Những đứa trẻ xuyên đêm “phun” lửa mưu sinh trên phố
Nghỉ học sớm vì mưu sinh
Cuối tháng 8, đầu tháng 9 là dịp các em nhỏ khắp nơi trên cả nước cùng gia đình đi mua sắm quần áo, cặp sách mới để bước vào năm học mới với bao hoài bảo và những dự tính cho tương lai. Nhưng dọc theo các tuyến phố đông khách du lịch ở TP Hồ Chí Minh và các thành thị lân cận vẫn xuất hiện hình ảnh những đứa trẻ xuyên đêm phun lửa để xin tiền mưu sinh. Chứng kiến những đứa trẻ từ 8 đến 15 tuổi khắc khổ ngậm dầu, phun lửa, diễn xiếc khiến ai cũng xót xa.
Em Trần Huy Cường (11 tuổi, quê ở Cà Mau) với dáng người gầy gò, sau mỗi lần phun lửa mua vui cho người xem sẽ đến từng bàn nhậu, cúi gập đầu xin tiền. Khi được hỏi Cường kể: “Cháu từ nhỏ đã không được đi học, bố mẹ bỏ nhau đi làm ăn xa, cháu ở với ông bà ngoại nên phải theo đám bạn nhỏ cùng quê lên TP Hồ Chí Minh học phun lửa mưu sinh. Chúng cháu học cách phun lửa từ những đứa trẻ cùng lứa mưu sinh ở Bùi Viện. Cháu nhỏ không biết làm gì khác, thấy phun lửa dễ nhất nên cháu đi theo các bạn học. Nhiều lúc phun lửa bị bỏng cả miệng và phải nghỉ mấy ngày cháu mới tiếp tục đi làm lại được – Cường kể với ánh mắt được buồn và có chút rụt rè. Cường cho biết thêm ở quê rất nhiều các em nhỏ cùng trang lứa bỏ học lên TP Hồ Chí Minh phun lửa kiếm tiền phụ giúp gia đình”.
Còn em Trần Văn Tâm ở Long An chia sẻ: “ Ba mẹ con cũng đang đi lượm ve chai ở các khu vực chợ ở trung tâm thành phố, con đi làm chỉ xin ba mẹ tiền mua bộ đồ nghề gồm có: ba lô, lon sắt, que sắt, chai đựng dầu loại 2 lít và một chiếc khăn. Sau mỗi đêm phun lửa như vậy con cũng kiếm được 300-400 ngàn đồng, ngày lễ tết có thể được 500 ngàn đồng. Số tiền này con sẽ phụ giúp ba mẹ trả tiền nhà và nuôi em nhỏ”.
Anh Nguyễn V. Hà đến từ Hà nội cho biết:“ Nhìn các cháu nhỏ bằng tuổi con mình mà giờ gần 1h sáng nhưng vẫn lang thang ngậm dầu phun lửa như vậy làm cho tôi cảm thấy xót, thấy thương cho các cháu quá. Mong sao chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện cùng chung tay giúp đỡ các cháu nhỏ này có nơi ăn chốn ở và được đi làm những công việc nhẹ phù hợp với tuổi của cháu hơn, chứ thấy các cháu ngậm dầu vậy sợ ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu lắm. Hôm nay dù có cho cháu tiền đi chăng nữa nhưng tôi mong sao hình ảnh này sẽ không muốn gặp lại nhiều ở đây nữa”.
Rất nguy hiểm cho sức khỏe
Trao đổi với phóng viên, Bác sĩ N.V.T (Bệnh viện Quân Y 175) cho biết:“ Khi ngậm dầu vào miệng để phun ra chùm lửa như vậy, các cháu rất dễ có nguy cơ uống một lượng dầu nhất định vào cơ thể. Dầu là một chất lỏng độc hại, chỉ cần đi vào cơ thể một lượng nhỏ, chúng cũng có thể gây đau bụng, tức ngực, buồn nôn, ức chế thần kinh trung ương. Nếu các cháu vô tình uống phải một lượng lớn, dầu đi vào cơ thể có thể gây tổn thương các cơ quan vĩnh viễn và gây ra các bệnh lý nguy hiểm và thậm chí gây tử vong. Chưa cần nói đến việc uống nhầm dầu hay không, việc hít dầu kéo dài cũng kéo theo rất nhiều hệ luỵ cho sức khỏe của các cháu nhỏ.
Khi hít dầu trong thời gian dài, các cháu có thể bị khó thở, đau rát cổ họng, nôn mửa, đi ngoài ra máu, mất thị lực, chóng mặt, đau đầu dữ dội, mệt mỏi, co giật, suy nhược cơ thể, mất ý thức. Càng tiếp xúc với dầu kéo dài càng gây hại cơ thể mạnh, nhất là phổi. Việc ngậm dầu phun lửa lâu dài dễ dàng xâm nhập vào phổi, lan đến các phế quản nhỏ và phế nang, dẫn đến viêm phổi cho các cháu", Bác sĩ N.V.T khẳng định.
Cũng theo chia sẻ của Bác sĩ N.V.T thì hiện nay tình trạng trẻ em mắc bệnh về đường hô hấp và viêm phổi rất nhiều, đặc biệt là trẻ em lang thang cơ nhỡ phải tiếp xúc với môi trường độc hại. Về trường hợp các em nhỏ ngậm dầu phun lửa như vậy cần các cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho trẻ tránh việc các em bị lợi dụng để kiếm tiền cho một số đối tượng khác.
Trong những đêm muộn theo chân các đứa trẻ lang thang khắp thành phố chỉ để ghi nhận những hình ảnh các em phải bất chấp nguy hiểm để ngậm dầu phun lửa mưu sinh. Hành động đó cứ lặp đi lặp lại xuyên đêm, xong màn trình diễn là lại bê lon đi đến từng bàn ăn xin tiền. Những ai chứng kiến đều lắc đầu suy nghĩ đặt ra hoài nghi số tiền kiếm được về đâu? Phận đời những đứa trẻ sẽ đi đâu về đâu khi năm học mới bắt đầu? Và bao nhiêu người nhìn thấy phía đối diện bên kia đường là vài người lớn trên chiếc xe đang âm thầm dõi theo? Mấy ai biết đó là những người lớn chăn dắt trẻ em để trục lợi bất chính. Quá nhiều câu hỏi mênh mông suốt đêm theo chân các em nhỏ trên các đoạn đường ấy.