1. Trang chủ /
  2. Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên

Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên

thứ hai, 22/8/2022 08:36 GMT+07
(PLM) - Xuất phát từ vai trò quan trọng của nhân dân trong công tác giám sát việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nhấn mạnh: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy đảng về công tác cán bộ.

Chú trọng giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết”. Bác cũng nhấn mạnh, dựa vào quần chúng nhân dân “là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”.

Theo PGS. TS Lê Kim Việt (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), thực tế những năm qua, Đảng ta đã dựa vào nhân dân, động viên nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền; thông qua đó, Đảng và Nhà nước đã phát hiện và xử lý kỷ luật hàng vạn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền do có hành vi tiêu cực, tham nhũng... Chỉ có sự tham gia của nhân dân trong kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức thì bộ máy nhà nước mới thực sự trong sạch, vững mạnh.

Thời gian qua, những quy định của Đảng về công tác giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên được ban hành khá đầy đủ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ ở từng thời điểm, từng giai đoạn. Một số quy định đã cơ bản được thể chế hóa thành những quy định pháp luật và được hướng dẫn tổ chức thực hiện theo quy định. Điển hình như Quyết định số 217- QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định trên, đến nay vẫn tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, diễn ra vào tháng 12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn thừa nhận, hoạt động giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả… Bên cạnh đó, chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác..

Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” một lần nữa đặt ra yêu cầu: “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”. Theo đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh... Chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở để thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giám sát

Trao đổi với Báo PLVN, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: “Tôi đã một lần đề nghị với Ban Bí thư cần phải xem xét lại công tác tổ chức cán bộ, đánh giá cán bộ một cách thực chất hơn, không chỉ dựa vào cơ quan tham mưu mà quan trọng nhất là phải dựa vào nhân dân. Trước hết là thông qua Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Chẳng hạn, nhiều trường hợp khi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, khi có ý kiến của Trung ương đưa sang thì Mặt trận (có chức năng hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp) lấy ý kiến nơi địa bàn dân cư và phát hiện nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn, từ đó đề nghị Trung ương xem xét lại.

Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, so với danh sách trình ra Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, qua các lần hiệp thương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã loại khỏi danh sách hiệp thương chính thức 150 ứng cử viên đại biểu Quốc hội và 63.607 ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp, do đã phát hiện vi phạm chính sách, pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống và không được cử tri nơi công tác, nơi cư trú tín nhiệm.

Đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò giám sát công tác tổ chức, cán bộ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thời gian tới, trong bài viết về vấn đề này, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần chủ động nghiên cứu kỹ các văn bản của Đảng, quy định của Nhà nước để từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tình hình mới. “Giám sát công tác tổ chức, cán bộ là việc khó; vì vậy, đòi hỏi hệ thống pháp luật phải quy định toàn diện, đầy đủ, cụ thể và rõ ràng các vấn đề liên quan. Yêu cầu này tạo cơ sở pháp lý không chỉ cho hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội mà còn là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, nhất là những đối tượng chịu sự giám sát phải thực hiện nghiêm” - ông Lê Tiến Châu khẳng định.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức khác trong thực hiện giám sát công tác tổ chức, cán bộ. Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt khi có sự phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ với các hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát của các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị... Như vậy, sẽ góp phần làm cho hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam ngày càng hiệu quả, huy động được các cơ quan, tổ chức và nhân dân tham gia, sẽ tạo sức mạnh trong giám sát.

Còn PGS.TS Lê Kim Việt cho rằng, cần tăng cường các cuộc tiếp xúc, đối thoại, chất vấn của nhân dân với đại diện chính quyền, người đứng đầu các cơ quan nhà nước, nhất là thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân, chế độ chất vấn đại biểu Quốc hội, HĐND theo định kỳ và đột xuất. Thực hiện tốt quy định giải trình, báo cáo của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, người đứng đầu chính quyền địa phương theo quy định của Quy chế dân chủ ở cơ sở. Củng cố tổ chức và hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân để hoạt động thực chất, có hiệu quả. Đây là bộ phận đại diện quyền lực của nhân dân trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Cần đổi mới cơ chế hoạt động của Thanh tra nhân dân theo hướng tôn trọng tính độc lập, tính chủ động của tổ chức này, làm cho tổ chức này thực sự là cơ quan đại diện quyền lực trong công tác thanh tra, giám sát.

 

PGS.TS Lê Kim Việt cũng kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế đồng bộ, hiệu quả, công khai và minh bạch, để mọi người dân có thể tiếp cận và thực hiện nghiêm túc. Trước hết, xây dựng Luật Giám sát xã hội nhằm nâng cao mức độ pháp lý trong việc bảo đảm quyền giám sát của nhân dân đối với quyền lực Nhà nước. Xây dựng cơ chế để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát, tố giác, tố cáo tội phạm tham nhũng, tiêu cực, các hiện tượng quan liêu, sách nhiễu, vô trách nhiệm… của cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền. Đồng thời có cơ chế bảo vệ người dân tích cực đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng; kiên quyết xử lý nghiêm minh, loại bỏ những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, “những con sâu mọt” ra khỏi bộ máy cơ quan nhà nước.  

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 234 ra ngày 22/8/2022)