1. Trang chủ /
  2. Những điều cần biết về Đại hội Công đoàn và chính sách liên quan đến người lao động

Những điều cần biết về Đại hội Công đoàn và chính sách liên quan đến người lao động

thứ năm, 23/3/2023 08:13 GMT+07
Sáng 22/3, báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những điều cần biết về Đại hội Công đoàn và chế độ, chính sách liên quan đến người lao động”.
Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Hoản phát biểu tại chương trình
Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Hoản phát biểu tại chương trình

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết, chính sách pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động… là những chính sách có phạm vi rộng lớn nhưng lại có sự gắn bó chặt chẽ, liên quan thiết thực tới người lao động. Do đó, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức pháp luật đến cả chủ sử dụng lao động và người lao động là việc làm hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, trong năm 2023 này, khi các cấp Công đoàn đang tập trung tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 - 2028, việc nắm rõ các quy định, quy trình, cách thức tổ chức như thế nào để đảm bảo Đại hội được tổ chức thành công, thật sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, rộng rãi cũng là điều mà các cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động đang quan tâm.

Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Hoản phát biểu tại chương trình

Để thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân viên chức lao động, trong những năm qua, Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Hoản cho biết, hàng năm, công đoàn ngành đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ thành phố; Công ty Luật GATACA tổ chức tuyên truyền, đối thoại về chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, pháp luật lao động... đối với doanh nghiệp; Tuyên truyền phổ biến các chế độ chính sách đối với người lao động như việc làm, tiền lương, tranh chấp lao động, cổ phần hóa doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động... cho cán bộ công đoàn cơ sở và đại diện công nhân lao động.

Các chuyên gia chia sẻ tại chương trình

Tại buổi đối thoại, các chuyên gia đã giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của công nhân, viên chức, lao động. Anh Dương Xuân Hưng (Công ty Thủy lợi Hà Nội) hỏi: "Hiện nay cơ quan Bảo hiểm xã hội có triển khai ứng dụng VssID, sau khi cài đặt, một số lao động trong công ty tôi còn cập nhật thiếu năm đóng BHXH (giai đoạn từ năm 2008 trở về trước). Như vậy có ảnh hưởng đến tổng thời gian tham gia đóng bảo hiểm của lao động không? Nếu ảnh hưởng thì phải làm thế nào? Trường hợp mất sổ Bảo hiểm xã hội thì phải làm gì?

Công ty tôi có một công nhân sinh năm 1985, đã có thời gian công tác 16 năm, bị tai nạn rủi ro trong thời gian nghỉ ngơi tại nhà. Hiện nay đã bị liệt mất khả năng lao động, chỉ được hưởng chế độ ốm đau khi có hồ sơ điều trị gửi cơ quan BHXH (thẻ cấp 3 tháng 1 lần). Xin hỏi chuyên gia có thể vận dụng được chế độ chính sách nào nữa để tháo gỡ khó khăn cho công nhân này?".

Bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải đáp, ban đầu khi triển khai VssID, trong quá trình triển khai có những điều chưa thống nhất và đồng bộ. Với những trường hợp người lao động đã có thời gian công tác trước năm 2008, chưa được ghi nhận vào sổ có 2 trường hợp.

Trường hợp thứ nhất, đơn vị chưa đồng bộ quyển sổ xanh (quyển sổ cũ) theo Quyết định 4027, người lao động phải nộp lại quyển sổ xanh với BHXH quận, huyện để đồng bộ dữ liệu. Đối với những trường hợp do đơn vị đóng chưa chốt sổ trước năm 2008 vẫn bắt buộc phải phối hợp với đơn vị để chốt sổ để thể hiện trên VssID.

Trường hợp thứ hai, do sơ suất của cơ quan BHXH khi thực hiện, người lao động điều chuyển công tác từ đơn vị này sang đơn vị khác. Tuy nhiên khi chuyển sang đơn vị mới chưa kéo đủ quá trình về, thể hiện trên VssID chưa đủ thì đơn vị chỉ cần liên hệ với cán bộ chuyên quản của đơn vị mình để giải quyết.

Trường hợp mất sổ Bảo hiểm, trên VssID có hướng dẫn, người lao động có thể ngồi ở nhà để làm thủ tục.

Về trường hợp người công nhân sinh năm 1985, đã có thời gian công tác 16 năm, bị tai nạn rủi ro trong thời gian nghỉ ngơi tại nhà, dưới góc độ cơ quan BHXH, người lao động được hưởng chế độ ốm dài ngày. Hoặc để một thời gian, nếu cảm thấy sức khỏe không ổn định, có thể làm thủ tục về hưu trước tuổi (trước 10 tuổi) với điều kiện có làm giám định y khoa.



Anh Dương Xuân Hưng, công tác tại Công ty Thuỷ Lợi Hà Nội chia sẻ thắc mắc tại chương trình

Chị Nguyễn Thị Hồng Hà (Công ty sông Nhuệ) hỏi: "Đơn vị tôi thi thoảng có thay đổi nhân sự, chuyển công tác sang đơn vị khác, do thủ tục nên có quyết định vào cuối tháng, sang đầu tháng sau mới báo giảm được nên BHXH truy thu BHYT của tháng đó. Nhưng đơn vị mới báo tăng cũng vẫn phải đóng BHYT, nhiều khi bị trùng. Điều này BHXH có giải pháp gì không?".

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu trả lời, đối với trường hợp chuyển BHYT khi chuyển đơn vị khi báo giảm muộn thì phải truy thu BHYT. Đây là việc nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Nếu xác định người lao động chuyển đi thì phải báo giảm kịp thời trong tháng, để không bị truy thu tháng sau. Hiện tại trong quy định, đóng BHXH, BHYT là chúng ta phải đóng trong tháng, từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng của tháng.

Với sự tham gia của các chuyên gia là luật sư, cán bộ công đoàn, cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội - những nhà hoạch định và triển khai chính sách, am hiểu về pháp luật lao động, các chính sách pháp luật liên quan tới người lao động, nắm vững các kiến thức liên quan công tác tổ chức Đại hội Công đoàn, chương trình là cơ hội để các cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động có thể cập nhật, trang bị những kiến thức cần thiết trong quá trình triển khai công việc, tham gia quan hệ lao động.