1. Trang chủ /
  2. Nước sạch ở đâu?

Nước sạch ở đâu?

thứ năm, 26/10/2023 11:53 GMT+07
“Sống trên đất Thủ đô mà mỗi lần dùng nước phải dùng gáo bé tí, múc từng chút một, khổ hơn thời bao cấp” - chia sẻ đầy chua chát của bà Phạm Viết Xuân Phương về thảm cảnh mà những người dân tại khu đô thị Thanh Hà.

“Sống trên đất Thủ đô mà mỗi lần dùng nước phải dùng gáo bé tí, múc từng chút một, khổ hơn thời bao cấp” - chia sẻ đầy chua chát của bà Phạm Viết Xuân Phương về thảm cảnh mà những người dân tại khu đô thị Thanh Hà như bà phải gánh chịu, suốt cả thời gian dài vừa qua có lẽ cũng là điều rất đáng để những người có trách nhiệm phải suy ngẫm, phải quyết liệt hơn nữa trong việc tìm lời giải cho câu hỏi: Nước sạch ở đâu?.

“Khủng hoảng nước” - đó là cụm từ hoàn toàn chính xác để nói về thực trạng đang diễn ra tại khu đô thị Thanh Hà (Thanh Oai, Hà Nội) suốt nhiều ngày qua. “Không có nước sạch nên bát đũa, vật dụng nấu ăn, quần áo thay ra chất đống mà không thể rửa. Nước bây giờ khan hiếm, nhiều hộ thậm chí đi vệ sinh cũng không có nước để dội. Tình trạng này đã diễn ra 3 ngày nay khi bể chứa của 3 tòa chung cư HH03A - HH03B - HH03C không còn nước sạch cho người dân sử dụng”, đó là chia sẻ đầy bức xúc một người dân nơi đây trong ngày thứ 3 khu đô thị của họ trong cảnh mất nước.

nuoc sach o dau hinh 1
Cư dân ở chung cư trong Khu đô thị Thanh Hà phải dùng xô chậu đi lấy nước sạch. Ảnh: Anh Huy

Còn hơn mười ngày sau đó, ngày 25/10, theo các hộ dân tại đây, sau khi cư dân phản ánh về tình trạng chất lượng nước không đảm bảo an toàn và thiếu nước sinh hoạt thì đến nay, nước đã được cấp lại. Tuy nhiên, lượng nước đổ về nhỏ giọt, chỉ được từ 1-2 tiếng đồng hồ là tiếp tục bị cắt. Thêm vào đó, việc cấp nước lại “vô cùng tréo ngoe” khi thường diễn ra theo các khung giờ oái oăm như cấp lúc 9h sáng, lúc 1-2h đêm, khiến phần đa người dân đều không thể chờ đợi hứng nước. Trong khi đó, nguồn nước được cấp lại cũng không đảm bảo chất lượng.

Vì thế, “có nước cũng như không” là miêu tả không thể khác hơn về thảm cảnh mà những người dân khu đô thị Thanh Hà phải hứng chịu. Trước đó, “cuộc khủng hoảng nước” bắt đầu từ khoảng 19h30 ngày 14/10 khi cư dân thuộc tòa chung cư HH03A-B1.3, khu đô thị Thanh Hà phản ánh họ bất ngờ mất nước sinh hoạt. Nghĩa là “cuộc khủng hoảng nước 2023” kéo dài tới thời điểm này đã qua ngày thứ 10, tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Điều đáng nói là, trước đó, nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại khu đô thị Thanh Hà, ngày 18/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị bằng mọi biện pháp nhanh nhất cấp nước trở lại, ổn định lâu dài cho người dân khu đô thị Thanh Hà, nhưng đến nay việc khắc phục diễn ra rất chậm chạp. Cũng chính sự chậm chạp này đã dẫn tới sự bức bối, ngột ngạt, bào mòn sự chịu đựng của người dân.

Nhiều người dân tại Khu đô thị Thanh Hà khi được hỏi cho biết điều mong muốn nhất lúc này với họ là… bán được nhà, rẻ cũng bán, miễn là thoát ra khỏi được nơi mà với họ chẳng khác nào nơi đày ải, vừa khốn khổ vừa không đảm bảo chất lượng an toàn cuộc sống.

Điều đáng quan ngại hơn nữa là “cuộc khủng hoảng nước” thực tế không phải bây giờ mới diễn ra tại khu đô thị này. Trong lá thư kêu cứu khẩn cấp của hàng nghìn người dân Khu đô thị Thanh Hà gửi tới nhiều cơ quan ban ngành mới đây, nguồn nước mà họ được cung cấp không chỉ không ổn định mà còn không đảm bảo chất lượng, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của hàng nghìn người dân.

Trong quá trình sử dụng nước do Công ty Thanh Hà và Công ty Nam Hà Nội cung cấp, kể từ năm 2017 đến nay người dân luôn nhận thấy nguồn nước mà mình được cung cấp có những biểu hiện bất thường như nước đục, mùi hôi tanh, mùi clo nồng nặc, nghiêm trọng hơn, khi sử dụng gây ra sự ngứa ngáy khó chịu, bị tróc da như tiếp xúc với hóa chất.

Trong suốt gần 6 năm qua, cư dân tại Khu đô thị Thanh Hà đã phản ánh và đối thoại nhiều lần với các công ty nước nêu trên nhưng không nhận được sự thay đổi tích cực về chất lượng nước cung cấp.

Đỉnh điểm là ngày 5/10/2023, hàng loạt cư dân xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe như: nổi mẩn ngứa, phồng rộp da, cay mắt, cay mũi, chảy nước mắt nước mũi, rụng tóc, tức ngực, khó thở, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt, chóng mặt, buồn nôn,…khi sử dụng nguồn nước do các công ty trên cung cấp. Đối với vật nuôi, hàng loạt cá, rùa và các sinh vật sống trong nước bị chết…

Rõ ràng, nước không chỉ là câu chuyện của sinh hoạt thường nhật, nó còn là vấn đề an sinh xã hội, là sức khỏe của người dân. Và khi đã liên quan tới an sinh của người dân, thì mọi yếu tố liên quan cần phải được xử lý minh bạch rõ ràng.

Trong câu chuyện ở Khu đô thị Thanh Hà, như nhìn nhận Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, đó không chỉ là trách nhiệm của bên cung cấp nước và bên sử dụng nước mà còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sức khỏe, đời sống của nhân dân. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan chức năng cho thấy nguồn nước không đảm bảo vệ sinh an toàn, có nhiễm khuẩn, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, đơn vị cung cấp nước sạch này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Nếu gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã xảy ra đối với các hộ dân. Chính quyền địa phương cũng cần có trách nhiệm trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp nước sạch. Trong trường hợp doanh nghiệp này không đảm bảo điều kiện, năng lực để cung cấp nước cho các hộ dân, có thể lựa chọn đơn vị thay thế. Đồng thời, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ việc này.

nuoc sach o dau hinh 2

Không chỉ tại riêng Khu đô thị Thanh Hà, theo thống kê hồi tháng 5/2023 của Sở Xây dựng Hà Nội, hàng chục xã ở Hà Nội vẫn đang trong tình trạng thiếu nước sạch, hiện mới có khoảng 85% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch. Và chắc chắn, hiện tượng thiếu hụt nước sạch đã, đang không chỉ diễn ra trên đất Thủ đô. Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là 95-100% người dân thành thị và 93-95% người dân ở nông thôn có nước sạch để dùng. Tuy nhiên, các con số thống kê đang cho thấy còn khoảng cách giữa mục tiêu và thực tế.

Và để mọi người dân có cơ hội tiếp cận nước sạch, sẽ còn quá nhiều việc cần phải làm trong đó, không thiếu một trong những đầu việc quan trọng là đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch.

Cách đây 6 năm, một thống kê cho thấy, nhu cầu sử dụng nước sạch của Việt Nam đến năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 10 triệu m3/ngày. Để đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam cần tới 10,2 tỷ USD đầu tư cho các công trình cấp thoát nước mới, cải tạo và xử lý nước.

Để thu hút được hơn 10 tỷ USD, huy động nguồn lực tư nhân vào các dự án nước sạch được coi là lời giải cho bài toán đầu tư cho các dự án này khi nguồn vốn ODA bị cắt giảm. Nhưng điều quan trọng là phải có những cơ chế ưu đãi cụ thể, hấp dẫn - nhất là vấn đề vốn, để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia…

nuoc sach o dau hinh 3

Nhưng cho tới nay, tư nhân dường như vẫn đang quá e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này. Lý giải điều này, theo các chuyên gia là bởi Việt Nam đang thiếu khung pháp lý cho thị trường nước sạch, tạo ra nhiều mâu thuẫn, nghịch lý.

Đơn cử như nhiều đại biểu Quốc hội hồi năm 2019 từng đề xuất đây phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đề xuất này tiếp tục được các Hiệp hội liên quan nhắc lại vào năm 2020, tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Hiện chỉ có Nghị định 117 điều chỉnh trực tiếp vấn đề quản lý, cung cấp, khai thác nguồn nước.

Rõ ràng khi đường chạy pháp lý chưa thuận tiện, thì các tay đua nước sạch còn gian nan. Nói như các chuyên gia Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), đã đến lúc cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Làm được như vậy, câu hỏi “nước sạch ở đâu?” mới thôi cất lên nhức nhối.