1. Trang chủ /
  2. PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ CỦA HÀ NỘI: Đảm bảo có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ CỦA HÀ NỘI: Đảm bảo có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội

thứ ba, 6/9/2022 10:07 GMT+07
(PLM) - Vừa qua, Bộ Tư pháp phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì Hội thảo.

Báo cáo tại Hội thảo cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; thời gian qua các cấp, các ngành của TP Hà Nội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện Luật Thủ đô, nghiên cứu, đề xuất các chính sách để xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu mới trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

Trong 9 chính sách, giải pháp đánh giá tác động xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), cơ chế, chính sách về phát triển đô thị có ý nghĩa quan trọng nhằm cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử theo hướng bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống. Phát triển nhà ở mới và xây dựng lại chung cư cũ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây mới, hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, phát triển các đô thị vệ tinh, đô thị định hướng giao thông, các khu công nghiệp, khu thương mại để phát triển kinh tế và đô thị, tạo điều kiện thực hiện tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử.

Để triển khai chính sách trên, một giải pháp được lựa chọn là thành phố được chủ động ban hành thêm một số biện pháp nhằm phát huy hiệu quả công tác về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn nội đô lịch sử và phát triển nhà ở; thành phố được quy định cơ chế, biện pháp thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển đô thị. Bao gồm: cơ chế và biện pháp hợp tác, khuyến khích, hỗ trợ người dân tự đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà ở tại các phố cổ, phố cũ; Cơ chế chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư với người dân có đất phải thu hồi được bảo đảm về việc làm, có điều kiện sống tốt hơn, hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, thành phố mới; Cơ chế và biện pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển đô thị; Cơ chế và biện pháp để huy động các nhà đầu tư tư nhân đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển đô thị, thương mại và công nghiệp tại các khu vực đầu mối giao thông và hai bên tuyến đường giao thông.

Thành phố chủ động ban hành quy định riêng về bảng giá đất, phương pháp định giá đất phù hợp điều kiện phát triển hạ tầng, phát triển đô thị Thủ đô và sát với giá thị trường. Thành phố được quy định vùng phát thải thấp phù hợp với điều kiện của Thủ đô.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia nhà khoa học phân tích, trao đổi về một số vấn đề lớn như: Chính sách và giải pháp về bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử; chính sách và giải pháp cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử; chính sách và giải pháp về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, người dân được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, thành phố mới, cơ chế và biện pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển đô thị; quy định về quản lý không gian ngầm, biện pháp khuyến khích đầu tư, khai thác không gian ngầm…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng các chính sách, cơ chế nêu trên nếu được triển khai với một thể chế đồng bộ sẽ góp phần xử lý tốt các vấn đề đặt ra tại Thủ đô.

Cho rằng Luật Thủ đô hiện hành còn chưa thể hiện tính đặc thù của Hà Nội và chưa đảm bảo tính khả thi, Thứ trưởng cho rằng, Luật sửa đổi cần có các biện pháp đặc thù đủ mạnh, tính khả thi cao để tiếp tục phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Đề nghị các đơn vị liên quan tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu tiếp thu thấu đáo các ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia để phục vụ cho việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô, chuẩn bị hồ sơ xây dựng đề nghị Luật Thủ đô sửa đổi và chuẩn bị dự thảo Luật sửa đổi theo hướng đảm bảo có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, xứng đáng vị thế vai trò Thủ đô ngàn năm văn hiến.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 249 ra ngày 6/9/2022)