Những cú sốc mang tên trái phiếu doanh nghiệp
Xuống tiền nhanh, trầy trật chờ nhận lại
Theo thống kê, từ thời điểm tháng 6 đến hết năm 2022, khối lượng đáo hạn trái phiếu do các doanh nghiệp đã phát hành sẽ tăng dần với hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng có tỷ lệ nợ cao bất thường, nếu bị đứt dòng tiền thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cho các trái chủ.
Đơn cử, Công ty Cổ phần VKC Holdings vừa phát đi thông báo về việc tạm hoãn thanh toán lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư mua trái phiếu VKCH2123001 (quy mô 200 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm) phát hành ngày 9/12/2021. Ngày trả lãi theo kế hoạch ban đầu là 9/9/2022.
VKC Holding cho biết, các sai phạm của ban lãnh đạo khóa cũ đã làm thất thoát lớn tài sản và công ty mất khả năng thanh toán đối với các chủ nợ.
"Để đảm bảo quyền lợi cho các trái chủ và các cổ đông của VKC, Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc VKC đang tích cực làm việc với các bên liên quan có quyền lợi và nghĩa vụ trong lô trái phiếu này để khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, VKC cũng đã gửi đơn tố giác đến các cơ quan ban ngành có thẩm quyền để xử lý", thông báo viết.
Gần đây nhất, một nữ doanh nhân nổi tiếng, chủ tịch của một tập đoàn bất động sản vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư...
Trước đó, ngày 5/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil trực thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Lý do doanh nghiệp này công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tổng giá trị 9 đợt phát hành trái phiếu trên là 10.030 tỷ đồng. Sau hơn nửa năm bị hủy, đến nay các nhà đầu tư trái phiếu vẫn chưa được hoàn tiền!?
“Cuộc chơi” không dành cho nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm
Trên thực tế, không thể phủ nhận trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả dành cho doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sự phát triển "nóng" của thị trường vì dễ dàng gọi vốn, tiền thu về từ trái phiếu cũng không bị kiểm soát, giám sát chặt chẽ khiến doanh nghiệp phát hành có thể tùy ý sử dụng vào các mục đích khác nhau sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.
Các cơ quan chức năng đã có những cảnh báo quan ngại trước một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, gấp từ 5 lần trở lên so với vốn chủ sở hữu. Một số tổ chức phát hành là công ty chưa niêm yết, không phải công ty đại chúng, có thời gian hoạt động ngắn, khó tìm kiếm thông tin về hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính, không có trang web. Một số doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ hoặc tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp dưới 1%.
Việc chuyển vốn huy động từ phát hành trái phiếu "lòng vòng" qua các doanh nghiệp khác, sử dụng vốn sai mục đích, rất đáng ngại. Xác định mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin về sở hữu rất khó tiếp cận, đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng. Trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, có thể dẫn đến mất vốn gốc, lãi trái phiếu của nhà đầu tư và tạo nên hiệu ứng dây chuyền trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tất cả những điều này sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư cá nhân.
Nhận định những nguy cơ tiềm ẩn, nhiều cơ quan chuyên ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng liên tục phát đi cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nói chung, và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói riêng. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tài chính kém, kinh doanh thua lỗ hay những doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo, thậm chí là có dấu hiệu lừa đảo.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có cả phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Đây được xem là công cụ pháp lý để chấn chỉnh lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm xóa bỏ tình trạng “vàng thau” lẫn lộn trong thời gian qua. Nhưng hơn hết, chính các nhà đầu tư phải tự nâng cao nhận thức rằng: Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là có rủi ro, khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này. Hay các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
Việc bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.