1. Trang chủ /
  2. Những nước nào đang áp lệnh trừng phạt Israel vì cuộc chiến ở Gaza?

Những nước nào đang áp lệnh trừng phạt Israel vì cuộc chiến ở Gaza?

thứ bảy, 13/4/2024 20:59 GMT+07
Ngay cả các đồng minh của Israel trong những tuần gần đây cũng phải tăng áp lực buộc Israel cho phép thêm viện trợ vào Gaza để ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo. Nhưng cho đến nay, chỉ một số ít nước áp đặt lệnh trừng phạt Israel hoặc tẩy chay các sản phầm từ quốc gia Trung Đông này.

Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế xuất khẩu sang Israel

Ngày 9/4, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hạn chế xuất khẩu nhiều loại hàng sang Israel cho đến khi một lệnh ngừng bắn có hiệu lực ở Gaza. Đây là động thái đáng kể đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Israel kể từ khi xung đột bắt đầu.

nhung nuoc nao dang ap lenh trung phat israel vi cuoc chien o gaza hinh 1
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hạn chế xuất khẩu một loạt hàng hóa sang Israel cho đến khi lệnh ngừng bắn được tuyên bố ở Gaza. Ảnh: Anadolu

Biện pháp này hạn chế xuất khẩu 54 loại sản phẩm khác nhau, bao gồm thép, phân bón, nhiên liệu hàng không, gạch và thiết bị xây dựng. Trước đó, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã ngừng gửi bất kỳ hàng hóa nào liên quan đến quân sự tới Israel.

Các biện pháp hạn chế mới được tuyên bố sau các cuộc biểu tình trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi trừng phạt Israel vì cuộc tấn công ở Gaza. Cảnh sát ở thành phố Istanbul đã bắt giữ hàng chục người biểu tình yêu cầu chấm dứt thương mại với Israel. 

Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) - đảng đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ - cũng kêu gọi ngừng hoàn toàn giao thương với Israel, trong khi các đảng khác kêu gọi chính phủ phong tỏa không phận và các cảng đối với máy bay và tàu thuyền tới Israel.

Nhà kinh tế học và cựu chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ Oguz Oyan cho biết: "Ankara buộc phải đưa ra quyết định như vậy". Ông nói thêm rằng trong chiến dịch bầu cử địa phương vào tháng trước, chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan "gặp rắc rối do quan hệ thương mại mở rộng với Israel".

Ngoại trưởng Israel phản bác lại các biện pháp hạn chế, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã "đơn phương vi phạm" các hiệp định thương mại song phương và thề sẽ trả đũa.

Mỹ, Pháp và Anh trừng phạt người định cư Israel

Trong số các cường quốc phương Tây, chỉ có Pháp đưa ra ý tưởng về các biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực buộc Israel phải rút quân khỏi Gaza và cho phép nhiều viện trợ nhân đạo hơn đến tay những người Palestine phải di dời.

"Chúng tôi có nhiều cách để tận dụng ảnh hưởng của mình, rõ ràng là chúng tôi có thể áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hơn", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Stéphane Séjourné nói hôm 9/4, đề cập đến các biện pháp trừng phạt có chủ đích do Mỹ, Canada, Pháp và Vương quốc Anh áp đặt đối với những người định cư ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng.

nhung nuoc nao dang ap lenh trung phat israel vi cuoc chien o gaza hinh 2
Ông Stéphane Séjourné quyết tâm thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nếu cần thiết để mở rộng viện trợ nhân đạo vào Gaza. Ảnh: AFP

Hồi tháng 2, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden chỉ ra hai tiền đồn của Israel và một số người Israel định cư, cáo buộc họ phá hoại sự ổn định ở Bờ Tây. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các tiền đồn này từng là căn cứ cho bạo lực chống lại người Palestine.

Nhà Trắng cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều người Israel với cáo buộc liên quan đến bạo lực định cư ở Bờ Tây. Các biện pháp trừng phạt thường đóng băng bất kỳ tài sản nào của Mỹ đối với những đối tượng bị trừng phạt, và thường cấm người Mỹ giao dịch với họ.

Canada, Pháp và Vương quốc Anh cũng áp đặt các biện pháp hạn chế tương tự đối với một số người định cư Israel.

Tờ Financial Times đưa tin tuần trước rằng chính quyền ông Biden cũng đang có kế hoạch yêu cầu hàng hóa sản xuất tại các khu định cư ở Bờ Tây phải được đánh dấu rõ ràng.

Năm 2019, tòa án hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết rằng hàng hóa từ các khu định cư ở Bờ Tây phải được dán nhãn là đến từ lãnh thổ bị chiếm đóng chứ không phải từ Israel.


Chile cấm Israel tham gia triễn lãm hàng không

Tháng trước, chính quyền Chile thông báo cho Israel rằng các công ty của Israel sẽ bị cấm tham gia Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế (FIDAE) 2024. Được tổ chức bởi Lực lượng Không quân Chile, FIDAE được coi là triển lãm hàng không vũ trụ và quốc phòng chính ở Mỹ Latinh, quy tụ các nhà triển lãm từ hơn 40 quốc gia.

Cùng với lệnh cấm, Chile đã hủy bỏ mọi hoạt động hợp tác hoặc đào tạo với Israel trên lãnh thổ Chile. Chính phủ cho biết sẽ không mua bất kỳ loại vũ khí, hệ thống quốc phòng hoặc an ninh nào từ Israel nữa.

Hồi tháng 1, Chile yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra các hành động của Israel ở Gaza và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Quan hệ Israel với các quốc gia Ả Rập khó bình thường hóa

Xung đột Israel - Hamas đã ngăn chặn tiến trình của Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC), một hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy sự hội nhập giữa châu Á, Vịnh Ba Tư và châu Âu.

Đây là dự án xây dựng các tuyến đường sắt và hàng hải quốc tế mới nối Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu, được cho là sẽ đối trọng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Nhưng khi xung đột ở Gaza diễn ra, IMEC được hiểu là đang tạm dừng.

IMEC được hy vọng có thể giúp đẩy nhanh quá trình nối lại quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út, điều sẽ giúp mở ra cơ hội cho Israel được các quốc gia Hồi giáo khác công nhận.

Các quốc gia Ả Rập thường xuyên lên án hành vi của Israel đối với nhóm chiến binh Hamas ở Gaza. Ả Rập Xê Út cảnh báo rằng họ sẽ chỉ bình thường hóa quan hệ với Israel nếu có giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine.

Israel đã thiết lập quan hệ với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Morocco, Sudan và Bahrain vào năm 2020 như một phần của Hiệp định Abraham.

Phong trào kêu gọi trừng phạt Israel của người Palestine

Chiến dịch Tẩy chay, Thoái vốn và Trừng phạt (BDS) là một phong trào bất bạo động do Palestine lãnh đạo, thúc đẩy quốc tế tẩy chay, thoái vốn và trừng phạt kinh tế đối với Israel.

Người đồng sáng lập Omar Barghouti cho biết BDS lấy cảm hứng từ phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. BDS hiện có chi nhánh tại 40 quốc gia và cũng chủ trương tẩy chay các sự kiện thể thao, văn hóa và học thuật của Israel, đồng thời kêu gọi gây áp lực lên các công ty nước ngoài hợp tác với Israel.

Phong trào này thường xuyên bị Israel và Mỹ cáo buộc là chống chủ nghĩa bài Do Thái.

Trong khi đó, xuất hiện một số ứng dụng giúp người tiêu dùng tẩy chay các doanh nghiệp được cho là đang hỗ trợ Israel và cuộc chiến của nước này ở Gaza.

Các ứng dụng, bao gồm ứng dụng có tên Boycat, cho phép người dùng quét mã vạch của bất kỳ sản phẩm nào và xem mối liên hệ của nó với quốc gia Trung Đông. Ứng dụng này cũng sẽ cung cấp các sản phẩm thay thế để mua.