Phát triển công nghiệp văn hóa, VN đã nỗ lực thực hiện Công ước UNESCO
Hội thảo diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, một không gian văn hóa sáng tạo của Thủ đô. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chiến lược quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước 2005 của UNESCO (Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa).
Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh thông tin trên tại Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá 2016-2021” diễn ra ngày 12/9 tại Bảo tàng Hà Nội.
Theo ông, chiến lược này của Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội với phát triển văn hóa, tập trung vào các giá trị kinh tế của sáng tạo văn hóa-nghệ thuật, chú ý đến sự đa dạng trong sáng tạo của các cá nhân, nhóm và cộng đồng.
Ông Manhart cho rằng phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng GDP thông qua việc tạo việc làm và mở cửa thị trường mới. Việt Nam sẽ thành công nếu huy động đúng mức các nguồn lực văn hóa, vốn tri thức, công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, hấp dẫn.
Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Thực tế, Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Kể từ đó, Hà Nội dẫn đầu sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa, tích cực sử dụng mạng lưới này để giao lưu và hợp tác quốc tế.
“Chúng tôi cũng rất vui khi các thành phố khác ở Việt Nam đang trong quá trình đăng ký trở thành thành viên của mạng lưới. Tôi tin rằng nền tảng quốc tế này sẽ góp phần to lớn vào sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa tại Việt Nam,” ông Manhart nói.
Nhìn lại quá trình 5 năm thực hiện công nghiệp văn hóa, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng các ngành công nghiệp văn hóa vừa trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế- xã hội, vừa góp phần tạo nên động lực cho sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế như Công ước UNESCO chẳng hạn.
“Ngành công nghiệp văn hóa chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa và hiện đại hóa đất nước; là công cụ hữu hiệu cho tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến văn hóa trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa và cạnh tranh văn hóa trên thế giới hiện nay, công nghiệp văn hóa đang tạo ra một sức mạnh văn hóa mới cho mỗi quốc gia,” bà Phương khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt hội thảo này là dịp nhìn lại những nỗ lực không ngừng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong quá trình xây dựng công nghiệp văn hóa suốt 5 năm qua.
Ông kỳ vọng rằng hội thảo sẽ là mốc đánh dấu một bước chuyển mới về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, thời điểm các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm, trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững./.
Ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định mục tiêu là đến năm 2020, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP.
Đến năm 2018, các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo Việt Nam đã nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 7,465 tỷ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước.