1. Trang chủ /
  2. Nội chính - Tư pháp /
  3. Trường tồn sức mạnh nội sinh

Trường tồn sức mạnh nội sinh

thứ bảy, 10/2/2024 09:40 GMT+07
Quý bạn đọc thân mến! Nguồn cội là giai phẩm Xuân Giáp Thìn của Báo Pháp luật Việt Nam mà bạn đang cầm trên tay. Đây là gửi gắm của những người làm báo Pháp luật Việt Nam về kỳ vọng đất nước vượt qua khó khăn và đi lên từ sức mạnh nội sinh trong dòng chảy của mạch nguồn dân tộc Việt. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam luôn bắt nguồn từ những giá trị bất biến của nguồn cội. Gốc vững, rễ bền thì mọi sự sinh sôi, phát triển; những giá trị của chân - thiện - mỹ cũng sẽ tỏa lan mạnh mẽ từ đó.
Tổng Biên tập - TS. Vũ Hoài Nam.
Tổng Biên tập - TS. Vũ Hoài Nam.

 Nguồn cội là nơi để cả tâm thức dân tộc hướng về, là giá trị cho một cá nhân và rộng ra là cho cả một quốc gia định vị lại mình trong dòng chảy của lịch sử và thời đại. Lịch sử văn minh nhân loại đã chứng minh quốc gia nào phát triển một cách rực rỡ là quốc gia luôn giữ vững các giá trị nguồn cội, gốc rễ của mình. Đó là lịch sử, là văn hóa, là các hệ tư tưởng chủ đạo tổng hợp thành các giá trị truyền thống vẽ lên bản sắc của một dân tộc, một quốc gia hùng cường.

Dặm dài lịch sử Việt Nam là truyền thống dựng nước và giữ nước, là tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi. Đất nước có được “cơ đồ” ngày hôm nay chính là kết tinh từ truyền thống đoàn kết, từ lòng yêu nước thiết tha mà cha ông chúng ta chắt chiu qua bao thế hệ.

Hình ảnh trang bìa Lạc Long Quân và Âu Cơ với bọc trăm trứng, 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển để tạo dựng cơ đồ, nhưng tất cả đều cùng chung một bọc. Và sự thiêng liêng nguồn cội ấy đi đâu, về đâu, ở nơi đâu, hễ con dân Việt thì đều được gọi bằng hai tiếng thiết tha: ĐỒNG BÀO!

Hai tiếng ĐỒNG BÀO trở nên thiêng liêng và luôn nhắc nhớ về nguồn cội. Bác Hồ trong các diễn văn hay nhiều văn kiện quan trọng, Người cũng dùng hai chữ ĐỒNG BÀO. Tại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được mở đầu bằng câu nói: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!...”.

Ngày 17/7/1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên, bắt đầu bằng câu: “…Đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và Nhân dân tiến bộ cả thế giới, chúng ta nhất định thắng!...”

Nhưng thiêng liêng và tự hào hơn cả là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử để tuyên bố với đồng bào cả nước và toàn thế giới về sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng:

“Hỡi đồng bào cả nước, Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”…

Bác Hồ không dùng từ Nhân dân, bởi hai từ ĐỒNG BÀO chính là nguồn cội, là giá trị dẫn dắt và kết tinh tinh thần đoàn kết, tinh thần vì dân, tinh thần lấy dân làm gốc như một giá trị trường tồn, bất biến để lấy đó làm cơ sở hóa giải mọi nguy nan cũng như làm nền tảng cho sự phát triển của dân tộc mãi mãi sau này.

Giá trị nguồn cội ấy tiếp tục được phát huy trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Chúng ta đang phấn đấu trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Một trong những giải pháp trọng tâm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021 là phải “khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam”. Và như vậy, nguồn lực tinh thần, sức mạnh nội sinh chính là động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Những ngày xuân Giáp Thìn, nghĩ về nguồn cội như một giá trị cốt lõi của tâm thức Việt. Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng gửi đến quý bạn đọc giai phẩm này như lời tâm tình để một lần nữa khẳng định và thêm tin tưởng về con đường sáng của dân tộc đang rộng mở phía trước. Khi mỗi người dân đều hướng về cội nguồn, hướng về ĐỒNG BÀO thì sẽ luôn thấy vận mệnh của chính mình trong vận mệnh quốc gia…

Tổng Biên tập - TS .Vũ Hoài Nam