1. Trang chủ /
  2. Pháp luật “dẫn đường” công tác bảo tồn, văn hóa các dân tộc thiểu số

Pháp luật “dẫn đường” công tác bảo tồn, văn hóa các dân tộc thiểu số

thứ hai, 12/6/2023 22:48 GMT+07
Văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng, cấu thành của văn hóa nước ta, là tài sản quý giá góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; để văn hóa, con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng trong việc định hướng, xây dựng chính sách bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trước nhiều thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều quyết sách cởi mở, kịp thời

Theo số liệu điều tra thống kê năm 2019, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 14,123 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Các dân tộc thiểu số cư trú xen kẽ trên địa bàn rộng lớn, ước tính trên ¾ diện tích đất nước, tập trung chủ yếu vùng rừng núi, trung du, vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Hầu hết đều là các vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng. Quy mô dân số không đồng đều: có 6 dân tộc trên 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Mông, Nùng, Khmer); 16 dân tộc dưới 10.000 người, trong đó có 5 dân tộc dưới 1.000 người là Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo và Si La.

Với những ý nghĩa đó, trong những thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 3 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày những di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đã có hơn 150 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trên tổng số gần 300 di sản của cả nước). Nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, lập hồ sơ khoa học và xếp hạng cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt.

Văn hóa các dân tộc thiểu số được xác định là một bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc. Quan điểm này được cụ thể hóa trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc do Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ngày 12/3/2003, nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội... giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất”.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Ủy ban Dân tộc đánh giá, văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta vừa thống nhất, vừa đa dạng. Tính thống nhất biểu hiện ở quá trình đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm và phát triển kinh tế, ở ý thức quốc gia và trong lối sống và cách ứng xử, đặc biệt là tinh thần yêu nước của các dân tộc Việt Nam. Tính đa dạng bởi đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú trong những điều kiện tự nhiên, địa lý, khí hậu khác nhau, mang đặc trưng vùng miền, ngôn ngữ, cùng với các giá trị văn hóa vật thể (trang phục, kiến trúc, ẩm thực...) và văn hóa phi vật thể (tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội,...) đặc trưng.

Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học, văn học dân gian, nhân chủng học, địa chất học, địa danh học... đã cung cấp bằng chứng về việc văn hóa các dân tộc thiểu số nước ta được hình thành và phát triển từ một nền văn hóa dân gian. Theo đó, các dân tộc ở nước ta có một quá trình lịch sử lâu dài cùng chung sống sáng tạo và tụ hội nhiều giá trị văn hóa, gắn với những thời kỳ xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước.

Có thể nói, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nêu rõ mục tiêu: “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị biến dạng văn hóa cao”. Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020.

Cùng với đó là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ…

Giải quyết các thách thức trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh hiện nay, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đang đứng trước rất nhiều thách thức. Đơn cử, vẫn còn nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí ở một số nơi còn rất nặng nề, như: thách cưới quá cao, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, hủ tục trong tang ma, mê tín dị đoan, tin vào bùa ngải, thầy mo, thầy cúng khi ốm đau...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ tiếp tục bị mai một, đứt gãy mà hệ quả là vai trò của già làng, tính cộng đồng làng bản, những tri thức luật tục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các mối quan hệ truyền thống, cách đối nhân xử thế trong cộng đồng đã bị mai một, biến đổi theo xu hướng tiêu cực. Nhiều yếu tố văn hóa truyền thống đang dần mất đi, ví như sự mai một của ngôn ngữ mẹ đẻ, trang phục truyền thống và các tập tục tốt đẹp trong ứng xử hằng ngày. Nhiều hoạt động trò chơi dân gian đã không còn và thay vào đó là các hoạt động ăn uống linh đình. Một số lễ hội văn hóa đã biến tướng với mục đích kinh doanh thu lợi nhuận. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa từ bên ngoài và giữa các vùng miền là xu hướng khó thể tránh khỏi. Trong nhiều trường hợp, văn hóa nước ngoài được tiếp nhận một cách ồ ạt, xô bồ, miễn cưỡng, lấn át các giá trị truyền thống, gây ra hiện tượng lai căng, kệch cỡm.

Ví dụ cụ thể là âm nhạc truyền thống, một trong những yếu tố quan trọng của văn hóa các dân tộc thiểu số, đang mất dần sức hút với người trẻ bản địa, thậm chí còn không được biết đến. Việc mất dần tiếng kèn lá, vắng tiếng sáo, đàn môi để các chàng trai bày tỏ tình cảm với người yêu, nghệ thuật hát giao duyên, hát dân ca, dân vũ, sử dụng nhạc cụ dân tộc có phần thưa thớt trong đời sống,… là hiện trạng đáng lo ngại trong cộng đồng các dân tộc Mông, Thái, Mường, Tày, Cao Lan… ngày nay, đã được phản ánh trên các phương tiện truyền thông, báo chí thời gian qua. Cùng với đó là nguy cơ mai một các giá trị bản sắc của giới trẻ trong dân tộc thiểu số như các lễ hội dân gian, phong tục, tập quán truyền thống. Đến nay vẫn chưa có một đánh giá chính xác về việc thực hiện các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã xuất hiện các trường hợp người trẻ hiểu không đúng, thậm chí xuyên tạc bản sắc, giá trị văn hóa cũng như việc thực hành văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tình trạng này đặc biệt phổ biến trên mạng xã hội, gây tác động tiêu cực đến cộng đồng.

Qua những quyết sách cởi mở, kịp thời cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa được triển khai trong các thập kỷ qua, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị. Đây chính là kết quả của sự chỉ đạo sát sao, sự điều hành quyết liệt, toàn diện của các cấp chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một yếu tố đóng vai trò thiết yếu chính là sự tự giác, ý thức trách nhiệm của chính đồng bào các dân tộc thiểu số.