1. Trang chủ /
  2. Nội chính - Tư pháp /
  3. ĐẤU GIÁ TRỰC TUYẾN: Góp phần hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá

ĐẤU GIÁ TRỰC TUYẾN: Góp phần hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá

thứ sáu, 12/8/2022 14:03 GMT+07
(PLM) - Ngày 11/8, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Trưởng Ban soạn thảo, Bộ Tư pháp đã họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp

Sửa đổi, bổ sung để đồng bộ hình thức đấu giá trực tuyến

Theo Tờ trình Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, Luật Đấu giá tài sản và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP lần đầu tiên quy định một hình thức đấu giá mới, hiện đại, thông dụng trên thế giới, đó là hình thức đấu giá trực tuyến. Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hình thức đấu giá trực tuyến đã được sử dụng rộng rãi tại một số địa phương, nhờ đó vừa đảm bảo việc xử lý tài sản của các cơ quan, tổ chức theo đúng kế hoạch, vừa góp phần hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, “xã hội đen”, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Tuy nhiên, việc thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến theo quy định của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, không đảm bảo tính thống nhất trong thực tiễn tổ chức thực hiện. Cụ thể, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ hình thức đấu giá trực tuyến hoàn toàn trên môi trường Internet (Nghị định số 62/2017/NĐ-CP hiện nay chỉ quy định cuộc đấu giá được tổ chức trực tuyến còn quy trình niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá, việc bán hồ sơ, nộp hồ sơ, tiền đặt trước trực tiếp… vẫn được thực hiện trực tiếp như các hình thức đấu giá khác) nên các tổ chức đấu giá tài sản lúng túng trong việc áp dụng; mỗi tổ chức đấu giá tài sản thực hiện một cách khác nhau, làm giảm tính hiệu quả của hình thức đấu giá trực tuyến trên thực tế.

Do quy định về hình thức đấu giá trực tuyến chưa đầy đủ nên một số tổ chức đấu giá tài sản đã hướng dẫn người tham gia đấu giá mua hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá thông qua email hoặc tài khoản web đã được đăng ký; một số thì yêu cầu nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện; việc nộp tiền đặt trước cũng thực hiện không thống nhất, một số tổ chức đấu giá yêu cầu người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước thông qua chuyển khoản ngân hàng, một số lại yêu cầu nộp thông qua tài khoản truy cập của trang đấu giá trực tuyến đã cấp… Điều này phản ánh không đúng bản chất của hình thức đấu giá trực tuyến (toàn bộ quy trình đều được thực hiện trên môi trường Internet).

Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định các tổ chức đấu giá tài sản tự xây dựng và vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt mà chưa có quy định về Trang điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất đã gây khó khăn cho các tổ chức đấu giá, người có tài sản trong quá trình lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến, tổ chức thực hiện cũng như việc áp dụng rộng rãi hình thức đấu giá này trên phạm vi toàn quốc, nhất là việc đấu giá tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn. Trước yêu cầu của tình hình thực tiễn, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2017/NĐ-CP là rất cần thiết.

Góp phần tiết kiệm chi phí, tăng tính hiệu quả

Theo đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 9 Nghị định số 62/2017/NĐ-CP về tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến. Cụ thể, bổ sung chủ thể Bộ Tư pháp là cơ quan xây dựng, vận hành và quản lý Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất trong phạm vi cả nước (được tích hợp vào Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá trực tuyến hiện nay) bên cạnh quy định các tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng được xây dựng và vận hành Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến. Quy định này nhằm thúc đẩy việc sử dụng hình thức đấu giá trực tuyến trong phạm vi cả nước, góp phần đảm bảo tiết kiệm chi phí, tăng tính hiệu quả.

Ngoài ra, Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 62/2017/NĐ-CP về trình tự thực hiện đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến. Theo đó, toàn bộ quy trình tổ chức đấu giá từ niêm yết, thông báo công khai, việc tổ chức bán, nộp hồ sơ, nộp tiền đặt trước đến việc tổ chức cuộc đấu giá, lập biên bản đấu giá đều được thực hiện trên môi trường Internet thay vì một số công đoạn đang được thực hiện trực tiếp và một số công đoạn đang được thực hiện trực tuyến như quy định hiện hành.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các thành viên Ban soạn thảo cho ý kiến về mục đích, nội dung của Dự thảo; đặc biệt là các nội dung liên quan đến mô hình đấu giá trực tuyến… Thứ trưởng đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp sau cuộc họp tiếp tục hoàn thiện theo ý kiến của Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Ngoài ra, mặc dù được áp dụng theo trình tự thủ tục rút gọn nhưng Thứ trưởng đề nghị cần tổ chức lấy ý kiến một số bộ, ngành có liên quan đến vấn đề này và một số tổ chức đấu giá tài sản.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến cho Ban soạn thảo, Tổ biên tập: Góp ý về quy định tại Điều 49, Điều 50 Luật Đấu giá. Điều 50 Luật Đấu giá quy định về rút lại giá đã trả, giá đã chấp nhận đối với hình thức đấu giá trực tuyến nhưng không có quy định đối với hình thức đấu giá trực tuyến; Quy định cụ thể về việc thu hồi thẻ đấu giá viên; Quy trình tổ chức đấu giá; Vấn đề cơ quan quản lý, thẩm định chất lượng phần mềm bán đấu giá trực tuyến hoặc quy định khung về vấn đề này.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 224 ra ngày 12/8/2022)