1. Trang chủ /
  2. “Nóng” làn sóng thầy cô nghỉ việc

“Nóng” làn sóng thầy cô nghỉ việc

thứ hai, 21/8/2023 22:11 GMT+07
Trước làn sóng thầy cô nghỉ việc năm học qua đã lên tới con số 9.000 người, càng cận kề năm học mới, câu chuyện đội ngũ giáo viên đứng lớp càng “nóng”. Để ứng phó với tình trạng thiếu giáo viên, nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ” nhằm thu hút giáo viên, sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi về công tác.
Có thầy giỏi mới có trò giỏi. (Ảnh minh họa: PV).

Sau một năm học, 9.000 thầy cô nghỉ việc

Lương thấp, áp lực lớn là phần đa lý do khiến 9.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022. Cụ thể, trong số 19.300 giáo viên nghỉ thì có 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 thầy cô nghỉ hưu theo chế độ. Như vậy, tính bình quân cứ 130 giáo viên thì có một người bỏ việc. Số giáo viên nghỉ việc nhiều tập trung ở các khu đô thị, các khu công nghiệp lớn như: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Hải Phòng… Một số địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội quá khó khăn như Gia Lai, Sơn La cũng có hiện tượng giáo viên nghỉ việc đông hơn so với các địa phương khác.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, lý do lớn nhất khiến giáo viên bỏ nghề là chính sách tiền lương. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện các chế độ đãi ngộ như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, nhưng thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng còn rất thấp.

Hiện lương cơ bản của viên chức tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, thêm phụ cấp với giáo viên mầm non tăng thêm 10%, giáo viên tiểu học 5%. Thực tế, mỗi thầy cô chỉ được tăng thêm vài trăm nghìn đến 1 - 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ…) khá cao, lương chưa tăng thì mọi mặt hàng thiết yếu đã tăng vài ba lần. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống.

Mặt khác, ở các khu đô thị, các khu công nghiệp việc tìm kiếm việc làm mới khá dễ dàng do nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Do đó, lượng giáo viên trong độ tuổi 30 - 35 nghỉ việc nhiều. Ngoài những nỗ lực cải cách tiền lương, trợ cấp cho giáo viên, Cục trưởng Cục Nhà giáo cũng cho biết, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã quyết liệt rà soát bỏ các quy định về hồ sơ, sổ sách không cần thiết cho giáo viên, nhằm giảm bớt áp lực của các công việc ngoài chuyên môn. Đồng thời, Bộ cũng quyết liệt chỉ đạo để chấn chỉnh, hạn chế “bệnh thành tích” trong giáo dục và sẽ quyết liệt hơn trong vấn đề này để các cơ sở giáo dục, giáo viên không quá áp lực phải đạt được các thành tích mà điều kiện dạy học còn chưa phù hợp.

Để “giữ chân” giáo viên, Bộ GD&ĐT cần sự đồng hành, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương gia tăng chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc cho giáo viên. Đồng thời, có chính sách cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho cán bộ, giáo viên cống hiến và gắn bó với nghề. Chú trọng hỗ trợ và trao quyền cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thông qua các cơ hội phát triển liên tục trong nghề nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ sự đau xót trước làn sóng nghỉ việc của giáo viên thời gian qua xu hướng tiếp diễn. Năm qua, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhiều lần tổ chức giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri riêng với các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương. Các cử tri tâm sự, quyết định bỏ nghề xuất phát từ nhiều lý do, chứ không chỉ vì lương thấp.

Giáo viên phản ánh áp lực công việc ngày càng cao khiến họ cảm thấy không thiết tha với nghề. Thực tế, cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thì phần công việc của họ tăng lên rất lớn. Để phục vụ mỗi giờ lên lớp, giáo viên phải đọc rất nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau thay vì một bộ sách như trước kia. Điều này khiến khối lượng công việc của giáo viên tăng thêm nhiều.

Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới thay đổi, giáo viên muốn đáp ứng, theo kịp được thì phải đầu tư nhiều công sức, thời gian việc tìm hiểu, soạn giáo án, tìm phương pháp mới, rất mất thời gian. Như vậy, áp lực, khối lượng công việc của các giáo viên hiện tăng gấp 2 - 3 lần so với trước đây, song lương vẫn ở mức cũ, nghĩa là ngành Giáo dục mới chỉ đổi mới công việc mà chưa đổi mới thù lao. Vì vậy, giáo viên nói họ cảm thấy mệt mỏi và dẫn đến quyết định bỏ nghề.

Thêm nữa, hiện nhiều áp lực khác trong mối quan hệ với phía phụ huynh và học sinh. Nhiều thầy cô tâm sự họ thà đi làm công việc lương thấp hơn nhưng đơn giản và không phải chịu nhiều áp lực như nghề giáo viên hiện nay. Đây là hiện tượng rất đáng buồn và đau xót.

Bà Nga nhấn mạnh, để giáo viên bỏ nghề không chỉ riêng nỗi lo của Bộ GD&ĐT, mà cần coi đây là nỗi lo của toàn dân, rất cần Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương suy nghĩ nghiêm túc và sớm tìm giải pháp đồng bộ khắc phục về vấn đề này. Bà hy vọng sẽ giải quyết được sự ngột ngạt trong môi trường giáo dục hiện nay để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, giúp họ cảm thấy thoải mái và yêu nghề.

“Rải thảm đỏ” vẫn thiếu nguồn tuyển

Để ngăn giáo viên nghỉ việc và tuyển dụng thêm người dạy vào các vị trí đang còn thiếu, nhiều địa phương mạnh tay chi tiền, đưa ra các quyết sách, đãi ngộ hấp dẫn cho nhà giáo. Hưng Yên dự chi hơn 300 tỷ đồng hỗ trợ giáo viên tiểu học 108 triệu đồng và giáo viên mầm non 162 triệu đồng/người với những người tuyển dụng từ sau ngày 1/8 đến hết tháng 12/2030.

Phú Thọ cũng quyết định đặc cách tuyển dụng 861 giáo viên mầm non đang dạy hợp đồng trên địa bàn tỉnh vào biên chế chính thức trong năm học 2023 - 2024.

Đuợc biết, tại Điện Biên, trước thềm năm học mới, Sở cùng các huyện đang hoàn thiện quy trình tuyển dụng viên chức, bổ sung nhân lực giáo viên cho năm học tới. Tuy nhiên, tình hình tuyển dụng không mấy khả quan, đặc biệt là đối với các môn chuyên biệt. Nhiều vị trí tuyển dụng không có giáo viên đến đăng ký như: Giáo viên môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Một số vị trí rất ít người dự tuyển như: Giáo viên văn hóa bậc tiểu học, Tin học. Theo định mức, ngành GD&ĐT huyện Mường Nhé còn thiếu hơn 300 giáo viên, điều này khiến địa phương thêm nhiều khó khăn trong việc bố trí giáo viên cho năm học mới.

Tương tự, tại Thanh Hóa, ngành GD&ĐT địa phương này cũng đang thiếu 10.256 giáo viên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Còn theo định mức của UBND tỉnh, ngành thiếu gần 6.900 giáo viên. Một số môn học thiếu giáo viên trầm trọng như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh.

Tại Hà Nội, theo lãnh đạo Sở, từ năm 2015 đến nay, số lượng viên chức được giao cho khối giáo dục không tăng. Năm ngoái, số lượng biên chế của Hà Nội chỉ đáp ứng được 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập. Hiện tại, tất cả trường học các cấp thiếu khoảng 10.000 giáo viên. Do đó, người đứng đầu ngành Giáo dục Thủ đô kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục có ý kiến với Bộ Nội vụ trình Chính phủ giao thêm biên chế cho Hà Nội.

Theo Bộ GD&ĐT, hiện cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên (thiếu nhiều hơn 11.308 người so với năm học 2021 - 2022 trước đó). Thực tế cho thấy tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Dù cấp THPT phải tuyển mới hoàn toàn giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật nhưng hiện nay đa phần các địa phương đều rơi vào tình trạng không có nguồn tuyển nên không thể nào tuyển được. Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Đưa ra các giải pháp thiếu giáo viên, theo Bộ GD&ĐT, các địa phương hay các trường có thể nghiên cứu theo hướng sử dụng chung tài nguyên (nguồn giáo viên, học liệu) của từng cụm trường. Hoặc các trường trên địa bàn quận, huyện để khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên, đặc biệt là đối với môn Nghệ thuật vì việc chia sẻ giáo viên ở các môn đặc thù là giải pháp được khích lệ.

Như vậy, dù ngành GD&ĐT các địa phương đã có 4 - 5 năm chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng khi triển khai vẫn quá nhiều khó khăn, bối rối. Một phần do triển khai vào giữa những năm đại dịch, tuy nhiên cũng có những khó khăn xuất phát từ chủ quan. Khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Chính phủ phê duyệt, đồng thời có 2 đề án khác cũng được triển khai là: Củng cố đội ngũ giáo viên và Xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm để triển khai chương trình mới. Nhưng cho tới hiện nay, các đề án chưa đạt được mục tiêu.

Theo Bộ GD&ĐT, một trong những lý do dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên hiện nay là do Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên THCS nên nguồn tuyển dụng còn khó khăn. Sự phối hợp giữa ngành Giáo dục với các ngành liên quan và chính quyền một số địa phương trong rà soát, đề xuất tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ còn chưa hiệu quả. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp THCS và cấp THPT, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục từng khẳng định, việc giáo viên ồ ạt nghỉ việc là hiện tượng không bình thường và không phải chỉ là vấn đề của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, khi mà số lượng nghỉ quá lớn trong bối cảnh đang triển khai đổi mới chương trình phổ thông, cần rất nhiều giáo viên.
Theo bà Hoa, không chỉ do lương thấp, áp lực và việc một bộ phận không đủ điều kiện đáp ứng chương trình mới. Do vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị phân tích kỹ và cho rằng ngành Giáo dục phải tham mưu ngay cho Chính phủ có biện pháp để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.