Những thông điệp ý nghĩa trong khay mứt ngày Tết
Lạc được xem là thức hạt biểu trưng cho nhiều điều tốt đẹp (Ảnh: High Lights).
Mỗi gia đình sẽ lựa chọn những loại bánh, mứt, kẹo khác nhau. Đó chính là những món "ăn vặt" ngày Tết, vừa để tiếp đãi khách khứa tới chúc Tết, vừa để phục vụ chính các thành viên trong gia đình.
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mỗi khi Tết đến, có những món mứt xuất hiện đi, xuất hiện lại trong khay mứt hay không? Thực tế, những món mứt Tết truyền thống đều có ý nghĩa biểu tượng, biểu trưng cho những điều tốt lành mà người ta kỳ vọng trong năm mới.
Khay mứt trước hết là lời cầu chúc cho một năm mới hạnh phúc, ngọt ngào mà gia chủ dành cho vị khách tới chúc Tết nhà mình, đây cũng là lời nguyện cầu may mắn của chính gia chủ trong năm mới.
Trong khay mứt không thể thiếu kẹo, kẹo ngọt thể hiện mong đợi năm mới sẽ chứa đựng nhiều điều ngọt ngào. Những hạt hướng dương tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, dư dả, đề huề…
Món mứt quất cũng được lựa chọn đưa vào khay mứt của nhiều gia đình, điều này xuất phát từ việc cây quất vốn được nhiều gia đình lựa chọn để chơi Tết. Cây quất có quả màu vàng cam được tin là loại cây biểu trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, cũng vì lý do này mà mứt quất được ưa chuộng.
Lạc được xem là thức hạt biểu trưng cho nhiều điều tốt đẹp, như sức sống, tuổi thọ, sự lạc quan, vui vẻ, sự thịnh vượng, phát đạt. Những hạt lạc có thể nằm trong món mứt lạc trứng chim hay kẹo lạc...
Nhìn sang quốc gia láng giềng, khay mứt Tết của người Trung Quốc còn hay có quả nhãn sấy khô, món này có tên gọi là "quế viên", trong tiếng Trung, từ này đồng âm với từ "quý viên" - ý nói cuộc đoàn viên quý giá, trong khi đó, đoàn viên lại là một nét đẹp phản ánh đúng tinh thần của dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, trong y học cổ truyền Trung Quốc, nhãn sấy khô là một vị thuốc bổ.
Người Trung Quốc còn rất chuộng mứt táo đỏ, màu đỏ là màu may mắn. Tên gọi của món táo này trong tiếng Trung còn đồng âm với từ "tảo" có nghĩa là "sớm" hay "buổi sáng", điều này gợi người ta nghĩ tới sự khởi đầu sớm sủa, mới mẻ của một năm mới vừa mở ra.
Với ý nghĩa này, người Trung Quốc chuộng ăn mứt táo đỏ sấy khô không chỉ vào dịp năm mới mà còn vào các dịp trọng đại như hôn lễ, lễ khánh thành nhà mới, hay lễ mừng đầy tháng cho trẻ nhỏ.