1. Trang chủ /
  2. Phụ huynh 'đổi vai' làm giáo viên để thấu hiểu

Phụ huynh 'đổi vai' làm giáo viên để thấu hiểu

thứ ba, 21/11/2023 22:15 GMT+07
Bên cạnh những phụ huynh luôn đồng hành cùng nhà trường trong giáo dục con em thì vẫn còn không ít bậc cha mẹ cho rằng: con đã đến trường, nghĩa là “giao khoán” con cho nhà trường, các thầy, cô giáo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về năng lực học hành, hành vi ứng xử và cả sự... an toàn của con cái mình.
Một buổi phụ huynh thử làm giáo viên tại Trường Mầm non ở TP Hồ Chí Minh. (Nguồn ảnh: P.T. - Phunuonline) Một buổi phụ huynh thử làm giáo viên tại Trường Mầm non ở TP Hồ Chí Minh. (Nguồn ảnh: P.T. - Phunuonline)

Ngày tri ân các thầy cô giáo 20/11 vừa qua, nhưng dư âm vẫn còn những nghĩ suy về mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh.

Áp lực từ phụ huynh

Mới đây, mạng xã hội xôn xao câu chuyện một cô giáo mầm non bị đuổi việc vì... quên tháo chun cột tóc cho trẻ. Theo cô giáo trên chia sẻ, phụ huynh trong lớp cô phụ trách đã lên mạng xã hội phản ánh việc cô không hết lòng khi chăm sóc con mình, bắt nguồn từ việc cô quên tháo chun buộc tóc cho cháu bé trước khi ngủ. Ngoài ra còn có nhiều “va chạm” nhỏ khiến phụ huynh cho rằng cô giáo có thái độ không tốt trong chăm sóc trẻ. Cô giáo nói trên đã bày tỏ sự buồn khổ, “sốc” khi bị phụ huynh đối xử như vậy.

Sự việc lan truyền trên mạng chưa rõ tính xác thực, nhưng thực tế cũng không hiếm những chuyện như trên. Theo cô giáo T.T.H., công tác tại một trường mầm non trên địa bàn TP Thủ Đức, lớp cô có 25 trẻ. Các cô giáo trong lớp luôn tận tâm chăm sóc, cố gắng quan tâm đến từng em một. Nhiều phụ huynh có kết nối tốt với giáo viên, thường xuyên theo sát tình hình con, thường phối hợp cùng cô giáo để chăm sóc các cháu, nhưng cũng có những phụ huynh rất khắt khe với giáo viên.

Có phụ huynh thường xuyên “kiểm tra” xem con mình có sút cân mỗi khi đi học không và liên tục vặn hỏi cô giáo cho con ăn, uống đầy đủ không. Cũng có phụ huynh làm ầm ĩ khiến cô giáo suýt bị kỉ luật khi con chơi đùa với bạn trong lớp và bị vết cào nhẹ trên tay. Cô H. chia sẻ, có lẽ vì nhiều thông tin nhiễu loạn trên mạng nên một số phụ huynh có tâm thức “đề phòng” với giáo viên mầm non, luôn lo lắng con mình bị bạo hành, bắt nạt...

Không riêng cấp mầm non, giáo viên các cấp học khác nhiều khi cũng đối diện với áp lực và nỗi “sợ” một số phụ huynh. Có những trường hợp, khi học sinh về nhà phản ánh giáo viên có thái độ “không tốt” với mình, hoặc giảng bài không hiểu, hoặc phạt học sinh..., phụ huynh sẽ làm to chuyện, gọi điện “khủng bố” thầy, cô giáo, thậm chí trực tiếp lên mạng xã hội “bóc phốt” khi chưa làm rõ nguyên do. Những điều này khiến nhiều giáo viên có tâm lý lo ngại trong quá trình giáo dục học sinh.

“Ngày đồng cảm”

Mới đây, một thầy hiệu phó trường THCS ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã bị phụ huynh dẫn côn đồ xông vào nhà hành hung đến mức nhập viện. Nguyên nhân do con của phụ huynh trên bị ban giám hiệu trường mời “làm việc” về vấn đề sử dụng mạng xã hội để đăng thông tin thiếu chuẩn mực. Một thầy giáo khác là trưởng ban quản sinh cũng bị phụ huynh này kéo đến nhà “hỏi tội”, nhưng may mắn tránh đi kịp thời. Cách đây vài tháng, một phụ huynh ở tỉnh Đắk Nông đã xông vào nhà đánh cô giáo vì con bị xếp loại hạnh kiểm trung bình do vi phạm kỉ luật nhiều lần...

Những sự việc nói trên đã làm dấy lên nỗi bất an về tính an toàn trong môi trường giáo dục, đồng thời gây quan ngại về tinh thần “tôn sư trọng đạo” - nét đẹp truyền thống của người Việt đang bị mài mòn.

Những năm qua, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều trường học các cấp đã triển khai chương trình “phụ huynh thử làm giáo viên”. Các phụ huynh sẽ soạn giáo án, tham gia đứng lớp một ngày như giáo viên để dạy dỗ lớp có con em mình theo học. Từ vài năm nay, Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (quận 3 TP HCM) đã xây dựng và duy trì mô hình phụ huynh đứng lớp dạy trẻ. Trong năm học, các cô giáo tùy vào từng chủ đề, nội dung bài dạy chọn mời phụ huynh có ngành nghề, chuyên môn phù hợp vào dạy trẻ. Chẳng hạn, khi lớp dạy về kiến thức chăm sóc răng miệng thì có thể mời phụ huynh là nha sĩ. Có lớp tổ chức chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm thì mời phụ huynh làm ở lĩnh vực này hướng dẫn...

Tại Hà Nội, ngày 20/11, Trường Phổ thông liên cấp Tuệ Đức (Thanh Oai, Hà Nội) cũng tổ chức “Ngày đồng cảm” để các bậc phụ huynh được “đóng vai” giáo viên đứng trên bục giảng, hướng dẫn các học sinh là chính con em mình kiến thức từng môn học. Là phụ huynh có con đang học lớp 3 và lớp 6 tại trường, chị Nguyễn Thị Uyên Lan chia sẻ: “Tôi thấy rất xúc động và phần nào cảm nhận được sự vất vả của các thầy cô khi đứng trên bục giảng dạy học cho các con. Mỗi học sinh là một cá thể, tính cách khác nhau, một cô giáo hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình thì phải thực sự có tâm và vô cùng kiên nhẫn để “làm mẹ” của 20 đứa trẻ. Được đổi vai làm giáo viên hôm nay, chúng tôi càng thấy trân trọng các thầy cô khi dũng cảm chọn nghề giáo”...

Mô hình “phụ huynh thử làm giáo viên” đã giúp phụ huynh không chỉ gần gũi hơn với con mà được đặt mình trong vai trò giáo viên, hiểu được những khó khăn, vất vả, những nỗi niềm của các thầy, cô giáo, từ đó thêm trân trọng công lao của các thầy cô, tạo sự kết nối chặt chẽ hơn giữa phụ huynh và nhà trường trong việc giáo dục con trẻ.

Xã hội không ngừng thay đổi. Trong vòng xoáy của đời sống, nhiều giá trị đang bị hao mòn, nhưng có những giá trị mãi mãi cần được trân trọng, trong đó có tinh thần “tôn sư trọng đạo”.