1. Trang chủ /
  2. Những nơi cấm cửa Valentine

Những nơi cấm cửa Valentine

thứ ba, 15/2/2022 08:05 GMT+07
Người Saudi Arabia muốn mua hoa hồng cho dịp 14/2 từng phải tìm đến thị trường chợ đen với mức giá trên trời. Trong khi đó, các cặp tình nhân ở Malaysia bị bắt giữ vào ngày này.

Ngày lễ tình nhân ở một số quốc gia bị coi là "phản văn hóa".

Người Saudi Arabia muốn mua hoa hồng cho dịp 14/2 từng phải tìm đến thị trường chợ đen với mức giá trên trời. Trong khi đó, các cặp tình nhân ở Malaysia bị bắt giữ vào ngày này.

Với hoa, biểu tượng trái tim và những nụ hôn thể hiện sự lãng mạn, lễ tình nhân 14/2 vốn là dịp kỷ niệm quen thuộc hàng năm trong nhiều thế kỷ qua ở các quốc gia phương Tây, theo National Geographic.

Theo cuộc khảo sát của Ipos ở 28 nước, 55% người được hỏi cho biết họ có kế hoạch đón Valentine bên "nửa kia".

Tuy nhiên, với người dân ở một số nơi trên thế giới, ngày lễ tình yêu bị coi là điều cấm kỵ, thậm chí là bất hợp pháp. Lý do chủ yếu đến từ khía cạnh tôn giáo, văn hóa.

Việc tổ chức kỷ niệm hay các hoạt động mừng ngày Valentine có thể khiến người tham gia chịu phạt.

Saudi Arabia

Trong nhiều thập kỷ, 14/2 chỉ là một ngày bình thường tại quốc gia Trung Đông này.

Các lãnh đạo của Saudi Arabia coi ngày lễ tình nhân vi phạm quan niệm về sự đúng đắn của người Hồi giáo.

Những cặp yêu nhau chỉ dám tặng hoa, quà trong bí mật và nếu bị phát hiện, họ sẽ bị bắt giữ.

Các chủ cửa hàng cũng không được phép bán các loại mặt hàng làm gợi nhớ đến Valentine. Người Saudi Arabia muốn kỷ niệm tình yêu vào ngày 14/2 từng phải tìm đến thị trường chợ đen để mua hoa hồng với giá trên trời.

Trước năm 2016, các chủ cửa hàng hoa ở Saudi Arabia không dám bày bán công khai các mặt hàng cho lễ Valentine.

Tình hình chỉ thay đổi trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Năm 2016, Thái tử Mohammad bin Salman quyết định xóa bỏ nhiều quyền lực của cơ quan chuyên phụ trách thực hiện các quy định tôn giáo nghiêm ngặt.

Kể từ đó, theo Al Arabiya English, người Saudi Arabia được phép công khai chào mừng ngày Valentine. Giá hoa và những món quà có hình trái tim nhờ đó cũng giảm.

Pakistan

Dịp Valentine vốn gây tranh cãi ở Pakistan. Năm 2016, Tổng thống Pakistan lúc bấy giờ là Mamnoon Hussain kêu gọi người dân nước này tẩy chay lễ tình nhân.

Trong cuộc nói chuyện với một nhóm sinh viên nữ, ông bày tỏ quan điểm rằng ngày lễ này "không có liên hệ gì với văn hóa của chúng ta".

Năm 2017, tòa án cấp cao của Pakistan phát lệnh cấm ngày Valentine. Một sắc lệnh được ban bố nhằm xóa tất cả dấu vết của lễ tình nhân khỏi các không gian công cộng, đồng thời cấm mua, bán, quảng cáo hoặc khuyến mại ngày 14/2 trên các phương tiện truyền thông.

Trước khi lệnh cấm có hiệu lực vào năm 2017, người dân Pakistan vẫn có cơ hội nhìn thấy cảnh bày bán hoa, bóng bay trái tim vào ngày 14/2.

Song, sự can thiệp mạnh tay của chính phủ không khiến ngày lễ này biến mất hoàn toàn. Bất chấp rủi ro, nhiều người vẫn tìm đường "luồn lách" để sắm sửa hoa và quà tặng người yêu trong kín đáo, tránh bị cảnh sát theo dõi.

"Mọi người vẫn sẽ kỷ niệm ngày lễ theo những cách của riêng họ. Bạn không thể cấm người dân yêu", một người đàn ông Pakistan lên kế hoạch làm cho vợ mình một bữa sáng lãng mạn vào dịp Valentine năm 2018, nói với New York Times.

Malaysia

Giới chức Malaysia từng nỗ lực xóa bỏ ngày Valentine theo nhiều cách khác nhau.

Năm 2005, Hội đồng Fatwa quốc gia - nơi giải thích luật Hồi giáo và đưa ra các sắc lệnh - đã tuyên bố ngày lễ tình yêu trái ngược với các giá trị của đạo Hồi vì "chứa các yếu tố của Cơ đốc giáo".

Ngày lễ tình nhân bị cấm tại nhiều quốc gia theo đạo Hồi.

Mặc dù các nhóm Cơ đốc giáo hối thúc hội đồng xem xét lại với lập luận rằng có rất ít mối liên hệ giữa dịp Valentine hiện đại với tôn giáo này, lệnh cấm vẫn tiếp diễn.

Sau đó, giới chức Malaysia bắt đầu có những động thái can thiệp mạnh tay hơn.

Họ bắt giữ hàng loạt các đôi nghi ngờ tổ chức kỷ niệm Valentine.

Năm 2011, chính quyền ở bang Selangor và thủ đô Kuala Lumpur nhắm mục tiêu vào các đôi đặt phòng tại khách sạn bình dân và công viên công cộng.

Iran

Giới chức tôn giáo ở Iran từng kêu gọi công chúng giúp đỡ truy tố những người tổ chức ngày Valentine bất chấp luật tôn giáo nghiêm ngặt.

Chính phủ Iran từ lâu đã cấm những biểu tượng của ngày Valentine, gọi chúng là "phản văn hóa" và lên án dịp này là "dấu hiệu của sự vô đạo đức và suy đồi".

Tuy nhiên, ngày 14/2 đã trở nên phổ biến đến mức những người theo chủ nghĩa cứng rắn của đạo Hồi khuyến khích người dân chuyển sang kỷ niệm Sepandārmazgān - một ngày lễ cổ xưa của người Iran.

Ngày này rơi vào 23/2, được gọi là ngày tình yêu của người Ba Tư, nhằm tôn vinh Spandarmad - vị thần đại diện cho người vợ trong hôn nhân gia đình.

Song, nhiều người Iran vẫn tiến hành các hoạt động kỷ niệm Valentine trong bí mật, bất chấp lệnh cấm sản xuất và bán thiệp Valentine cùng các đồ trang sức khác.

Giới chức Iran từng hướng người dân chuyển sang kỷ niệm lễ tình nhân vào ngày khác song bất thành.

Ấn Độ

Tại Ấn Độ, những người theo Hindu giáo cực đoan phản đối kịch liệt ngày Valentine. Nhóm người này từng đe dọa những người kỷ niệm dịp này và thậm chí tấn công các đôi tình nhân trẻ, cắt tóc hoặc bôi đen khuôn mặt của nạn nhân.

Các chiến dịch kêu gọi chống lại ngày lễ tình yêu cũng xuất hiện trên mạng xã hội.

Năm 2015, một chính đảng Hindu cực hữu đe dọa buộc ai công khai tình yêu trên mạng xã hội trong ngày Valentine phải kết hôn hoặc buộc những người kỷ niệm ngày này ở nơi công cộng phải làm lễ cưới tại chỗ.