1. Trang chủ /
  2. Đón khách quốc tế đến Việt Nam: Đặt bài toán an toàn lên hàng đầu

Đón khách quốc tế đến Việt Nam: Đặt bài toán an toàn lên hàng đầu

chủ nhật, 13/2/2022 11:43 GMT+07
(PLM) - Mục tiêu của ngành du lịch toàn cầu trong năm 2022 là phục hồi lại du lịch quốc tế, du lịch Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Bối cảnh các nước trong khu vực đã bắt đầu mở cửa lại với du lịch quốc tế, đơn cử Thái Lan mở từ ngày 1/2/2022, đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam. Quan trọng hơn hết là chúng ta phải giải được bài toán an toàn.

Thái Lan bắt đầu mở cửa cho du khách quốc tế từ ngày 1/2.

Bài học từ Thái Lan mở cửa cho du khách quốc tế

“Những hòn đảo đẹp như tranh vẽ, bãi biển vàng ngập nắng với những hàng cọ đu đưa. Những ngôi đền có kiến trúc tinh vi và những khu rừng nguyên sơ xanh mát. Thái Lan từ lâu đã trở thành điểm đến thích hợp cho những ai cần một kỳ nghỉ nhiệt đới thoải mái và dễ chịu”. Đây là một đoạn trích mô tả về xứ sở chùa vàng trên chuyên trang du lịch của CNN gần đây.

Theo chuyên trang này, đất nước Thái Lan hiện tại vẫn ghi nhận trung bình khoảng 8.500 trường hợp nhiễm COVID-19 mỗi ngày. Dù vậy, từ ngày 1/2, Thái Lan đã khởi động chương trình “Test & Go”, cho phép du khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ từ tất cả các quốc gia nhập cảnh mà không bị hạn chế bởi các quy định tự cách ly kéo dài. Được biết, chính phủ nước này đã tạm thời đình chỉ chương trình này từ ngày 22/12/2021 bởi số lượng các ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng trong nước.

Hiện nay, những du khách nhập cảnh sẽ phải đáp ứng thêm một số yêu cầu bổ sung, bao gồm bằng chứng thanh toán trước cho 2 đêm lưu trú riêng biệt tại các khách sạn được chính phủ phê duyệt vào ngày thứ nhất và ngày thứ 5 (trước đây, du khách chỉ được yêu cầu cung cấp bằng chứng đặt trước khách sạn cho ngày đầu tiên). Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, du khách có thể đặt hai khách sạn khác nhau cho chỗ ở vào Ngày 1 và Ngày 5. Tuy nhiên, vào cả hai ngày này, họ phải ở trong phòng khi chờ kết quả xét nghiệm PCR bắt buộc.

Những du khách chưa được tiêm phòng đầy đủ phải cách ly trong một khách sạn cách ly trong 10 ngày. Họ cũng phải kiểm tra dịch tễ tại các cơ sở y tế đã được chính phủ phê duyệt.

Thông tin thêm về các chương trình nhập cảnh được cập nhật thường xuyên trên website của Tổng cục Du lịch Thái Lan. Theo đó, người mang hộ chiếu Hoa Kỳ, Canada, Anh và Úc nằm trong số những người không bắt buộc phải xin thị thực khi nhập cảnh vào Thái Lan với mục đích du lịch và sẽ được phép ở lại Thái Lan trong thời gian không quá 45 ngày cho mỗi chuyến thăm.

Khách du lịch đến từ các quốc gia không nằm trong danh sách miễn thị thực có thể xin Thị thực Du lịch Đặc biệt (STV), cho phép lưu trú 90 ngày và có thể được gia hạn hai lần. Cùng với đó là tất cả các du khách cần phải xin thẻ thông hành “Thailand Pass” trước khi lên đường.

Bên cạnh đó, một yêu cầu bắt buộc của chương trình “Test & Go” là khách du lịch nước ngoài phải cung cấp bằng chứng về hợp đồng bảo hiểm trả trước về điều trị COVID-19. Tất cả du khách cũng cần cung cấp bằng chứng về xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Ngoài chương trình “Test & Go”, du khách quốc tế tiêm chủng đầy đủ cũng có thể đến Thái Lan theo chương trình “Sandbox”, tức là họ cần lưu trú ít nhất 07 ngày tại một số điểm đến đã được chính phủ phê duyệt, bao gồm: Krabi, Phang-Na, Phuket, Ko Samui, Ko Pha-ngan hoặc Ko Tao.

Theo giới chức Thái Lan, những quy định chặt chẽ như vậy là cần thiết, nhằm hạn chế tốc độ lây nhiễm dịch bệnh tại các địa phương đón khách quốc tế, vừa để đảm bảo an toàn cho người dân trong nước cũng như du khách quốc tế.

Việt Nam dự định mở cửa cho du khách quốc tế vào cuối tháng 3.

Du lịch quốc tế 2022: Lạc quan trong thận trọng

Theo hãng truyền thông thông tấn Deutsche Welle (Đức), ngành du lịch thế giới được dự đoán sẽ lạc quan hơn trong năm 2022. Nhiều du khách muốn đặt vé cho các kỳ nghỉ trong năm ngày từ bây giờ, bao gồm các kỳ nghỉ hè. Thậm chí, một số khu nghỉ mát trượt tuyết bên châu Âu cũng đã sẵn sàng mở bán vé từ sớm.

Dù vậy, làn sóng dịch bệnh bởi xuất hiện những biến chủng COVID-19 mới đã làm giảm sút ý định đi lại của rất nhiều du khách quốc tế, khiến nhiều quốc gia châu Âu phải trì hoãn kế hoạch mở cửa. Chẳng hạn, Israel đã dừng việc đón du khách quốc tế, Đức liệt kê Vương quốc Anh vào danh sách “hạn chế đi lại” bởi xuất hiện nhiều biến thể virus mới.

Chia sẻ với Deutsche Welle, nhà nghiên cứu du lịch Markus Pillmayer từ Đại học Khoa học Ứng dụng Munich đánh giá: “Ngành du lịch thế giới sẽ dần tìm thấy sự cân bằng với những quyết định thay đổi đột ngột và ngẫu hứng đến từ các nhà chức trách và khách du lịch. Điều quan trọng là họ cần có đủ độ linh hoạt”. Nhìn chung, có nhiều tín hiệu khả quan về du lịch quốc tế nhưng các quốc gia đều vẫn phải rất thận trọng.

Còn tại Việt Nam, dù chính phủ đã nhiều lần thí điểm mở cửa cho du khách quốc tế nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như mong đợi. Theo Công điện của Văn phòng Chính phủ về chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch, lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả, số liệu thống kê cho thấy: Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 76% so với năm 2019, năm 2021 giảm 96% so với năm 2020.

Ngày 17/11/2021, 29 du khách từ nhiều quốc gia đã đến Hội An (tỉnh Quảng Nam), mở đầu cho chương trình thí điểm đón khách quốc tế trở lại Việt Nam, sau hơn 20 tháng đóng cửa. Sau đó, thêm nhiều đoàn khách đã tới Khánh Hòa và Phú Quốc. Hiện, có 7 địa phương được tham gia thí điểm đón khách quốc tế gồm Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, TP HCM và Bình Định. Theo thống kê, trong giai đoạn 1 thí điểm đón khách quốc tế từ 11/2021 đến tháng 1/2022, Việt Nam chỉ đón khoảng 8.500 khách quốc tế.

Việc giảm số lượng khách quốc tế đã tác động đến chuỗi giá trị như vận tải, ăn uống, khách sạn, lữ hành, bán lẻ, thương mại, nhất là tại các điểm du lịch và địa phương trọng điểm du lịch cả nước.

Do vậy, mới đây Tổng cục Du lịch đã đề xuất kế hoạch chính thức mở cửa đón khách quốc tế từ 31/3. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, thời điểm 31/3 là thời điểm Việt Nam hoàn tất thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân 2022 để sẵn sàng mở cửa cho du khách quốc tế. Đồng thời, việc công bố thời điểm mở cửa để các doanh nghiệp du lịch có thời gian chuẩn bị về sản phẩm, nhân lực.

Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban truyền thông Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Giám đốc Flamingo Redtour cho biết: Với khách du lịch quốc tế có thói quen lên kế hoạch chuẩn bị từ 6 - 9 tháng nên việc công bố chính thức mốc thời gian để doanh nghiệp còn lên kế hoạch từ xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, xây dựng sản phẩm hướng tới thị trường khách mục tiêu cụ thể.

Để tạo nên hành lang du lịch an toàn, nhằm hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch toàn quốc phải thực hiện tốt được nhiều mục tiêu. Ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định và biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch, cộng đồng dân cư và cán bộ nhân viên trong ngành du lịch, việc xây dựng thương hiệu du lịch bền vững, xây dựng tour tuyến kết nối các điểm đến an toàn cũng là nhiệm vụ cấp bách.

Đi theo chủ trương này, chính quyền địa phương các tỉnh, thành cũng bắt đầu triển khai các kế hoạch đón khách quốc tế trong năm tới. Đơn cử, mục tiêu năm 2022 của ngành du lịch Lâm Đồng là đón 5 triệu lượt khách qua lưu trú và 150.000 lượt khách quốc tế; xây dựng du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành Điểm đến “An toàn - Tiềm năng - Khác biệt”. Theo đó, ngành du lịch tỉnh sẽ chủ động kết nối, hình thành, phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng các với các địa phương như Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An… dựa trên các chương trình liên kết phát triển du lịch đã được ký kết.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Thông qua việc thực hiện các giải pháp về “du lịch an toàn” và “số hóa” sẽ giúp ngành du lịch Lâm Đồng nhanh chóng phục hồi do ảnh hưởng của dịch COVID-19”. Trong đề án của tỉnh về “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025” bao gồm các nội dung như: Xây dựng cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động; Bản đồ du lịch thông minh; Hệ thống phân tích du lịch thông minh… Như vậy, du khách có thể truy cập vào Cổng thông tin Du lịch - Dalatcity.org và Ứng dụng du lịch thông minh - DalatFowerCity để sử dụng các tiện ích, đặc biệt là cập nhật kịp thời các thông tin, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch, bệnh trên địa bàn tỉnh.

Những tín hiệu khả quan này cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang tiến một cách rất thận trọng để dần dần phục hồi và tiếp cận trở lại với thị trường khách du lịch quốc tế trong năm Nhâm Dần 2022.