1. Trang chủ /
  2. Pháp luật - Bạn đọc /
  3. Đề xuất quy trình hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát cơ động

Đề xuất quy trình hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát cơ động

thứ năm, 18/8/2022 10:15 GMT+07
(PLM) - Bộ Công an đang Dự thảo Thông tư quy định quy trình hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Thông tư quy định về thẩm quyền điều động và phân công, phân cấp tuần tra, kiểm soát; nhiệm vụ, quyền hạn, đối tượng, hình thức, trình tự tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự và trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSCĐ trong trường hợp được huy động phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. Đối tượng áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CSCĐ khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát; Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Dự thảo, nhiệm vụ của CSCĐ khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát quy định phải chấp hành nghiêm sự chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên và kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo đảm an ninh, trật tự trong phạm vi địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến tuần tra, kiểm soát; phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật.

Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm khác thuộc địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến được phân công tuần tra, kiểm soát. Báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức liên quan có biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Bên cạnh đó, quyền hạn của CSCĐ khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát gồm có: kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát; phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền; huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 16 Luật Cảnh sát cơ động; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; thực hiện quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Ngoài ra, Dự thảo nêu rõ, về trình tự tuần tra, kiểm soát của CSCĐ có các nhiệm vụ như khảo sát địa bàn; xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát; ra quân làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu; hiệu lệnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát; ghi sổ nhật ký tuần tra, kiểm soát; kết thúc tuần tra, kiểm soát. Trong đó, việc kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu được tiến hành trong các trường hợp sau: khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.

Khi có căn cứ để cho rằng trong người, phương tiện có cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật, nếu không kiểm tra, kiểm soát ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện đó bị tẩu tán, tiêu hủy; khi phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã; khi phát hiện người, phương tiện, đồ vật, tài liệu, tài sản có thông báo truy tìm; khi phát hiện các trường hợp nêu trên thì cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát tiến hành xử lý theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Thông tư này.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 230 ra ngày 18/8/2022)