1. Trang chủ /
  2. Phong tục Việt - hiểu để kế thừa và phát triển

Phong tục Việt - hiểu để kế thừa và phát triển

chủ nhật, 18/9/2022 10:34 GMT+07
Phong tục dân gian Việt Nam là sự kết tinh đa dạng hàng thế kỷ lịch sử từ trong cộng đồng. Nhưng cuộc sống luôn biến động, phát triển khiến cho phong tục cũng cần phải mang hơi thở của thời đại và phù hợp với mọi người dân.

 Hiểu đúng về phong tục và tập quán

Ngày nay người Việt có thể di chuyển, thay đổi nơi ở khắp nơi hoặc tại cả các quốc gia khác nhau. Tại những nơi này, mỗi người phải thích nghi với cuộc sống và cộng đồng bản xứ. Nhưng bản sắc truyền thống gắn với huyết thống và những bản sắc truyền thụ qua nhiều thế hệ ông cha vẫn có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Một trong những giá trị đó là phong tục, tập quán của người Việt.

Phong tục là khái niệm gọi chung cho các nghi thức hoặc nền nếp, hành vi của con người được hình thành từ trong đời sống dân gian và được cộng đồng thừa nhận để áp dụng thường xuyên, truyền thụ lại qua các thế hệ. Phong tục được gắn với tính dân gian hoặc truyền thống của cộng đồng đã có lịch sử rất lâu đời. Phong tục truyền thống là bản sắc văn hóa – xã hội đặc trưng của mỗi cộng đồng, được kế thừa và phát triển. Những phong tục cổ nếu không còn phù hợp hoặc trái với quy chuẩn tiến bộ của xã hội đương thời thì bị gọi là “hủ tục” và cần phải ngừng áp dụng.

Tập quán là khái niệm gọi chung cho các thói quen hành vi của cộng đồng người và cả các loài vật sống theo bầy đàn. Tập quán cũng hình thành từ cuộc sống gắn khu vực cư trú, giống loài và lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ nhưng chưa hoặc không được cộng đồng thừa nhận như phong tục. Tập quán thường gắn với điều kiện và môi trường sống, bối cảnh, quan hệ trong cộng đồng mà nó được hình thành nên có thể thay đổi khi những yếu tố trên thay đổi. Ví dụ tập quán di cư của một số loài chim, tập quán du canh du cư của một số dân tộc thiểu số ở vùng núi cao.

Cả hai khái niệm trên đều gắn với từng cộng đồng nhất định. Mọi thành viên đều tự nguyện áp dụng, như là một cách tôn trọng cộng đồng nếu không muốn bị các thành viên khác loại bỏ khỏi cộng đồng.

Nhưng cần phải hiểu phong tục và tập quán không phải là pháp luật để bắt buộc phải tuân thủ. Nếu có nội dung không trái với pháp luật thì vẫn được cộng đồng thừa nhận và áp dụng ngay cả khi pháp luật chưa có quy định cụ thể. Dựa trên nền Bộ luật Dân sự của Pháp (ban hành năm 1804) đến Bộ luật Dân sự Bắc kỳ (tức Bộ Dân luật, ban hành năm 1831) đến Bộ luật Dân sự Trung kỳ (tức Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật, ban hành năm 1936) đều đề cập đến khái niệm và công nhận giá trị của phong tục của người Việt.

Bộ luật Dân sự hiện hành (năm 2015) ghi nhận nguyên tắc và có nhiều điều khoản khác khẳng định vai trò của tập quán như: áp dụng tập quán điều chỉnh quan hệ nhân thân; áp dụng tập quán trong vấn đề xác lập quyền sở hữu chung, hình thành, quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung của cộng đồng; áp dụng tập quán trong một số vấn đề liên quan đến giao dịch dân sự; áp dụng tập quán xác định nghĩa vụ dân sự; vấn đề tập quán quốc tế. Việc áp dụng tập quán với tư cách là một loại nguồn của pháp luật ở Việt Nam là một cơ sở pháp lý tương đối rộng và bên cạnh nhiều quy định mang tính nguyên tắc, đã có nhiều trường hợp được cụ thể hóa. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, Bộ luật Dân sự của Việt Nam chưa đề cập đến “phong tục” là thiếu sót. Nhưng theo quan điểm khác thì phong tục là thói quen sinh hoạt và cách sống lâu ngày đã ăn sâu vào đời sống xã hội hay toàn bộ hoạt động sống của con người hình thành trong tiến trình lịch sử, có tính ổn định, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được cộng đồng thừa nhận và tuân theo một cách tự giác. Phong tục trở thành tập quán xã hội tương đối bền vững, phản ánh tính thống nhất của cộng đồng và những đặc trưng của cộng đồng.

Để phong tục Việt mãi lưu truyền

Phong tục thường được truyền lại cho các thế hệ sau thông qua ca dao, tục ngữ, hò vè truyền khẩu trong dân gian hoặc ghi chép lại trên bia đá hoặc văn bản cổ được cả cộng đồng và chính quyền công nhận. Những phong tục tiêu biểu thường còn được tái hiện lại bằng các tiết mục trong lễ hội truyền thống như một cách để lưu truyền trực quan nhất.

Hàn lâm điển tịch Đoàn Duy Bình (1873-1931).

Tại Việt Nam, trong thời kỳ chuyển tiếp từ xã hội phong kiến sang xã hội thuộc địa chịu ảnh hưởng của phương Tây, để phong tục của người Việt có thể truyền dạy cho các thế hệ sau tránh sự quên lãng và ảnh hưởng lai căng dẫn đến đánh mất bản sắc truyền thống đã có tuyển tập “Gương phong tục” viết bằng chữ Hán đã được đăng liên tục trên Đông Dương Tạp Chí (tạp chí bằng tiếng Việt đầu tiên được xuất bản hàng tuần tại Hà Nội) trong 2 năm 1916 - 1917 (từ số 59 đến 104). Đây là nghiên cứu hoàn thành năm 1914 của tác giả Đoàn Duy Bình (1873 - 1931) từng giữ chức Hàn lâm điển tịch (lo việc tập hợp tư liệu cho quốc gia) thuộc Viện Hàn lâm của triều đình nhà Nguyễn. Ngay trong bài tựa của tác giả đã ghi: “Thiên hạ mỗi nước có một phong tục, mà trong nước cũng mỗi nơi có một phong tục”, “Xưa kia ta chỉ có sách học quốc phong của Tàu, chưa ai chép đến sách này”, “Từ khi có lối học mới, ta mới biết cái thói tục của mình là sự cần hơn”.

Tuyển tập “Gương phong tục” đã lần đầu được xuất bản với dạng sách in vào năm 2020 dựa theo chuyển ngữ văn xuôi của học giả Trần Văn Giáp (năm 1938) và nhà giáo Đoàn Thịnh (năm 2019). Cuốn sách này chọn lựa, phân định các phong tục tiêu biểu của người Việt theo từng chủ đề cuộc sống và còn được diễn giải nội dung, ý nghĩa cho mọi người dân đều có thể hiểu rõ để vận dụng. Nhiều phong tục được đề cập vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Đó là các nội dung về luân lý (huyết thống, đạo lý vợ chồng, thầy trò…), nhân phẩm (bản tính, hành xử…), nhân sự (học hành, nhân duyên, sản xuất, buôn bán, ăn mặc...), lời lẽ và thói quen hành xử (thói đời), tình cảm và tín ngưỡng, quan hệ quan với người dân của chính quyền,...

Tuyển tập “Gương phong tục” để giúp các thế hệ người Việt cập nhật và nhân rộng hơn nữa các giá truyền thống. Nói về tác giả cuốn sách, Đoàn Duy Bình là hiệu trưởng của trường dạy bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam dành cho con em thường dân tại chính quê nhà của ông (nhà nay là thôn Hữu Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ngôi trường do hai cha con ông thành lập năm 1906 mang tên Tràng học Hữu Thanh Oai (sau thành Tả Thanh Oai Tổng trường). 

Cha của Đoàn Duy Bình là Đoàn Triển (1854 - 1919) từng giữ chức Trực học sĩ đứng hàng đầu trong 13 bậc quan thuộc Viện Hàn lâm và nhiều chức vụ quan trọng khác, cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Tiểu học Bản quốc phong tục sách” công bố năm 1908 (sau này được gọi là “An Nam phong tục sách”). Tác phẩm viết bằng chữ Hán như một cuốn sách giáo khoa dành cho bậc tiểu học truyền dạy về phong tục, tập quán của người Việt, góp phần giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, nhắc lại những nét đẹp trong phong tục dân tộc để thích nghi với xã hội biến chuyển không ngừng.

Làm giàu thêm phong tục và tập quán tốt đẹp của người Việt

Cuộc sống ở Việt Nam và thế giới đã và đang có nhiều biến đổi. Do đó, xung quanh việc áp dụng các phong tục, tập quán có từ trước đó vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ngoài ra, cũng có không ít lối sống đương đại cũng có thể trở thành phong tục trong tương lai.

Như ví dụ mỗi năm các trường học ở Việt Nam đều có nghi thức là đánh trống khai trường trong dịp khai giảng năm học. Đa số các nơi đang tự áp dụng theo hiệu lệnh trống xuất quân ba hồi chín tiếng ngoài trận chiến từ xưa vào việc này. Rất khó để có thể giải thích cho học sinh từ lớp Một về phong tục đánh trống khai trường phải như thế nào mới đúng, khi trên thực tế nghi thức này đến nay chưa hề có hướng dẫn chuẩn hóa.

Hay ở một khía cạnh khác, cuộc sống hiện đại đã được hình thành thêm một loại hình cộng đồng mới nhưng lại rất đông đảo và phổ biến, đó là cộng đồng mạng (hình thành từ những người sử dụng các mạng xã hội). Hiện nay một bộ phận không nhỏ thành viên cộng đồng mạng người Việt Nam bị thế giới đánh giá rất kém về hành cư xử, giao tiếp trong cộng đồng này. Điều đáng lo ngại là những hành vi thiếu văn hóa của những người này đang lặp đi lặp lại giống như một dạng tập quán mới, thậm chí còn “lan truyền ngược” từ thế hệ sau (giới trẻ) tới thế hệ trước. Do dố, để giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp cho người Việt hiện đại thì cần phải quan tâm đến đời sống trực tuyến trên mạng internet trước khi quá muộn.

Thiết nghĩ, không có gì bằng tự học, tự trau dồi, mỗi người Việt Nam nên nhìn hoặc đọc lại bản sắc truyền thống qua phong tục hoặc tập quán của dân tộc để có những điều chỉnh hợp lý cho chính mình và đặc biệt là truyền lại cho các thế hệ mai sau. Đây không phải là việc chỉ trong ngày một, ngày hai mà cần truyền thụ qua nhiều thế hệ.

Chúng ta nên chiêm nghiệm lại lời giới thiệu của tuyển tập “Gương phong tục” do Tuần phủ tỉnh Thái Bình Phạm Văn Thụ (1866 - 1930) đã viết năm 1914: “Khắp mặt địa cầu mỗi nước có riêng một thứ văn minh, mỗi xứ cũng có riêng một thứ phong tục. Muốn biết cái cốt tử văn minh trong một nước, trước hết phải xem xét cái tinh thần phong tục”.