1. Trang chủ /
  2. Phó Cục trưởng Bộ Công Thương nói về rủi ro "đến mùa lại chở nông sản lên biên giới"

Phó Cục trưởng Bộ Công Thương nói về rủi ro "đến mùa lại chở nông sản lên biên giới"

thứ hai, 24/1/2022 00:09 GMT+07
(PLM) - Sau nhiều ngày căng thẳng ở cửa khẩu với hàng nghìn xe nông sản ùn ứ chờ thông quan, chính quyền địa phương các tỉnh biên giới đã đồng loạt thông báo “dừng nhận xe chở hàng lên cửa khẩu”. Hàng ngàn tấn nông sản tới vụ sẽ phải đi bằng đường nào khi “con đường huyết mạch” đóng lại ngay trước thềm Tết Nguyên đán?

Xuất khẩu tiểu ngạch như bán hàng ở... chợ

Câu chuyện kêu gọi khẩn trương chuyển xuất khẩu (XK) nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch đã được Bộ Công Thương nói đến từ khoảng vài năm nay. Hàng năm, vào mỗi đợt ùn ứ nông sản hoặc kêu gọi “giải cứu”, “xuất chính ngạch” lại được nhắc đến. Nhưng vì sao một phương thức được khuyến cáo nhiều năm vẫn chưa “thông” được đến đội ngũ tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh XK nông sản?

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, đến nay, Trung Quốc mới chỉ chính thức cho phép nhập khẩu 9 loại trái cây của Việt Nam gồm xoài, mít, thanh long, chuối, chôm chôm, vải, nhãn, dưa hấu, măng cụt. Tức là chỉ 9 loại trái cây này mới được nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Còn những loại không có tên ở trên, trong đó có những loại mà Việt Nam rất dồi dào, như sầu riêng, vú sữa, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, khoai lang... buộc phải đi đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu phụ. Đó là một trong những lý do XK tiểu ngạch vẫn là sự lựa chọn của nhiều vựa trái cây lớn trong nước.

Ngoài ra, do đặc điểm sản xuất của Việt Nam, trái cây XK qua Trung Quốc chủ yếu là dưa hấu, thanh long, xoài, mít, vú sữa, sầu riêng... đều là những thứ quả trồng ở các tỉnh từ Quảng Nam trở vào. Các loại trái cây này đều trồng ở các hộ gia đình, nhà vườn, sau đó thuê xe chở lên biên giới, hoặc là bán cho thương lái thu gom và chở lên biên giới.

“Gọi là XK nhưng hình thức bán hàng cũng giống như ở các chợ ở Việt Nam hiện nay. Bởi thương lái của mình chỉ biết lái xe lên biên giới nhưng không biết người mua hàng bên kia biên giới là ai. Ví dụ, một xe chở dưa hấu khi sang đến Pò Chài (qua cửa khẩu phụ Tân Thanh) sẽ được thương lái Trung Quốc đến xem, mặc cả, lựa ra những quả còn tốt thì lấy, quả nào thối thì vứt lại. Đó là cách mua bán bấp bênh và có khá nhiều rủi ro”, ông Hải giải thích.

Ngoài ra, xuất hàng qua các cửa khẩu phụ, lối mở (bên Trung Quốc gọi là cặp chợ biên giới) chỉ là hình thức thương mại trao đổi dạng cư dân biên giới, do chính quyền địa phương bên kia biên giới quản lý, không phải do Trung ương quản lý như cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính nên chính sách có thể thay đổi bất thường.

Trên thực tế, Trung Quốc cũng có chính sách thu hẹp tiểu ngạch. Trong thời gian qua phía Trung Quốc đã đóng nhiều lối mở, thậm chí xây hàng rào dọc đường biên để hạn chế cư dân qua lại, buôn bán.

Hiện, Trung Quốc mới chỉ chính thức cho phép nhập khẩu 9 loại trái cây của Việt Nam, trong đó có dưa hấu.


Nông sản cần “tập bơi”!

Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, chuối hiện là mặt hàng có sản lượng và XK nhiều chỉ sau thanh long, nhưng đến nay chưa có vấn đề gì liên quan đến việc “giải cứu” hay ùn ứ chuối. Theo ông Hải, nguyên nhân là do chuối hiện nay được XK đi khá nhiều thị trường, không chỉ riêng Trung Quốc và đa số đều đi bằng đường biển.

Đối với các loại quả đã được XK chính ngạch sang Trung Quốc nhưng vẫn gặp phải tình trạng “trả giá, lựa chọn” cũng là do tư duy theo lối mòn của người nông dân và thương lái. Cứ tới vụ là mang hàng lên biên giới mà không nghĩ đến những chuyện rủi ro nếu không có đối tác, không có hợp đồng sẵn.

Hơn nữa, Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính. Nông sản xuất sang Trung Quốc, dù đi đường bộ, đường biển hay đường sắt cũng đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc (có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói). Lệnh 248 và 249 mà Trung Quốc đưa ra hồi tháng 10/2021 và có hiệu lực từ 1/1/2022 đặt ra thêm quy định về đăng ký doanh nghiệp và mặt hàng XK vào Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, những quy định mới này chủ yếu tác động đến XK theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (XK tiểu ngạch). Bởi thực tế hiện nay, XK sang Trung Quốc ở khu vực biên giới phía Bắc là chủ yếu XK không chính ngạch với “những hợp đồng bằng miệng”, không tuân theo một quy chuẩn, quy tắc nào. Tới đây, nếu không có tên trong danh sách của phía Trung Quốc, sẽ không thể xuất hàng sang nước này, dù bằng hình thức tiểu ngạch.

Do đó, đây chính là thời điểm để cả chuỗi sản xuất kinh doanh XK nông sản thay đổi toàn diện, phải làm ăn quy củ hơn, ngay từ khâu sản xuất, thương mại cho đến logistics. Chuyển sang chính ngạch sẽ phải mất thời gian, công sức, nhưng đó là cách làm bền vững, lâu dài. “Nói một cách hài hước thì thay vì chạy (bằng đường) bộ, nông sản Việt Nam cần phải “tập bơi” - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng để có thể đi qua mọi con đường chinh phục thị trường 1,4 tỷ dân mà chúng ta có lợi thế ở liền kề” - ông Hải nói.

Nhật Thu