1. Trang chủ /
  2. Đồng bằng sông Cửu Long: Cần động lực để phát triển mạnh mẽ

Đồng bằng sông Cửu Long: Cần động lực để phát triển mạnh mẽ

thứ ba, 6/9/2022 10:20 GMT+07
(PLM) - Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những lợi thế mà các vùng khác không có. Diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% dân số cả nước); hiện đóng góp khoảng 12% vào GDP của cả nước.
Hạ tầng giao thông ĐBSCL đang từng bước được đồng bộ. Ảnh: Quốc Trung

Với ĐBSCL, thuận lợi nhất vẫn là phát triển nông nghiệp với hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng) được bồi đắp phù sa màu mỡ, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Cùng đó, ĐBSCL còn có thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp thực phẩm, đặc biệt phát triển du lịch quanh năm và các ngành dịch vụ khác.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, ĐBSCL vẫn tồn tại những hạn chế cần phải được thẳng thắn nhìn nhận và tập trung tháo gỡ.

Theo TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL: Vùng châu thổ này đang đối mặt với các thách thức ở nhiều cấp độ khác nhau, từ nội vùng, liên vùng, khu vực hạ lưu Mekong và cấp độ tác động toàn cầu do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Thách thức còn bị nhân lên từ hoạt động kinh tế với cường độ cao ở nội vùng gây nhiều hệ lụy làm mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài nguyên nước và cát, trong khi quản lý nhà nước “thiếu phối hợp, thừa chồng chéo”. Hạn mặn gay gắt, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng, ngập lụt đô thị thường xuyên; hạ tầng giao thông, logistics thấp kém, người đồng bằng xuất cư đi nơi khác tìm kiếm việc làm đến mức báo động…

Còn với nhiều chuyên gia, 3 “nút thắt” chính mà vùng ĐBSCL đang phải đối diện. Trước hết đó là kết cấu hạ tầng. Thống kê của VCCI Cần Thơ cho thấy Đông Nam Bộ và ĐBSCL là hai vùng có tỷ lệ đường quốc lộ thấp nhất trong 7 vùng kinh tế, lần lượt chỉ chiếm 3,5% và 10,9%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng diện tích, dân số cũng như đóng góp GDP cho cả nước. Vùng ĐBSCL cũng có chỉ số chất lượng đường quốc lộ thấp hơn mức bình quân cả nước và đứng thứ 2 từ dưới lên, chỉ cao hơn vùng Bắc Trung bộ và thua cả miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Nút thắt thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực. Lâu nay, ĐBSCL vẫn là vùng trũng trong cả nước về giáo dục.

Nút thắt thứ ba là cơ chế, chính sách, trong đó quan trọng nhất là cơ chế, chính sách về đất, nước và cơ chế điều phối vùng. Cụ thể, về chính sách đất đai, cần được thiết kế lại theo hướng tạo thị trường đất linh hoạt hơn. Cùng đó là tăng khả năng chuyển dịch đất nông nghiệp trong phạm vi các lĩnh vực và đối tượng sản xuất nông nghiệp sao cho đất nông nghiệp có thể sử dụng hiệu quả nhất. Về nước, phải xem tất cả nguồn nước như: nước mặn, nước ngọt, nước lợ, nước mặt, nước ngầm... là tài nguyên quý báu để có chính sách quản lý, sử dụng và bảo vệ một cách phù hợp hơn.

Để tháo gỡ nhanh những nút thắt giúp ĐBSCL phát triển xứng tầm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những cuộc làm việc để lắng nghe lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL kiến nghị, từ đó đưa ra các giải pháp để phát triển ĐBSCL; các bộ, ngành tăng cường làm việc, khảo sát để có những kiến nghị, đề xuất giải pháp sát với tình hình thực tiễn ở khu vực đồng bằng châu thổ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL. Đây cũng là vùng đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch. Một chính sách có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển vùng là chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, là cơ sở đặc biệt quan trọng để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu bày tỏ: “Quy hoạch vùng ĐBSCL vừa được công bố cho thấy những định hướng phát triển về hạ tầng giao thông là rất quan trọng. Logistics ở ĐBSCL chưa có nhiều, do ách tắc về hạ tầng giao thông. Chúng tôi hy vọng với các dự án giao thông lớn đã và đang được triển khai sẽ phát triển mạnh mẽ về xuất nhập khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân và vùng ĐBSCL”.

Hạ tầng giao thông ĐBSCL đang từng bước được đồng bộ. Ảnh: Quốc Trung

Theo các chuyên gia kinh tế, việc quy hoạch lại là vấn đề rất lớn bởi vì thực hiện quy hoạch này tiếp cận theo vùng chứ không phải theo từng tỉnh riêng lẻ. Các tỉnh, thành trong vùng cần ngồi lại với nhau, có những cuộc trao đổi thấu đáo, sâu hơn, kỹ hơn về các vấn đề mà quy hoạch tích hợp đã đề ra, những điểm nào là những điểm tốt nhất, khả thi nhất, có thể làm được ngay thì thực hiện sớm.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) - người đóng góp nhiều ý kiến cho vấn đề quy hoạch vùng cho biết: Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp chủ trương lớn về “thuận thiên” của Chính phủ với mục tiêu biến ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế, các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.