Đồng bằng sông Hồng: Liên kết vùng để trở thành động lực tăng trưởng
Chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng
Tại Hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”, được tổ chức tại Thái Bình ngày 30/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, trong những năm qua một số địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã có sự phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước (điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên…). Hạ tầng thương mại phát triển khá với sự gia tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại như thương mại điện tử, các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, góp phần làm thay đổi diện mạo ngành thương mại của vùng và cả nước.
Tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước và chiếm 29,4% GDP cả nước; thu hút FDI chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ (năm 2020 lần lượt là 40,62% và 40,64%); các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, tính liên kết vùng vẫn còn có những hạn chế. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do ngân sách từ TW đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét và chưa được triển khai đẩy mạnh và chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng; không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, vùng ĐBSH chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; Thu ngân sách Nhà nước còn dựa nhiều vào khai thác quỹ đất; Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm; Phát triển không đồng đều giữa các tiểu vùng và giữa các địa phương trong vùng; Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.
Nguyên nhân được chỉ ra là do nhận thức về vai trò liên kết vùng chưa đầy đủ, còn tư tưởng cục bộ chưa vì lợi ích chung; Thiếu cơ chế và bộ máy thực hiện liên kết, điều phối vùng hiệu quả vì không có thể chế vùng và có ngân sách riêng cấp vùng; Chất lượng quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng còn thấp; Chưa có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước tham gia đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính lan tỏa của vùng.
Phát triển hạ tầng để liên kết vùng thuận lợi
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, để xây dựng và phát triển vùng ĐBSH thì nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng cho phát triển của vùng rất cao nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong đó, xây dựng kết cầu hạ tầng đồng bộ và hiện đại là một nội dung quan trọng, đòi hỏi việc huy động vốn đầu tư lớn, như hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn, các tuyến đường bộ kết nối, các tuyến vành đai Hà Nội, đường bộ ven biển; Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hoàn thiện hạ tầng các cảng Hải Phòng, Quảng Ninh; Hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.
Trong thời gian tới, để thu hút vốn đầu tư hạ tầng vào vùng ĐBSH tạo lực đẩy phát triển, theo Thứ trưởng Ngọc, trước hết cần phải khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội của vùng về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử để vùng ĐBSH thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết và phát triển vùng đủ mạnh, thiết thực, hiệu quả; Thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới; Tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng; Phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị để tạo đột phá phát triển vùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thực tiễn cho thấy để liên kết vùng ĐBSH thực sự hiệu quả, phát huy tối đa lợi thế vùng, thúc đẩy giao thương nội và liên vùng, quốc tế rất cần tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới logistics, chợ đầu mối, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại, thông minh gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Ngoài ra, cần thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các DN logistics, DN sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn, khu vực với các DN, tổ chức quốc tế; Khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới; Đẩy mạnh hợp tác liên kết với các địa phương lân cận trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chưa khai thác các biên bản ký kết hợp tác
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong vùng ĐBSH đã hình thành hệ thống kho và các trung tâm logistics phục vụ hoạt động thương mại nói chung và hoạt động xuất, nhập khẩu nói riêng. Đến nay, vùng ĐBSH có một số trung tâm logistics đã đi vào hoạt động, gồm Trung tâm logistics Hateco, Trung tâm logistics Cái Lân - VOSA (Quảng Ninh) và Trung tâm logistics Green - Đình Vũ (Hải Phòng), một số trung tâm logistics tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... cung cấp dịch vụ như xếp dỡ, vận chuyển, lưu kho tạm thời, gom và chia hàng lẻ, sửa chữa bảo dưỡng container và hoàn tất thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng container. Tuy nhiên, theo bà Nga, các địa phương hiện nay đều đang tận dụng những lợi thế sẵn có của mình để phát triển kinh tế nhanh hơn. Do đó, mặc dù các tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác nhưng vẫn chưa khai thác hết các điều khoản đã ký kết. Đặc biệt là các văn bản ký kết của Hà Nội với các địa phương trong vùng.