1. Trang chủ /
  2. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Vẫn thiếu sự đồng bộ, thống nhất

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Vẫn thiếu sự đồng bộ, thống nhất

thứ năm, 3/8/2023 22:51 GMT+07
Hiện nay đang thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai chương trình sách giáo khoa, chưa chuẩn bị tâm lý, nguồn lực và cơ sở vật chất cho giáo viên, cán bộ quản lý cũng như người học, dẫn đến tình trạng một bộ phận giáo viên không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: PV) Quang cảnh hội nghị (Ảnh: PV)

Đây là quan điểm được đưa ra tại Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hôm qua (2/8).

Khi xã hội hóa biến thành thương mại hóa

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã làm rõ những vấn đề đang đặt ra đối với sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam đã chỉ ra một số bất cập khi xã hội hóa không đến nơi đến chốn, khiến xã hội hóa biến thành thương mại hóa. Từ đó gây ra hậu quả đáng tiếc, điển hình là một số vụ án liên quan đến SGK vừa được phanh phui, trong đó có sự móc ngoặc giữa người có chức có quyền với người làm kinh doanh.

Cho rằng chương trình GDPT của chúng ta “có gì đó sai sai” so với thông lệ quốc tế, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam) chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta dùng một chương trình chưa qua thực nghiệm để áp dụng đại trà trên cả nước. Ngoài ra, GS.TS Nguyễn Lân Dũng cũng đánh giá việc dạy - học ngoại ngữ “hình như không thành công”, vì có những trường hợp học 12 năm không nói được. “Sai lầm của học ngoại ngữ là học để thi, học quá nhiều và quá nặng nề. Tôi là người biết 4 ngoại ngữ nhưng nếu thi IELTS có khi vẫn trượt vì học những từ chẳng bao giờ dùng đến”, ông Dũng chia sẻ.

Cần có sự kiểm soát, giới hạn số lượng sách tham khảo

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam), Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương rất đúng là xã hội hóa giáo dục và y tế. Thực tế cho thấy, đây là hai lĩnh vực thể hiện sự tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, vừa qua, tình trạng phụ huynh phải thức trắng đêm để xếp hàng, lấy phiếu cho con vào các trường công lập, là tình trạng rất đáng báo động. Ông Đường cho rằng, nhận thức về xã hội hóa cần tiếp tục được làm rõ hơn nữa, bởi càng xã hội hóa thì Nhà nước càng phải đầu tư nhiều hơn cho hai lĩnh vực giáo dục và y tế chứ không phải xã hội hóa để Nhà nước rút khỏi hai lĩnh vực này hoặc giảm bớt đầu tư đi.

“Tôi lấy rất làm lạ là tại sao đến 30 - 40 năm nay, số trường học “mọc ra như nấm”, số cử nhân nhiều vô kể thế mà vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên. Việc thiếu giáo viên này vì lý do gì, vì thiếu trường, chế độ đãi ngộ quá thấp hay thiếu gì? Bây giờ làm thế nào để xây dựng đội ngũ giáo viên không những đủ mà còn có chất lượng tốt. Nếu không có đội ngũ giáo viên giỏi, có chất lượng thì những mục đích đặt ra cho SGK cũng rất khó làm” - ông Đường nêu vấn đề, đồng thời đề nghị phải chấm dứt tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên cấp thấp như mầm non, tiểu học.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu. (Ảnh: PV)
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu. (Ảnh: PV)

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, hiện nay đang thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai chương trình SGK, chưa chuẩn bị tâm lý, nguồn lực và cơ sở vật chất cho giáo viên, cán bộ quản lý cũng như người học về việc đổi mới SGK, dẫn đến tình trạng giáo viên không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.

Về vấn đề chọn SGK để giảng dạy, hiện nay đang quy định một chương trình nhiều bộ SGK và trao quyền cho tỉnh chọn. Đây là vấn đề có nhiều ý kiến phản ánh của người dân; quy định như vậy dễ phát sinh yếu kém trong quản lý, chỉ đạo chọn bộ SGK. Do đó, cần có sự kiểm soát, giới hạn số lượng sách tham khảo cụ thể và cần thiết trong từng môn học để tránh tình trạng quá tải, bảo đảm chất lượng học tập tốt nhất cho học sinh.

Bà Nguyễn Thị Doan kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng về tác động từ việc triển khai chương trình SGK phổ thông 2018 đối với chất lượng giáo dục, đào tạo. Cùng với đó, nghiên cứu phương pháp giảng dạy, có chiến lược cụ thể nhằm trang bị kiến thức bài bản cho giáo viên, chống “bệnh thành tích” trong thi cử, giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp thu đầy đủ để sớm hoàn thiện văn bản gửi tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phục vụ cho công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội...

Báo cáo tình hình về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, nhân dân đồng tình và đánh giá cao Chương trình GDPT 2018 đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW... Tuy nhiên, việc biên soạn và thực nghiệm Chương trình Giáo dục 2018, nhất là việc triển khai còn nhiều bất cập. Cụ thể, cùng một nội dung học, có bộ sách bố trí ở học kỳ I, có bộ sách bố trí học ở học kỳ II, gây khó khăn cho những học sinh phải chuyển trường. Việc ghép các môn học Lý, Hóa, Sinh vào một cuốn sách, ghép môn Lịch sử, Địa lý thành một môn học khiến giáo viên phải loay hoay học kiến thức mới.
Người dân băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền hay có hiện tượng “lợi ích nhóm” trong việc in ấn, phát hành SGK và giá SGK còn quá cao, thậm chí cao hơn từ 2 đến 3 lần so với giá sách những năm trước, ảnh hưởng đến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa.