Phim truyền hình Việt đang 'sa đà' vào đề tài ngoại tình?
“Người thứ ba” chiếm sóng truyền hình
Thời gian gần đây, trên các diễn đàn về phim ảnh, khán giả liên tục đưa ra nhận xét rằng, phim truyền hình Việt hiện nay đang bắt đầu gây nhàm chán, thậm chí khiến khán giả mệt mỏi khi khai thác của mức đề tài “người thứ ba”. Hầu như phim nào cũng vậy, dù đề tài tình yêu, gia đình hay hình sự, các nghề nghiệp, thương trường... cũng cố gắng cho thêm vài chi tiết ngoại tình, dường như để thu hút thêm sự chú ý của khán giả.
Như phim “Chúng ta của 8 năm sau” đang được quan tâm gần đây, tần suất chuyện ngoại tình, vụng trộm rất nhiều. Cặp đôi Tùng và Anh Thu không chỉ có những hành động ngoại tình kéo dài nhiều năm, mà còn đưa ra những “triết lý” về chuyện “ăn vụng” hết sức gây phẫn nộ: “Thích đi với ai thì đi, ràng buộc làm gì cho mệt mỏi. Vừa mắt thì ngủ, gặp dịp thì chơi”, “Vụng trộm cũng có luật vụng trộm”...
Phim “Tình trạng đã ly hôn”, nhân vật “người thứ ba” trong phim cũng gây bức xúc cho khán giả vì hành vi ngoại tình và thái độ quá đáng với vợ của tình nhân khi bị bắt quả tang. Phim “Yêu trước ngày cưới” thì phản ánh chuyện hai người trẻ đều đã “có nơi có chỗ” nhưng lại thích cảm giác vụng trộm, thích chuyện tình một đêm. Trong khi đó, bộ phim “Đánh cắp số phận” lại khai thác một khía cạnh “người thứ ba” hết sức éo le, đáng ngại, đó là chuyện em gái ruột lăm le phá hoại hạnh phúc vợ chồng chị gái.
Có những bộ phim mà đề tài chỉ khai thác chuyện ngoại tình, như phim “Mưa bóng mây”, kể về câu chuyện éo le người vợ bị chồng phản bội, khiến cô bị sang chấn tâm lý, phải đi điều trị. Những tưởng sau khi vượt qua được cú sốc, người phụ nữ ấy sẽ mạnh mẽ đứng lên, kiêu hãnh làm lại, hoặc hàn gắn tổ ấm, nhưng không, cô lại chọn cách... ngoại tình để trả thù người chồng. Chuyện ngoại tình còn liên tiếp xuất hiện trong các bộ phim như “Blog nàng dâu”, “Tình khúc Bạch dương”, “Chạy trốn thanh xuân”...
Lê Hà Vy, nhân viên marketing, admin một group (nhóm trên mạng xã hội Facebook) về phim ảnh chia sẻ: “Tôi rất hứng thú với phim truyền hình Việt, một phần là ủng hộ phim nước nhà, phần khác phục vụ cho công việc của mình, tìm đề tài sáng tạo kịch bản quảng cáo và viết các bài phân tích trên các group. Thế nhưng, tầm 2 năm gần đây, tôi thấy đề tài ngoại tình bị khai thác quá nhiều đến ngán ngẩm. Đề tài này đã xuất hiện dày đặc trên các phim ngắn, MV, clip từ Trung Quốc, Thái Lan cho đến trong nước, nay lại xuất hiện cả trên truyền hình với tần suất cao, không tránh khỏi khán giả “ăn hoài một món” cũng đâm chán. Trong khi đó, còn rất nhiều đề tài hay có thể khai thác nhưng dường như các nhà làm phim Việt đang chọn lối mòn, đường dễ đi hơn”.
Nhiều cảnh nóng và bi kịch
Bên cạnh đề tài ngoại tình gây nhàm chán, thì những tình tiết éo le quá mức, những cảnh nóng không cần thiết cũng là điều khiến nhiều khán giả chưa đồng tình ở phim truyền hình trong nước hiện nay. Cảnh nóng trong phim thường là cảnh ân ái giữa những cặp vợ chồng trẻ hoặc những mối quan hệ ngoài luồng “nóng bỏng”. Dường như, cảnh nóng được các nhà làm phim dùng để “minh họa” cho các mối quan hệ, hoặc rời rạc, giả dối giữa vợ chồng, hoặc say đắm với “cảm giác lạ” khi đi “ăn vụng”. Có nhiều cảnh nóng thậm chí xuất hiện mà khán giả không biết để làm gì, vì nó dường như chỉ có lý do là... “câu khách”, chứ không giúp làm rõ cho nội dung phim hay đào sâu vào tính cách, hành xử của nhân vật.
Cạnh đó, các tình tiết éo le quá mức cũng khiến nhiều khán giả cảm thấy phim đang “kịch hóa”, các câu chuyện xa rời đời thường. Những con người lựa chọn một mối quan hệ ngoài luồng trong khi hạnh phúc đích thực hiển hiện trước mắt, những màn trả thù qua lại giữa những người từng yêu nhau say đắm, hay những mối quan hệ đan cài rối rắm, những hành xử quá mức phức tạp khi xử lý các vấn đề ngỡ đơn giản... cũng thể hiện phần nào sự “non tay” khi xử lý của biên kịch và nhà làm phim.
Nhìn sang phim truyền hình của nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc..., giờ đây, họ không còn dừng chân mãi ở những câu chuyện đầy éo le, lấy nước mắt nữa mà đã có những bước phát triển rất tốt về mặt nội dung. Ở mảng gia đình, truyền hình các nước đang chú trọng đề cao giá trị gia đình, các mối quan hệ cảm động giữa cha mẹ - con cái, giữa anh chị em với nhau. Các bộ phim nữ quyền - phụ nữ vượt qua định kiến và hoàn cảnh gian khó để lập nghiệp, thành công trong thương trường, chính trường cũng là đề tài nổi trội của nhiều nước. Hàn Quốc cũng đang rất thành công ở mảng phim truyền hình khi khai thác các đề tài nóng bỏng trong xã hội như bạo lực học đường, bạo lực mạng, tội phạm vị thành niên... hoặc khai thác các nghề nghiệp thú vị như cảnh sát, bác sĩ, cứu hỏa, luật sư, thẩm phán...
Thực tế, còn rất nhiều khía cạnh hay, tốt đẹp trong đề tài gia đình. Cũng còn rất nhiều mảng đề tài sâu sát cuộc sống thường nhật mà lên phim có thể rất hấp dẫn với người xem. Thiết nghĩ, các nhà làm phim Việt nên tự “đánh thức” mình khỏi câu chuyện luẩn quẩn tiêu cực về tình tay ba đang dần dà cũ đi, để đem “hơi thở” cuộc sống vào trong phim. Bởi một bộ phim truyền hình làm ra không phải chỉ cần đạt mục tiêu về số lượng người xem, mà quan trọng hơn hết là đem lại giá trị gì cho khán giả, để lại ý nghĩa tồn tại nào cho kho tàng điện ảnh Việt.