1. Trang chủ /
  2. Nội chính - Tư pháp /
  3. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chung sức xây dựng đất nước

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chung sức xây dựng đất nước

thứ năm, 22/2/2024 09:07 GMT+07
Bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người, từ đó đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước phát triển lên tầm cao mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: mod.gov.vn).

Bài viết đặc biệt nhấn mạnh về vai trò, vị trí của Nhân dân

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết với tiêu đề “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.

Ông Hà Ngọc Anh, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhìn nhận, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như là một Văn kiện của Đảng ở mức khái quát nhất có thể. Bài viết đã khái quát quá trình Đảng ta ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. “Bài viết đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua việc tổng hợp những thành tựu to lớn mà Đảng ta, Nhân dân ta, dân tộc Việt Nam ta đã giành được từ khi Đảng ta được thành lập đến nay. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, anh hùng và sáng tạo của dân tộc, tiếp tục đưa đất nước ta phát triển lên tầm cao mới, có vị trí xứng tầm trong khu vực và trên trường quốc tế”, ông Hà Ngọc Anh nói.

Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh ấn tượng với việc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh về vai trò và vị trí của Nhân dân, về mối quan hệ giữa Đảng với dân, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò sức mạnh của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng Bí thư nêu rõ, “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”…

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập sâu sắc đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhất là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đồng thời đề ra những nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo - cầm quyền của Đảng; đẩy mạnh đồng bộ và toàn diện công cuộc đổi mới; thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là đến năm 2025 và năm 2030 xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục làm tốt công tác đại đoàn kết toàn dân tộc

Ông Hà Ngọc Anh - nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương. (Ảnh: N.L)

Vui mừng trước những kết quả mà đất nước ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian qua, ông Hà Ngọc Anh mong muốn Đảng ta tiếp tục làm tốt công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững chắc khối đoàn kết từ trong Đảng tới xã hội và toàn dân. Thực hiện tốt di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” để lãnh đạo toàn dân đồng lòng, đồng sức, triệu người như một, tạo thành một khối đoàn kết, thống nhất, không để có “khe hở” cho các thế lực thù địch lợi dụng chen vào, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tán thành tầm quan trọng của công tác cán bộ, ông Hà Ngọc Anh cho rằng, cần tiếp tục đổi mới công tác tổ chức và cán bộ, bảo đảm lựa chọn được người vừa có tài, vừa có đức đứng vào hàng ngũ của Đảng, đảm nhận các công việc mà Đảng giao, thực sự là công bộc của dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc và Nhân dân.

Ông Hà Ngọc Anh cũng bày tỏ mong muốn cán bộ, đảng viên phải phát huy trách nhiệm nêu gương, nhất là sự gương mẫu, nêu gương tốt của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. “Cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở cần phải làm gương để quần chúng noi theo, bao gồm từ công việc đến cuộc sống đời thường, nhất là sự gương mẫu ở cơ quan, khu dân cư… Từ lời nói đến việc làm đều phải thật sự mẫu mực”, ông Hà Ngọc Anh nói.

Để làm tốt công tác dân vận và đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ mới, ông Hà Ngọc Anh cho rằng cần chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, cần thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để nhân dân và các cấp, các ngành dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Quan tâm giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là việc phát huy quyền làm chủ của người dân; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trong công tác vận động, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp Nhân dân.

Song song với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; quan tâm tới các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo và công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.


Có thể bạn quan tâm