tin nhắn và các nền tảng khác. Khảo sát của Trung tâm Bản quyền Nội dung số Việt Nam cho biết, việc vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra công khai trên nhiều nền tảng. Người dùng hiện nay có xu hướng thích dùng nội dung không có bản quyền. Độ tuổi vi phạm nhiều nhất trong khoảng từ 18-24, với tỷ lệ sử dụng nội dung lậu lên tới 65%. Lý do cơ bản là các website lậu sẵn sàng cung cấp nội dung với giá rất rẻ hoặc thậm chí miễn phí chỉ để lấy người dùng.

“Tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số hiện nay rất phức tạp, đa dạng về lĩnh vực, từ báo chí đến âm nhạc, sách báo, nhiếp ảnh, điện ảnh, mỹ thuật… Phạm vi cũng mở rộng, không còn ở một quốc gia mà mở rộng trên toàn cầu. Chính vì thế, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm”, anh Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết.

nhuc nhoi vi pham ban quyen tac gia bao gio het canh song chung voi lu hinh 4
Họa sĩ Bùi Trọng Dư với giấy đăng ký sở hữu bản quyền tác phẩm mỹ thuật của mình. Ảnh: Trung Nguyễn.

“Vi phạm bản quyền, trước hết là do ý thức tùy tiện của người sử dụng. Sau đó, ý thức về bản quyền của người chủ sở hữu cũng kém, rồi đến chế tài pháp luật chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền rất nhức nhối, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội”- Ông Hà Hữu Đức, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Nhiếp ảnh Việt Nam.


Lý giải về sự tồn tại của các website lậu, anh Hoàng Đình Chung đánh giá: “Về bản chất, nếu không có người trả tiền thì các website đó phát triển không để làm gì. Vẫn có những người trả tiền cho họ khi mà website có một lượng người dùng đủ lớn. Vậy ai là người trả tiền cho họ? Đó là những website cờ bạc, betting (cá độ)… những trang không thể quảng cáo chính thống được luôn có nhu cầu tìm đến các trang có lượng truy cập lớn một chút để đặt quảng cáo, phát triển cộng đồng… Câu chuyện nằm ở chỗ đó. Khi mà họ còn kiếm được tiền, họ sẽ vẫn làm web lậu”.

nhuc nhoi vi pham ban quyen tac gia bao gio het canh song chung voi lu hinh 5
Anh Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam. Ảnh: Trung Nguyễn

Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ VH-TT&DL, Thanh tra của Bộ VH-TT&DL cho biết, trong 10 năm qua đã xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan số tiền gần 13 tỷ đồng, trong đó có 99,5% xử phạt vi phạm sao chép phần mềm máy tính. Tất cả các vi phạm còn lại chỉ chiếm 0,5%, gồm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật biểu diễn. Điều này cho thấy thực tế rằng, sự phát triển nhanh chóng của môi trường số kéo theo thực trạng gia tăng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và sáng tạo nội dung số trở thành mảnh đất màu mỡ cho vi phạm bản quyền tác giả.

Những thông tin mà Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đưa ra tại Hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng (KOLs) được tổ chức mới đây, hẳn khiến không ít người phải giật mình: “Trên thế giới, cứ 100 đồng tiền đến từ thu nhập gian lận trên YouTube thì có 55 đồng do người Việt Nam làm ra. Số tiền trên chiếm hơn 1/2 số tiền thu nhập do gian lận mà có. Trong khi, đất nước đứng thứ hai cũng chỉ bằng 1/10 của chúng ta”.

Bàn về thực trạng vi phạm bản quyền tác giả tại Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, điều này gây ra những hệ lụy tiêu cực đến sự phát triển của xã hội nói chung, làm giảm sự sáng tạo trong văn học nghệ thuật nói riêng. Nếu không bảo vệ bản quyền thì chúng ta sẽ không khuyến khích được sáng tạo, không tạo được một môi trường trong lành, minh bạch và từ đó chúng ta cũng khó tiếp nhận được các tinh hoa văn hóa trên thế giới vào Việt Nam.

Không thể trông chờ sự tự giác!

Trước thực tế vi phạm bản quyền tác giả rất nhức nhối tại Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia, nghệ sĩ và đại bộ phận công chúng đều khẳng định cần siết chặt quản lý, tăng cường các chế tài pháp luật để răn đe, kêu gọi từ bỏ tư duy “sống chung với lũ” trước vấn nạn này. Bởi vì, không thể trông chờ vào sự tự giác trong việc tuân thủ pháp luật.

“Mọi thứ có tính hai mặt. Xã hội cũng thế, không bao giờ tuyệt đối được, không có chuyện chỉ có cái tốt. Song, các cơ quan chức năng, những người làm luật cần xây dựng cơ chế minh bạch, chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn”, họa sĩ Bùi Trọng Dư đánh giá. Đồng thời, anh cũng kêu gọi “cần phải đưa văn bản pháp luật vào cuộc sống thay vì nằm trên bàn giấy”.

Cho đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng hoàn thiện. Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành ngày 16/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 và các quy định khác của Chính phủ góp phần rất lớn cho việc thực thi bảo vệ bản quyền, cũng như tạo ra khung pháp lý cho mọi hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ.

“Vi phạm bản quyền là thói quen lười biếng. Ví dụ các làng nghề phải thuê họa sĩ để thiết kế, thay vì đi đánh cắp sản phẩm, ý tưởng. Việc xử lý vi phạm bản quyền của cơ quan chức năng phải quyết liệt, tránh như bắt cóc bỏ đĩa” - Họa sĩ Bùi Trọng Dư.

Ở góc độ cơ quan quản lý, trong thời gian qua, Cục Bảo vệ bản quyền, Bộ VH-TT&DL, đã rất nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như thực hiện hàng loạt các biện pháp, trong đó giám sát các hành vi vi phạm bản quyền.

“Cục Bảo vệ bản quyền tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện để nâng cao nhận thức của xã hội đối với vấn đề này. Về tuyên truyền chính sách, kể từ đầu năm 2023, có khoảng 1.300 bài viết vi phạm bản quyền, điều này cho thấy dư luận xã hội rất quan tâm”, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết.

Theo bà Oanh, “Việt Nam đã tham gia 8/9 điều ước quốc tế về bản quyền chứng tỏ quyết tâm của chúng ta trong việc bảo vệ bản quyền. Bởi vì, chúng ta không chỉ bảo vệ bản quyền ở trong nước mà còn bảo vệ bản quyền ở cả bên ngoài. Khi thực hiện như thế sẽ thúc đẩy sự sáng tạo trong nước và các sáng tạo trong nước cũng sẽ được bảo vệ ở các quốc gia”.

Bên cạnh Cục Bảo vệ bản quyền, các hiệp hội, tổ chức VHNT, các đơn vị cũng như cá nhân các nghệ sĩ cũng rất tích cực trong việc cập nhật kỹ năng và kiến thức để theo kịp sự thay đổi liên tục của xã hội, đặc biệt đối với sự phát triển mạnh mẽ của môi trường số.

“Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bản quyền để người dân có nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề này. Bên cạnh đó, có thể đưa luật bản quyền vào các môn học hay tiết học ngoại khóa cho học sinh, sinh viên để thay đổi tư duy, giúp công dân có nhận thức về bản quyền tác giả từ sớm” - Nguyễn Minh Anh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần chú trọng phát triển mở rộng hơn nữa các cơ quan, tổ chức bảo vệ bản quyền: “Tôi thấy có mấy việc mà chúng ta cần phải quan tâm. Ví dụ như cần phải có một vài vụ xử phạt mang tính làm gương để từ đó có tác dụng tuyên truyền giáo dục răn đe. Thứ hai là chúng ta cần có sự chung tay của cả xã hội, trong đó các nghệ sĩ có thể là những người đứng ra tiên phong. Hơn thế nữa, tôi nghĩ rằng chúng ta cần có thêm các trung tâm bảo vệ quyền tác giả đủ mạnh, có nhiều công cụ pháp lý, có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các hiệp hội cũng sẽ giúp cho câu chuyện bảo vệ bản quyền của chúng ta tốt hơn. Đó là những cái mà chúng ta cần phải thực hiện sớm”.

Đồng tình với quan điểm này, nhạc sĩ Đức Trịnh đánh giá, để bảo vệ quyền tác giả, việc tốt nhất là ký cho các Trung tâm bản quyền và Cục Bản quyền, để các tổ chức đó giúp mình bảo vệ quyền tác giả.

nhuc nhoi vi pham ban quyen tac gia bao gio het canh song chung voi lu hinh 6
Nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ảnh: Hiền Nguyễn

“Tôi cho rằng, trước hết cần có chế tài pháp luật đủ mạnh. Thứ hai là ý thức của người sử dụng phải được nâng lên. Song song với đó là vai trò của các trung tâm bảo vệ bản quyền. Với nhiếp ảnh, cần phải thành lập Trung tâm Bảo vệ bản quyền Nhiếp ảnh để vừa giám sát, vừa bảo vệ, chia sẻ quyền lợi giữa tác giả và người sử dụng. Không thể kéo dài tình trạng “dùng chùa” mãi như thế này được!”- ông Hà Hữu Đức, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam, nhấn mạnh.