Phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được truyền hình trực tiếp
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XV.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội là 21 ngày (khai mạc ngày 20/10, bế mạc ngày 15/11).
Ngoài những nội dung phát thanh, truyền hình trực tiếp theo quy định và thông lệ, đề nghị vẫn giữ bố trí truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường về các dự án: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do 3 nội dung này đã được truyền hình trực tiếp tại Kỳ họp thứ 3.
Bố trí thảo luận ở tổ và hội trường về Nghị quyết số 54/2017/QH14; Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức cùng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Về công tác lập pháp, ông Cường cho biết dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 4, Quốc hội xem xét thông qua 7 dự án Luật, 4 dự thảo Nghị quyết, bao gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Quốc hội xem xét, cho ý kiến 7 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi, cho ý kiến lần 1); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Cụ thể, Quốc hội xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH.
Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022.
Ngoài ra, Quốc hội xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4; Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3.
Tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021"; xem xét công tác nhân sự.