1. Trang chủ /
  2. Những mũi khoan triệu USD trên biển: Lúc có dầu, lúc về bờ "trắng tay"

Những mũi khoan triệu USD trên biển: Lúc có dầu, lúc về bờ "trắng tay"

thứ hai, 31/1/2022 11:11 GMT+07
(PLM) - Một giếng khoan dầu khí trị giá hàng chục triệu USD có thể cho dầu, làm lợi cho đất nước nhưng cũng có khi phải chấp nhận “đổ sông đổ biển” chừng ấy tiền theo đúng nghĩa đen của nó, mà dầu cũng chẳng có để đem về bờ.
Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam: "Chúng tôi đang chuẩn bị 1 giếng thăm dò gần 50 triệu USD, nhưng xác suất thành công chỉ 30%" Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam: "Chúng tôi đang chuẩn bị 1 giếng thăm dò gần 50 triệu USD, nhưng xác suất thành công chỉ 30%"

Khoan dầu không giống đi buôn cổ phiếu

TS.Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) đã dẫn câu chuyện của những người đầu tư chứng khoán và hoạt động tìm kiếm dầu khí trên biển để nói về mức độ may rủi, khó khăn của nghề “đi tìm lửa”. Bởi xác suất thành công của khoan thăm dò dầu khí chỉ… 20%. Một quy luật, một con số rất nhỏ, rất khắc nghiệt nhưng những người làm nghề này phải chấp nhận.

“Nếu chơi chứng khoán, “anh” có thể tìm cho mình những mã cổ phiếu sinh lời tích cực để đầu tư, kiếm lợi. Nhưng nghề thăm dò dầu khí thì khác. Một giếng khoan trị giá hàng chục triệu USD có thể cho dầu hoặc không là điều hết sức bình thường đối với các tập đoàn năng lượng”, Tổng Giám đốc PVEP chia sẻ với PLVN.

-PV: Hiện tại, PVEP đang có bao nhiêu giếng dầu, và tình hình khai thác dầu khí năm rồi của doanh nghiệp ra sao, thưa ông?

PVEP đang có tổng cộng 16 giếng khoan trong và ngoài nước. Năm qua, chúng tôi đã hoàn thành tổng sản lượng khai thác dầu khí của năm 2021, về đích trước kế hoạch 15 ngày. Cụ thể, đã gia tăng trữ lượng trong nước phần PVEP đạt 0,7 triệu tấn, có thêm một phát hiện dầu khí mới Sói Vàng (từ giếng khoan SV-1X), Lô 16-15. Sản lượng khai thác năm 2021 đạt 3,49 triệu tấn quy dầu. Sản lượng chung của các dự án bao gồm của các bên liên doanh là 7,30 triệu tấn quy dầu.

Đây là những con số rất tích cực, thể hiện nỗ lực của những người lao động dầu khí trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phức tạp và những khó khăn chung của tình hình giá dầu thế giới kéo dài từ năm 2020 đến đầu năm 2021.

-PV: Giá dầu xuống thấp ở giai đoạn 2015-2017, cộng với những khó khăn nội tại của ngành Dầu khí trong nước - khiến ngành có giai đoạn chỉ đi khai thác mà không có chiến lược đầu tư dài hơi cho hoạt động thăm dò dầu khí, thưa ông?

Đúng là có thời điểm như vậy thật. Tức là PVEP chỉ lo khai thác trước mắt mà gần như không có chút đầu tư nào cho dài hạn, tương lai. Nhưng gần đây, PVEP đã nghĩ đến chiến lược lâu dài và đã có sự đầu tư bài bản cho chiến lược thăm dò, khai thác. Bởi đặc thù trong lĩnh vực này là con số, sản lượng có được năm nay chính là kết quả của sự đầu tư, chuẩn bị từ 2-3 năm trước đó.

Khoảng 2 năm gần đây, PVEP đã có sự tích lũy nhất định, và giờ tình hình “sức khỏe” tài chính cũng đủ để thực hiện cho mình những chiến lược tương đối tham vọng về tìm kiếm, thăm dò trong thời gian tới.


Không đủ lực sẽ rất chông chênh...

-PV: Nghe nói, đầu tư một giếng khoan lên tới hàng chục triệu USD. Mà cắm xuống đáy biển, có khí có dầu, có khi về bờ “tay trắng”?

Chi phí mỗi giếng khoan bây giờ rẻ nhất cũng khoảng 12-13 triệu USD để tìm ra dòng khí. Khi đã phát hiện ra dòng khí, thì phải tiến hành khai thác thêm một thời gian nhất định nữa để xem dòng sản phẩm đó có đảm bảo chất lượng và có giá trị thương mại hay không. Đến khâu này, chi phí chừng 30 triệu USD, thậm chí có dự án phải mất tới 50 triệu USD.

Thế nhưng, không phải cứ khoan xuống là được mà cơ hội thành công trong thăm dò dầu khí thường chỉ 20%, 80% còn lại là rủi ro.

Đi tìm dầu khí phải đưa thiết bị xuống sâu dưới đáy biển 3.000-4.000 mét, thông qua ảnh địa chấn và các mũi khoan... với chi phí rất là lớn. Nếu tài chính “anh” không mạnh, thì sẽ không đủ sức để đầu tư thăm dò, vì có khi mất tới hàng chục triệu USD mà dầu thì cũng không có.

-PV:Vậy, “sức lực” của PVEP hiện nay như thế nào?

Như tôi đã nói, đi thăm dò mà tiềm lực, nhất là về tài chính không “khỏe”, thì lúc gặp rủi ro là lập tức chông chênh ngay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do có định hướng rõ ràng nên PVEP có thể tiến hành khoan thăm dò từ 1-2 giếng, và chúng tôi có thể xử lý, hấp thụ được rủi ro (nếu có) trong quá trình hoạt động.

Xin tiết lộ, PVEP đang thiết kế và chuẩn bị thủ tục cho 1 giếng thăm dò lên tới gần 50 triệu USD ở Vịnh Bắc bộ, với xác suất thành công là 30%.

Lao động dầu khí trên giàn khoan


-PVTrước quy luật khắc nghiệt của hoạt động thăm dò cũng như xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới và những khó khăn do dịch bệnh..., PVEP đã thích ứng ra sao để giữ vai trò doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam?

Thời gian qua, người ta nói nhiều về việc dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động lên mọi ngành, làm đội chi phí...

Trong bối cảnh đó, ngành Dầu khí phải thực sự tiết kiệm. Sản lượng mỏ giảm tự nhiên nhưng PVEP đã chọn những giếng khoan phù hợp để giữ sản lượng và sửa mỏ để gia tăng sản lượng khai thác nhằm đảm bảo các chỉ tiêu tài chính và kế hoạch.

Đặc biệt, khi thế giới có sự chuyển dịch về năng lượng, sản phẩm dầu khí rồi đây sẽ kém được lựa chọn hơn nên giá bán sẽ thấp... Thực tế đó đòi hỏi trong công tác quản trị phải có những Gói giải pháp tổng thể về sản phẩm đầu vào, đầu ra hợp lý hơn với thị trường.

Kể cả trong những tình huống đối tác thăm dò dầu khí rút khỏi Việt Nam, chúng tôi cũng phải chủ động. Thực tế cũng đã chứng minh ngành Dầu khí Việt Nam làm tốt việc này ở Dự án Biển Đông 01 khi Tập đoàn BP (Anh) rút đi. Cụ thể, PVN đã tiếp quản dự án nói trên, sau đó đẩy tiến độ thăm dò nhanh hơn 1 năm so với kế hoạch trước đó của BP, với dòng khí đầu tiên thu được cuối năm 2012.

Không những thế, PVN còn thu hút được Tập đoàn Năng lượng Gazprom (Nga) tham gia vào dự án, với 49% giá trị.

-PV: Trân trọng cảm ơn ông và chúc PVEP một năm mới nhiều thành công!

Võ Tuấn