Những khu chợ nổi tiếng của Hà Nội quanh năm vắng khách
Chợ Hôm - Đức Viên nằm ở ngã tư giao cắt Phố Huế - Trần Xuân Soạn – Trần Nhân Tông, đây được coi là vị trí đắc địa nhất Hà Nội trong số các chợ truyền thống tại Thủ đô.
Trước đây, chợ Hôm – Đức Viên là chợ quần áo, vải vóc khá sầm uất nhưng hiện nay luôn trong cảnh vắng vẻ, khách ra vào thưa thớt, trái ngược với cảnh tấp nập trên con phố Huế - Hàng Bài ngay cửa chợ.
Đa phần các tiểu thương tại chợ cho biết, do lượng khách ít đến đây vào những ngày thường nên các sạp hàng tại chợ chỉ mở cửa vào khung giờ buổi chiều hoặc những ngày cuối tuần.
Theo ghi nhận của PV, 10 giờ sáng, nhiều gian hàng vẫn chưa mở hàng. Tình trạng ế ẩm khiến dân buôn bán chán nản. Vắng khách, “đói hàng”, tiểu thương có khi ngồi chơi cả ngày, nhiều người bày hàng ra rồi thu vào, cả ngày chẳng bán được.
Buôn bán tại chợ Hôm – Đức Viên đã lâu, các tiểu thương cho biết, tình trạng ế ẩm kéo dài khiến thu nhập giảm mạnh tới 70%. Trước và trong thời điểm dịch bệnh nhiều cửa hàng vẫn kinh doanh thuận lợi. Còn bây giờ tình trạng ế ẩm kéo dài ngày này sang ngày khác.
Tình trạng ế ẩm kéo dài khiến không ít tiểu thương phải treo biển cho thuê hay sang nhượng ki-ốt.
Tương tự, trung tâm thương mại Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được cải tạo từ chợ Hàng Da cũ với tổng diện tích 3.700m2, có 5 tầng nổi và 2 tầng hầm. Nơi đây vốn đã vắng vẻ từ chục năm trước, hiện giờ còn thê thảm hơn.
Nằm trong khu phố cổ sầm uất, từng nổi tiếng là khu chợ đông khách nhất nhì Hà Nội, giờ cả 5 tầng của trung tâm thương mại Hàng Da những ngày này hầu như không có khách hàng lui tới.
Khu vực tầng 1 ngay sảnh vào chợ là một dãy ki-ốt bán rượu, bia, bánh kẹo, nhưng nay chỉ còn vài gian hàng còn hoạt động. Vài ki-ốt bị ban quản lý chợ dán niêm phong do đã quá thời hạn thanh toán mặt bằng.
Khu vực tầng 2, tầng 3 được bố trí thành khu vui chơi giải trí và gian hàng nhưng cũng trong tình trạng vắng vẻ, có những quán đã phải trả lại mặt bằng vì luôn trong tình trạng vắng khách.
Vắng khách đến chợ, nhiều tiểu thương đã lập tài khoản bán hàng trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. “Mình mới tìm hiểu cách bán hàng này từ vài tháng nay, mình đã bán được một số sản phẩm qua Facebook. Mỗi ngày mình sẽ chụp các mẫu lên và tư vấn online cho khách, đây là một cách bán hàng hiệu quả trong khoảng thời gian chợ vắng khách” – một tiểu thương chia sẻ.
Tuy nhiên, một số mặt hàng vẫn còn khó khăn khi đưa lên các sàn thương mại điện tử, nhiều hộ kinh doanh chưa tiếp cận được với phương thức bán hàng mới nên vẫn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết tiểu thương đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ để phần nào giúp họ bám trụ lại chợ.