1. Trang chủ /
  2. Nội chính - Tư pháp /
  3. HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TƯ PHÁP VIỆT NAM (28/8/1945 - 28/8/2022) TƯ PHÁP ĐỊA PHƯƠNG: Tích cực triển khai Đề án 06

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TƯ PHÁP VIỆT NAM (28/8/1945 - 28/8/2022) TƯ PHÁP ĐỊA PHƯƠNG: Tích cực triển khai Đề án 06

thứ hai, 22/8/2022 08:40 GMT+07
(PLM) - Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), UBND các tỉnh, thành phố, Tổ công tác triển khai Đề án 06, Sở Tư pháp các địa phương đã chủ động, kịp thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung công việc phục vụ triển khai Đề án theo tiến độ, lộ trình đề ra.

Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính

Đến nay, Sở Tư pháp các địa phương đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan ban hành kế hoạch thành lập Tổ công tác, ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác, hoàn thành việc thành lập các Tổ công tác tại thôn, bản, khu phố; tăng cường triển khai thực hiện dịch vụ công thiết yếu cho Nhà nước trong công tác lưu trữ, bảo quản hồ sơ đảm bảo tính chính xác, nhanh chóng các hoạt động nghiệp vụ.

Về việc tổ chức thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, theo rà soát trên Cổng dịch vụ công quốc gia, 63/63 địa phương đã triển khai đăng ký khai sinh; 54/63 địa phương đã triển khai đăng ký khai tử; 46/63 địa phương đã triển khai đăng ký kết hôn; trong đó 52/63 địa phương triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử.

Tại TP Hồ Chí Minh, việc triển khai Đề án 06 gặp nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận toàn bộ hạ tầng trung tâm dữ liệu, phần mềm, quản lý hệ thống máy chủ của thành phố để đáp ứng việc xây dựng dữ liệu chuyên ngành của các sở, ngành, phục vụ công cuộc chuyển đổi số và thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Đặc biệt, thành phố sẽ hoàn thiện, phát triển Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử thành phố trở thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của thành phố, qua đó sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với thủ tục hành chính đủ điều kiện.

Tại Đồng Nai, trước thời điểm Đề án 06 được ban hành, Sở Tư pháp tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về việc thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Đến nay, Sở đã hoàn thành khối lượng dữ liệu ở giai đoạn 1 và chuyển đổi vào cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc, đủ điều kiện nghiệm thu theo đúng các bước trong quy trình số hóa sổ hộ tịch với trên 600 ngàn trường hợp. Giai đoạn 2 cũng đã hoàn thành việc nhập dữ liệu và đang trong quá trình kiểm tra, phê duyệt lần cuối trước khi nghiệm thu. Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06 tại 11 huyện và thành phố.

Hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cần phải nhìn nhận rằng việc triển khai thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch trong Đề án 06 hiện vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc, chủ yếu tập trung vào 2 yếu tố con người và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Hiện, nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin của một số địa phương còn hạn chế, chưa đồng đều dẫn đến thao tác xử lý chậm; công tác phối hợp của các cơ quan trong việc xác minh hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) còn chưa nhịp nhàng, gây ảnh hưởng đến thời gian giải quyết TTHC, nhất là thủ tục đăng ký khai sinh, lý lịch tư pháp. Ở một số địa phương, đường truyền mạng không ổn định cũng gây không ít khó khăn cho đội ngũ công chức tư pháp trong việc kiểm tra, phê duyệt. Thao tác thực hiện trên phần mềm rất khó khăn, mặc dù đã tuyên truyền, hướng dẫn đến tận người dân nhưng việc đăng nhập, tải dữ liệu, nộp hồ sơ còn phức tạp và mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, ngành Tư pháp xác định, việc chuyển đổi số là nhiệm vụ mang tính chiến lược của quốc gia và có ý nghĩa hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Do đó, Sở Tư pháp các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ chiến lược của ngành để nỗ lực thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Theo đó, ngành Tư pháp sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhân dân biết và nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Đề án 06.

Triển khai các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp trên môi trường điện tử; đồng thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngày càng hiệu quả. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đang xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình hướng dẫn địa phương rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đảm bảo đúng quy định của pháp luật, làm cơ sở cho Tổ công tác triển khai Đề án tại địa phương chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã rà soát và thống nhất cách thức xử lý dữ liệu.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 234 ra ngày 22/8/2022)