Những 'bóng hồng' quả cảm
Những “nữ chiến binh” áo trắng luôn mang tinh thần sẵn sàng đi vào tâm dịch. Ảnh: Quang Vinh.
Chỉ tính đợt dịch thứ 4 (tháng 4/2021 đến nay), ngành y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 25.000 giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch.
Hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe. Trong cuộc chiến không tiếng súng này, hàng trăm nghìn cán bộ y tế đã và đang phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận hy sinh cá nhân, tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh. Không ít nhân viên y tế đã gặp phải những vấn đề về sức khỏe, về tâm lý khi chịu đựng áp lực nặng nề để điều trị người bệnh, đã có khoảng 3.000 cán bộ y tế bị mắc Covid-19 và hơn 10 trường hợp đã hy sinh. Trong số những chiến sĩ mặc áo trắng trên tuyến đầu chống dịch, không bao giờ thiếu hình ảnh của những nữ thầy thuốc, nữ điều dưỡng. Họ cũng đã và đang cống hiến hết mình, gác lại những buồn vui bộn bề, những niềm riêng để góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Thế nhưng, hầu hết các nữ nhân viên y tế khi được hỏi đều cho biết, khi khoác trên mình tấm áo blouse trắng, họ sẵn sàng đi đến bất kỳ đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi nhân dân cần đến họ trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và công tác phòng, chống dịch.
Một trong số đó, BS Lã Thị Mỹ Dung (Bệnh viện đa khoa Đan Phượng, Hà Nội) liên tục cười xòa khi được hỏi về nỗi vất vả của chị cũng như các đồng nghiệp trong những ngày tháng đấu tranh chống “giặc vô hình” Covid-19 vừa qua, bởi theo chị: “Chúng tôi chỉ làm đúng nhiệm vụ của mình, có gì đâu, chúng tôi vẫn thay ca cho nhau để giảm bớt quá tải và áp lực”.
Thế nhưng ít người biết, khi nói những lời này cũng là lúc BS Dung và con nhỏ đang tự cách ly tại nhà vì chị mắc Covid-19 trong quá trình làm việc tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19, còn chồng chị, Đại úy, BS Nguyễn Đức Hải (Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Quân y 105) đang sửa soạn, chuẩn bị vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tháng 9 vừa qua, khi đang tham gia lực lượng Tổ quân y cơ động trạm y tế xã phường, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho TP Hồ Chí Minh thì Đại úy, BS Hải bất ngờ nhận được tin cha mất từ quê nhà. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, đặt sứ mệnh của người lính quân y lên trên hết, anh đã không thể về chịu tang cha. Mọi gánh nặng của gia đình trong lúc bối rối đều được đặt trên vai của BS Lã Thị Mỹ Dung, trong khi chị cũng đang thực hiện nhiệm vụ của mình để đảm bảo sức khỏe của nhân dân.
“Vất vả là đương nhiên, đôi lúc cũng thấy tủi thân, thấy mệt. Nhưng tất cả đều chẳng là gì khi mình thấy người bệnh được xuất viện, khi mình được đọc những lời cảm ơn, những lá thư mà những người khỏi bệnh gửi” - chị Dung tâm sự.
Câu chuyện của BS Dung có lẽ không phải là hãn hữu mà hàng nghìn những nữ bác sĩ, nữ nhân viên y tế khác ở mọi miền Tổ quốc đều đã và đang tạm gác lại buồn vui của bản thân, gia đình để lo cho cái chung của Tổ quốc, của Nhân dân, lên đường theo “mệnh lệnh của trái tim”.
Chị Nguyễn Thị Thường - Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Từ năm 2020 tới giờ, dịch kéo dài triền miên. Có nhiều y, bác sĩ trong suốt nhiều tháng vừa qua, số lần được về nhà đếm trên đầu ngón tay. Tất cả những gì chúng tôi trải nghiệm đều rất khó diễn tả bằng lời. Có đồng nghiệp nữ òa lên khóc khi nghĩ về đứa con thơ đang khóc suốt đêm vì khát sữa, khi người thân phải chia lìa mà chưa hẹn ngày về”.
Còn đối với vợ chồng BS Nguyễn Thị Vân Hà - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, xót xa nhất là khi nghe giọng nói dỗi hờn của 2 con nhỏ: “Cả hai vợ chồng đều nằm lực lượng tuyến đầu chống dịch nên hai cháu đều gửi cho ông bà ngoại. Các bạn trách lắm. Cứ mỗi lần gọi là lại trách móc, nhất là bạn nhỏ 5 tuổi, rằng sao bố mẹ cứ đi mãi thế nhưng mỗi khi bảo bố mẹ đi làm là để có tiền mua kẹo cho con thì bạn nhỏ lại không trách nữa”.
Đối với rất nhiều nữ nhân viên y tế, những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp đồng nghĩa với những tháng ngày đi làm dài tại khu cách ly, phải gác lại tất cả công việc của gia đình cho chồng, cho cha mẹ, đồng nghĩa với việc khi người thân mắc bệnh nặng nhưng không thể ở bên cạnh, có những nữ nhân viên y tế có con trai, con gái học online tại nhà một mình không có ai bảo ban học hành nên đành phải gửi về nhờ họ hàng trông giúp.
Thế nhưng khi đã khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, các nữ nhân viên y tế đã gác lại tất cả để tập trung phục vụ chống dịch và chống dịch. Vượt qua những bữa cơm ăn vội không có mốc thời gian cụ thể, những giấc ngủ không tròn giấc, những áp lực, nỗ lực không ngừng nghỉ từng giờ, từng phút trong bộ đồ bảo hộ… Mọi người chỉ hướng đến mục tiêu duy nhất là chăm sóc sức khỏe cho người bệnh Covid-19 một cách tốt nhất, giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn, chiến thắng dịch bệnh nhanh chóng được trở về nhà an toàn.
Chuyên gia xã hội học PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Khi Tổ quốc cần, họ đã có mặt
Suốt 3 năm qua, những hy sinh của đội ngũ y bác sĩ khắp mọi miền Tổ quốc là không gì đong đếm được. Tôi nhớ những ngày khi thông tin về dịch bệnh Covid-19 bùng phát căng thẳng ở nơi này, nơi kia, nhân lực y tế địa phương đã quá tải, đội ngũ y bác sĩ ở các tỉnh thành khác đã được huy động để chi viện hỗ trợ cho địa phương tiếp thêm sức mạnh để vượt qua đại dịch. Ngay trong những ngày tháng này, khi số ca nhiễm bệnh ở Hà Nội và nhiều địa phương khác cũng tăng cao, đội ngũ nhân viên, cán bộ y tế từ tuyến cơ sở đến Trung ương đều căng mình chống dịch, chúng ta đều nhìn thấy rõ ràng.
Những tấm gương nữ bác sĩ, y tá… đã tình nguyện gác lại những niềm riêng để lên đường làm nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng mà nhân dân giao phó gây xúc động cho tất cả những người chứng kiến. Ai cũng có gia đình, bố mẹ, con thơ… cần chăm lo, phụng dưỡng nhưng để lại tất cả những băn khoăn, trăn trở ấy, họ đã tình nguyện xa gia đình để lao vào tâm dịch hỗ trợ các địa phương quá tải về bệnh nhân, thiếu nhân lực. Sự hy sinh ấy, chúng ta luôn biết ơn và trân trọng.
Tri ân những nữ chiến binh áo trắng nhân ngày 8/3 cũng là lời cảm ơn chân thành đến tất cả đội ngũ y bác sĩ đã quên mình vì nghĩa đồng bào.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Tấm gương bình dị
Bên cạnh những vất vả khó nhọc của ngành y, trong bối cảnh dịch bệnh 3 năm qua, những hy sinh cao cả của đội ngũ y bác sĩ lại càng đáng trân trọng. Họ dấn thân quên mình trong cuộc đua giành lấy sự sống cho người dân. Họ đã tích cực, kiên quyết trong tâm thế không để ai bị bỏ lại phía sau. Những con người ấy đã gác lại cuộc sống riêng tư, hạnh phúc gia đình, quên đi nỗi sợ hãi, tất cả đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành. Nhờ có những hy sinh ấy mà giúp cho bao đứa trẻ vẫn có cha mẹ, bao người vợ vẫn còn chồng và ngược lại… Họ đã mang lại những mong muốn bình dị nhất cho mỗi người trong thời điểm hiện tại là “còn được nhìn thấy nhau trong cuộc đời”.
Để học sinh được cắp sách tới trường, để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, công lao của đội ngũ y bác sĩ là vô cùng lớn. Ghi nhận công lao ấy, những người làm giáo dục như chúng tôi cũng sẽ cố gắng để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay noi gương, học tập. Đội ngũ y bác sĩ chính là tấm gương về sự hi sinh cao quý. Nhất là với những y bác sĩ là nữ, tôi thấu hiểu những lo lắng, trăn trở của họ với trách nhiệm cao cả làm mẹ, làm vợ… khi bình thường lo lắng cho con từ bữa ăn, giấc ngủ, nay xa gia đình hàng tháng trời không sốt ruột sao được. Những giọt mồ hôi rơi, những tâm sự xúc động và cả những giọt nước mắt rơi khi chứng kiến người thân của mình ốm đau, bệnh tật, thậm chí đám tang cha cũng không về được vì đang đi chống dịch… là những hình ảnh khắc sâu trong tâm trí tôi và nhiều người Việt Nam hôm nay.