Những động lực phía sau trang báo
Luôn ủng hộ, tiếp sức
Nhớ lại bối cảnh ra đời của tờ Pháp luật Thường thức (măng sét đầu tiên của Báo PLVN), nhà báo Vũ Duy Thiệu (nguyên Trưởng Ban Thư ký Báo Pháp luật) kể: Năm 1985, khi đó báo chí nước ta chủ yếu là sự hiện diện của các “anh cả đỏ” như Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Báo Lao động… Báo ngành khi đó rất ít, báo thông tin về pháp luật thì lại càng hiếm.
“Với người dân, ngôn từ “pháp luật” vẫn còn xa lạ. Vì vậy, làm một tờ báo mang tính thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tới đông đảo mọi tầng lớp nhân dân quả thực là một điều khó nhưng đó là ước vọng của những người làm công tác pháp luật”, nhà báo Vũ Duy Thiệu nhớ lại.
Nhắc lại bối cảnh như vậy để thấy, sự quyết tâm của những người “khai móng”, “đắp nền”, mà nếu như không có sự nhất trí của cố Bộ trưởng Tư pháp Phan Hiền, cố Thứ trưởng Phùng Văn Tửu - người duyệt những số báo đầu tiên thì khó thành.
38 năm, từ khi báo xuất bản định kỳ mỗi tháng hai lần, ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, giai đoạn cả đất nước bộn bề khó khăn khi chuẩn bị bước vào thời kỳ đổi mới, đến nay PLVN đã xây dựng được một cơ ngơi sánh ngang với nhiều cơ quan báo chí hàng đầu về nhân lực, vật lực, chất lượng sản phẩm truyền thông cũng như uy tín trong làng báo chí cách mạng.
Thời điểm những năm 1990, Báo bước vào cơ chế tự chủ về tài chính. Bộ Tư pháp đã đồng ý cho Báo đổi tên từ Pháp luật thường thức thành Báo Pháp luật (sau này là PLVN) và tăng cường đội ngũ phóng viên trước yêu cầu của tình hình mới.
Năm 1998, lứa phóng viên đầu tiên được tuyển dụng đem lại luồng sinh khí mới cho tờ báo cùng với đội ngũ làm báo có kinh nghiệm. Sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, cùng với sự phát triển của tờ báo trong giai đoạn này, các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp bắt đầu được phản ánh một cách “có sức sống” trên ấn phẩm nhật báo và số báo Pháp luật cuối tuần.
Một trong những quyết sách quan trọng nữa không thể không nhắc đến từ phía cơ quan chủ quản - Bộ Tư pháp và là cơ sở pháp lý quan trọng, động lực để Báo PLVN bứt phá. Năm 2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Báo PLVN giai đoạn 2008 - 2015. Tại Đề án này, Bộ Tư pháp đã giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho Báo PLVN, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ. Đây là thời kỳ phát triển hết sức sôi động. Báo điện tử Pháp luật Việt Nam và hàng loạt ấn phẩm phụ của Báo đã ra đời. Chỉ sau khoảng 3, 4 năm, tất cả các chỉ tiêu phát triển trong Đề án Bộ giao, Báo đã hoàn thành gần như trọn vẹn.
Giai đoạn này cũng là lần đầu tiên (và khi đó còn rất mới) slogan chính thức “Vì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã xuất hiện trên măng séc PLVN. Mục tiêu này cũng là một trong những phương châm mà PLVN theo đuổi và kiên trì thực hiện có hiệu quả cho đến tận hôm nay, khi Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới được ban hành và đi vào đời sống.
Cùng với Đề án được Bộ trưởng phê duyệt, rất nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý như biên chế, hợp đồng lao động, hợp đồng viên chức theo quy định mới đối với cơ quan sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính đã được tháo gỡ.
Đến năm 2018, bằng Quyết định 1158/QĐ-BTP ngày 23/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo, Báo PLVN chính thức được khẳng định là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng thông tin về các hoạt động của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp và các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trong nước và quốc tế; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật... xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh đó, với việc quy định rõ về cơ cấu tổ chức của Báo, PLVN đã có sự phát triển mới. Báo có phóng viên thường trú tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tòa soạn đã có đến 16 đơn vị cấp phòng và 15 cơ quan, văn phòng đại diện ở các tỉnh, thành phố, địa bàn trọng điểm về kinh tế, xã hội. Phương châm của tờ báo “Đảng tin, dân yêu, doanh nghiệp đồng hành” đã được Báo duy trì, thực hiện hiệu quả trong nhiều năm.
Vững tin vào hành trình phía trước
Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016), tới thăm Báo PLVN, Bộ trưởng Lê Thành Long đã khẳng định: “Báo đã đồng hành cùng Bộ, ngành Tư pháp trong việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị của ngành. Trong thành công của Bộ, ngành Tư pháp có sự đóng góp của Báo PLVN”. Đặc biệt, người đứng đầu ngành Tư pháp không chỉ ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của Báo mà còn chia sẻ những khó khăn trong giai đoạn phát triển công nghệ điện tử và kinh tế báo chí khó khăn như hiện nay, Bộ trưởng khẳng định: Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Tư pháp luôn quan tâm, tạo điều kiện để Báo PLVN phát triển, đóng góp và khẳng định vị thế của mình trong làng Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí mới đây (ngày 14/6/2023), Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh: Các cơ quan báo chí của Bộ Tư pháp đã bám sát đúng tôn chỉ, mục đích; kịp thời thông tin, tuyên truyền về các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, tích cực truyền thông chính sách, pháp luật, góp phần đắc lực vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng và hình thành ý thức, thói quen “thượng tôn pháp luật” trong xã hội.
Ngày 21/6/2023, đến chúc mừng Báo PLVN nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh không chỉ đánh giá cao những kết quả công tác của Báo PLVN, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành mà còn đặc biệt lưu ý “Báo cần trở thành cơ quan truyền thông chủ lực về chính sách, pháp luật”, tiếp tục chủ động đưa tin về hoạt động của Bộ, ngành; kiểm soát hiệu quả xử lý sự cố truyền thông; tiếp tục phát huy vị trí, vai trò, thế mạnh trong việc truyền thông chính sách, pháp luật, nhất là các vấn đề được dư luận xã hội, doanh nghiệp quan tâm… Bên cạnh đó, phải xây dựng đội ngũ phóng viên chuyên viết về thể chế, tình hình thi hành pháp luật.
Những định hướng, gợi mở của lãnh đạo Bộ, ngành Tư pháp đã là những chỉ dẫn rất quan trọng cho những người làm báo Báo PLVN.
Trong hành trình 38 năm, PLVN cũng đã không ít lần phải đối mặt với những khó khăn. Minh chứng rõ nhất là việc thực hiện Kết luận thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2022. Điều đáng nói, cả trước, trong và sau khi thực hiện Kết luận thanh tra, không biết đã có bao nhiêu cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ với lãnh đạo Báo, cũng như với các cán bộ chủ chốt của các phòng, ban. Và điều đặc biệt, trong những cuộc làm việc ấy, không chỉ có sự nghiêm khắc phê bình mà còn có sự chia sẻ, động viên, phân tích, chỉ ra những điểm cần rút kinh nghiệm, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của những người làm báo Báo PLVN. Chính điều đó là sức mạnh, động lực để PLVN vững vàng vượt qua “giông tố” và nhanh chóng quay trở lại bắt nhịp, tự tin bước tiếp trong hành trình là cơ quan ngôn luận của Bộ, ngành Tư pháp.