1. Trang chủ /
  2. Phát triển cơ sở giáo dục mầm non cho con công nhân tại các Khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM

Phát triển cơ sở giáo dục mầm non cho con công nhân tại các Khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM

thứ bảy, 14/10/2023 00:11 GMT+07
Mặc dù thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã có nhiều chính sách, quy định để hỗ trợ, chăm lo đời sống công nhân, lao động trong các khu công nghiệp (KCN) - khu chế xuất (KCX), trong đó có việc xây dựng cơ sở mầm non tại địa bàn có KCN-KCX nhưng hiện nay kết quả vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Các KCN-KCX trên địa bàn TP.HCM cần đẩy mạnh việc xây dựng trường học cho con công nhân.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM, việc phát triển các cơ sở mầm non tại KCN vẫn gặp nhiều khó khăn. Nghị định số 36/1997/NĐ-CP, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ về KCN - KCX và khu kinh tế đều quy định “không có dân cư sinh sống trong KCN, KCX”. Vì thế các KCN, KCX đã hình thành và được Bộ Xây dựng phê duyệt đều không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động trong đó có việc dành quỹ đất tại đây để xây dựng trường mầm non.

Cùng với đó, việc các công ty phát triển hạ tầng phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng KCN - KCX nhằm đảm bảo việc xây dựng công trình tiện ích phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được quy hoạch luôn mất thời gian khá dài, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, xây dựng dự án.

Các KCN-KCX trên địa bàn TP.HCM cần đẩy mạnh việc xây dựng trường học cho con công nhân.

Đặc biệt, nhiều KCN-KCX hiện hữu đã tận dụng tối đa quỹ đất có thể khai thác, môi trường không có mảng cây xanh, hoặc có khoảng cách xa với công trình, dẫn đến việc khó đảm bảo về chăm sóc sức khỏe trẻ em, không đủ điều kiện để lập dự án xây dựng trường mầm non, diện tích đất không đủ xây dựng trường chuẩn. Trong khi đó, địa bàn có KCN-KCX dân số cơ học tăng nhanh và luôn biến động, chủ yếu là dân nhập cư nên nhu cầu gửi trẻ ở từ 6 tháng tuổi là rất cao.

Mặt khác, đặc thù công việc của giáo viên mầm non phải năng động, nhanh nhẹn, có sức khỏe để tổ chức linh hoạt các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ trong khi việc áp dụng tuổi hưu đối với giáo viên mầm non ở mức 60 tuổi là chưa phù hợp với thực tế. Thực tế việc giáo viên mầm non khi ở độ tuổi ngoài 50 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy trẻ, nhất là trong hoạt động dạy hát múa.

Từ thực tiễn nêu trên, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất, điều chỉnh Nghị định số 46/2017 về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể bổ sung Điều 3 Khoản 1 Nghị định này theo hướng bổ sung, hướng dẫn thủ tục giải quyết các trường hợp chuyển địa điểm, chuyển chủ trường, chủ các nhóm lớp theo nhu cầu thực tế phát sinh trong quá trình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Đồng thời, điều chỉnh Điều 5 Khoản 2 điểm a và Khoản 3 của Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT do chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể là quy định: "Trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 20 nhóm, lớp”; “Diện tích khu đất xây dựng trường, điểm trường được xác định trên cơ sở số nhóm, lớp, số trẻ em với bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em; đối với các đô thị miền núi, khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế cho phép bình quân tối thiểu 10m2 cho một trẻ em”.

Ngoài ra Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đề xuất một số giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư xây dựng trường mầm non phục vụ con công nhân lao động trong các KCN-KCX hiện hữu bằng chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế cho doanh nghiệp. Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội tại các KCN-KCX đặc biệt là trường mầm non; lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện đền bù, giải tỏa; lập, phê duyệt dự án và đầu tư xây dựng các khu đô thị dân cư liền kề hỗ trợ khu công nghiệp mới trước khi đưa khu công nghiệp vào hoạt động.

Cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu đô thị liền kề phục vụ KCN-KCX; ưu tiên tạo quỹ đất sạch chưa khai thác để đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội đủ tiêu chuẩn, trong đó ưu tiên xây dựng nhà lưu trú công nhân và trường mầm non để đáp ứng nhu cầu của công nhân. Đồng thời các KCN-KCX trên địa bàn TP.HCM, trong quá trình phát triển, mở rộng quy mô phải có trách nhiệm đầu tư quỹ đất xây dựng khu lưu trú, tạo chỗ ở ổn định cho công nhân và phải dành quỹ đất để xây dựng trường học cho con em công nhân.

Nhiều chính sách phát triển giáo dục mầm non tại KCN
TP.HCM hiện có 16 KCN-KCX đang hoạt động. Tại đây, tính đến cuối năm học 2022 - 2023 có 776 trường mầm non, 1.777 nhóm, lớp độc lập tư thục, 8.563 lớp học với 142.353 trẻ. Thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có KCN. Cụ thể, từ năm 2015 Ủy ban nhân dân TP.HCM thực hiện đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN-KCX đến năm 2020", qua đó hỗ trợ cho 51 nhóm trẻ với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
Cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có KCN-KCX được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần gồm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT, kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em với mức hỗ trợ tối thiểu 20 triệu đồng và mức cao nhất 50 triệu đồng đối với 1 cơ sở, qua đó đã hỗ trợ cho 57 cơ sở giáo dục mầm non độc lập với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Về chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN, TP.HCM đã hỗ trợ cho 5.838 trẻ với số tiền trợ cấp hơn 3,8 tỷ đồng; hỗ trợ cho 212 giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN với số tiền hơn 870 triệu đồng...