1. Trang chủ /
  2. Phụ huynh không phải ngược xuôi xin xác nhận cư trú cho con chuyển cấp

Phụ huynh không phải ngược xuôi xin xác nhận cư trú cho con chuyển cấp

thứ năm, 16/3/2023 11:10 GMT+07
Trước tình trạng nhiều phụ huynh ở Hà Nội gặp khó khăn khi xin giấy xác nhận cư trú để chuẩn bị cho con chuyển cấp, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị dừng rà soát, cập nhật dữ liệu tuyển sinh đầu cấp, không bắt phụ huynh xin xác nhận cư trú cho con. Ảnh minh họa Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị dừng rà soát, cập nhật dữ liệu tuyển sinh đầu cấp, không bắt phụ huynh xin xác nhận cư trú cho con. Ảnh minh họa

Là một phụ huynh có con năm nay thi vào lớp 10, chị Đỗ An Nhiên (sống tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mấy ngày trước chị đã phải xin nghỉ làm để tới trụ sở công an xin giấy xác nhận thông tin về cư trú cho con.

Theo chị Nhiên, việc phụ huynh phải liên hệ công an nơi cư trú đề hoàn thiện hồ sơ cho con rất vất vả, mất nhiều thời gian bởi hiện tại không còn sử dụng sổ hộ khẩu giấy. Những năm trước đây, chỉ cần bản sao sổ hộ khẩu giấy là có thể chứng minh được học sinh đang ở trên địa bàn, việc hoàn thiện hồ sơ để nộp cho nhà trường không phức tạp như hiện nay.

Không riêng gì chị Nhiên mà mấy ngày qua, tình trạng phụ huynh phải ngồi chờ ở công an phường để xin giấy xác nhận cư trú cho con thi chuyển cấp đã gây không ít phiền hà cho phụ huynh.

Trước phản ánh của phụ huynh, mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã về việc tạm dừng công văn yêu cầu phụ huynh xác nhận cư trú cho học sinh chuyển cấp. Văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc chấn chỉnh các quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Phụ huynh không phải ngược xuôi xin xác nhận cư trú cho con chuyển cấp - Ảnh 2.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị dừng rà soát, cập nhật dữ liệu tuyển sinh đầu cấp, không bắt phụ huynh xin xác nhận cư trú cho con. Ảnh minh họa

Cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị trưởng phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tạm dừng thực hiện Công văn 598/SGDĐT- QLT, ngày 7/3 của sở này về việc rà soát, cập nhật dữ liệu, thông tin của học sinh mầm non 5 tuổi, lớp 5 và lớp 9 năm học 2022-2023 trên cơ sở dữ liệu ngành cho đến khi có hướng dẫn mới.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành Công văn 598 nêu rõ có nhiều hình thức để người dân có thể lấy giấy tờ, tài liệu xác nhận thông tin về nơi cư trú thay thế sổ hộ khẩu giấy để phục vụ công tác tuyển sinh. Cụ thể, giấy xác nhận thông tin cư trú theo mẫu, thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chip (nếu đơn vị có thiết bị đọc mã QR Code hoặc thiết bị đọc thông tin trong con chip trên thẻ căn cước)…

Thực hiện công văn trên, vừa qua, nhiều phòng GD&ĐT các quận, huyện đã có công văn về các trường yêu cầu phụ huynh đến công an phường, xã xin giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc bản công chứng thông báo thông tin học sinh trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, khi phụ huynh tự truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia trên dịch vụ công thì hệ thống bị lỗi. Cuối cùng, người dân phải ngược xuôi xin giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc bản thông báo thông tin học sinh trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Liên quan đến vấn đề này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đang làm việc với Công an TP Hà Nội để tìm hướng thống nhất cách thức làm, phối hợp để tạo thuận lợi cho phụ huynh không phải đi xác nhận nơi cư trú.

Sau khi biết thông tin Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị dừng rà soát, cập nhật dữ liệu tuyển sinh đầu cấp, không bắt phụ huynh xin xác nhận cư trú cho con, chị An Nhiên rất phấn khởi: "Sở GD&ĐT có điều chỉnh như vậy là hợp lý, phù hợp với thực tế, nhiều phụ huynh sẽ không phải xin nghỉ công việc để đi làm giấy tờ chuẩn bị cho con chuyển cấp. Văn bản mới này của Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ giúp phụ huynh chúng tôi có con ở lứa tuổi mầm non 5 tuổi, lớp 5 và lớp 9 đỡ vất vả hơn nhiều".