THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH: Đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết
Dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cung bậc cảm xúc, tâm tư, tâm trạng rất khác nhau. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ và tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trách nhiệm và có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành Y.
Hơn 2 năm qua, chính những hy sinh, vất vả, nhọc nhằn của ngành Y tế đã góp phần quan trọng để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phục hồi và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, ngành Y tế vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, bất cập. Cụ thể, năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế; thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội…
Nêu rõ quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng yêu cầu, ngành Y tế tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, làm việc nào dứt việc đó. Mọi cán bộ, nhân viên y tế đều phải khắc ghi và hành động theo lời dạy của Bác Hồ và 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ. Không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường y đức, làm giàu y lý, nâng cao y thuật.
Cùng với đó, Bộ Y tế, trực tiếp là Quyền Bộ trưởng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế và tổ chức đảng toàn ngành Y tế thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên.
Thủ tướng đề nghị khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Trước mắt, tập trung sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XII vào cuối năm 2022. Nghiên cứu nhanh, từng bước giao một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cho địa phương quản lý.
Xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện
Thủ tướng nêu rõ yêu cầu quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế. Tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời quan điểm “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt” như Trung ương, Bộ Chính trị đã chỉ đạo. Quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công tư, phát triển y tế tư. Sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân. Tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thủ tướng khẳng định, trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nòng cốt là ngành Y tế nhưng đây cũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trước mắt là xử lý các vấn đề cấp bách như mua sắm, đấu thầu, đầu tư, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế…; đồng thời phối hợp tham gia xây dựng thể chế, chính sách y tế…
Tập trung hoàn thiện pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh khẳng định, Bộ Tư pháp đã, đang và sẽ phối hợp chặt với các Bộ Y tế và các cơ quan trong việc tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mới đây, Chính phủ đã trình Dự thảo Luật Khám chữa bệnh và trong thời gian tới sẽ phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị tiếp tục rà soát để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện pháp luật đã được giao trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân và Nghị quyết số 21-NQ/TWl; đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023 để tạo định hướng cơ bản nhất quán trong phòng chống dịch, làm cơ sở cho các bộ, ngành địa phương thực hiện đồng bộ.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 234 ra ngày 22/8/2022)