Phụ huynh kêu toán phổ thông quá khó, chuyên gia một người một ý
Ngày 19/3, tại ngày Hội tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội, một phụ huynh chia sẻ, sau khi nghiên cứu kỹ chương trình toán của con ở bậc THPT, vị phụ huynh này cho rằng, có những phần kiến thức quá hàn lâm như tích phân, đạo hàm không phù hợp với học sinh phổ thông.
Ông thắc mắc không biết những kiến thức hàn lâm đó có cần thiết để sinh viên học ở bậc đại học hay không? Nếu không thì ông không hiểu con phải học những kiến thức hàn lâm đó để làm gì.
Trước ý kiến trên, ông Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ quan điểm: "Chủ đề học tích phân, đạo hàm để làm gì đã tranh luận khá nhiều. Chúng ta nói môn toán của Việt Nam nặng nhưng chưa ăn thua gì so với các trường kỹ thuật của Đức, Pháp”.
Ông Điền chia sẻ, bản thân ông làm việc ở chuyên ngành cơ điện tử, điều khiển robot dùng toán rất nhiều nhưng dưới dạng lập trình.
Nếu không trải qua các bài toán thì không thể đạt đến trình độ cao trong khoa học kỹ thuật. Vì tất cả đều lập trình trên phương trình vi phân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Khánh - Phó hiệu trưởng Trường đại học Phenika bày tỏ: Tùy theo mỗi ngành đào tạo sẽ có đòi hỏi khác nhau về kiến thức nền. Ví dụ cũng là toán nhưng mỗi ngành đòi hỏi khác nhau.
Ở một số trường nước ngoài khi xây dựng chương trình sẽ xây dựng chương trình môn toán theo các ngành khác nhau, phù hợp với yêu cầu đào tạo. Trong đó có ngành kiến thức toán khá nhẹ, có ngành lại yêu cầu cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội - có một thông tin thú vị là trường đào tạo đến 10 ngành ngôn ngữ và các ngành này không yêu cầu sinh viên phải học toán.