1. Trang chủ /
  2. Phú Thọ: Lễ hội rước Chúa Gái là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Phú Thọ: Lễ hội rước Chúa Gái là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

thứ hai, 29/1/2024 08:56 GMT+07
Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch đã ban hành Quyết định số 3429/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia đối với Lễ hội truyền thống “Lễ hội rước Chúa Gái” của thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Lễ hội rước Chúa Gái là hình thức nguyên sơ của lễ hội Đền Hùng từ xa xưa, mang đậm nét văn hóa dân gian phản ánh đời sống văn hóa, phong tục tập quán của nhân dân ta từ thời đại Hùng Vương, được nhân dân địa phương lưu giữ và phát huy, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Theo tập tục xưa, tôn trọng lễ nghi dựng vợ gả chồng của cha mẹ đã ăn sâu trong tiềm thức người dân, hàng năm nhân dân hai làng Vi, Trẹo tổ chức lễ hội rước Chúa gái vào dịp đầu xuân năm mới, để tưởng nhớ tới công lao trời biển của các Vua Hùng, đã khơi mạch nguồn dân tộc, đặt nền móng cho Quốc gia dân tộc.

phu tho le hoi ruoc chua gai la di san van hoa phi vat the quoc gia hinh 1
Lễ hội rước Chúa Gái là là hình thức nguyên sơ của lễ hội Đền Hùng trước cách mạng tháng Tám, mang đậm nét văn hóa dân gian phản ánh đời sống văn hóa, phong tục tập quán của nhân dân ta từ thời đại Hùng Vương.

Lễ hội còn là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp gắn liền với hai nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước là Tản Viên Sơn Thánh và Ngọc Hoa công chúa (con gái Vua Hùng thứ 18).

Tản Viên Sơn Thánh (còn có tên gọi Sơn Tinh) là vị anh hùng truyền thuyết thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Theo Ngọc phả Đền Lăng Xương do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Công, quan Đô Đốc Thượng Thư cùng với Nguyễn Công Chính và Nguyễn Minh Khai lập vào ngày 15/11/1011 vào đời vua Lê Thái Tổ, niên hiệu Thuận Thiên thứ III, Thánh Tản Viên - Sơn Tinh tên thật là Nguyễn Tuấn, con trưởng ông Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen (còn gọi là bà Thái Vĩ), sinh sống ở động Lăng Xương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây (nay là làng Trung Nghĩa, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).

Tương truyền một hôm bà Đinh Thị Đen vào rừng kiếm củi, đến Thạch Bàn bỗng thấy mây lành bao phủ, rồng vàng bay xuống phun nước như mưa, khí thiêng lan tỏa. Sau khi rồng bay đi, bà Đinh Thị Đen thấy hương bay ngào ngạt, nước giếng trong như ngọc, bà liền xuống tắm rồi mang thai từ đấy. 14 tháng sau, đúng ngày rằm tháng Giêng năm Đinh Tỵ, giữa giờ Thìn bà trở dạ sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Tuấn có tướng mạo khôi ngô, tuấn tú khác thường. Lớn lên, Nguyễn Tuấn trở thành người cứu độ, tài cao, văn võ song toàn, có phép thần thông biến hóa “hô phong hoán vũ” và trở thành vị thần (Thánh) của núi Tản Viên - Thần Sơn Tinh.

phu tho le hoi ruoc chua gai la di san van hoa phi vat the quoc gia hinh 2
Lễ hội còn là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp gắn liền với hai nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước là Tản Viên Sơn Thánh và Ngọc Hoa công chúa (con gái Vua Hùng thứ 18).

Truyền thuyết thời Hùng Vương lưu truyền rằng: Thời Vua Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18), có hai người con gái, một người tên là Mỵ Châu Tiên Dung công chúa được gả cho Chử Đồng Tử, chàng trai nghèo kiếm cá ven sông (ở xã Đa Hòa, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, xứ Sơn Nam). Còn Mỵ Nương Ngọc Hoa công chúa, Vua Hùng muốn tìm người tài giỏi, kiệt xuất nên chưa gả cho ai. Vua lập lầu kén rể ở cửa núi Việt Trì, gửi hịch cho bốn phương tìm người tài để gả công chúa Ngọc Hoa, lập lầu kén rể ở gò Tiên Cát (ngày nay là phường Tiên Cát - Việt Trì - Phú Thọ).

Khắp nơi được tin loan báo, trai tài tìm đến đua tranh. Sơn Tinh - Thần Núi Tản Viên đến xin cầu hôn. Cùng lúc ấy có một người từ trong làn nước cửa ngã ba sông bạch Hạc bước lên tự xưng là Thuỷ Tinh - Thần Sông cũng xin được cầu hôn. Cả hai đều có phép thuật thông thiên triệt địa, tài năng văn võ không ai hơn ai. Vua Hùng rất mừng bèn ngự giá đến đến sông Bạch Hạc ngự thí. Sơn Tinh ngồi trên đầu sông, Thủy Tinh trở về đáy sông. Trong chốc lát bỗng thấy mây mưa nổi trên mặt sông, gió mù mịt mặt nước, sấm đánh chớp giật… Sơn Tinh tay cầm sách, tay cầm trượng, miệng đọc thần chú, chỉ trượng vào đâu, vạn quái nghìn tà đều bị quét sạch.


Vua thấy cả hai đều tài giỏi, không biết gả cho ai, bèn triệu cả hai đến bảo rằng: “Cả hai khanh đều là người tài giỏi, ta chỉ có một người con gái, không biết gả cho ai". Nhà Vua bèn nghĩ ra cách thách cưới bằng lễ vật rất khó kiếm tìm, "ngày mai ai mang lễ vật đến trước gồm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, 100 cặp bánh trưng, 100 cặp bánh dầy thì sẽ được đón Ngọc Hoa về làm vợ". Sớm hôm sau, lễ vật được tập kết tại làng Phù Đức để rước vào núi Hùng tế lễ, dâng tiến vua cha. Sơn Tinh dâng lễ vật đến trước và được đón Ngọc Hoa về làm vợ.

phu tho le hoi ruoc chua gai la di san van hoa phi vat the quoc gia hinh 3
Lễ hội luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia

Lễ đón dâu đưa Công chúa Ngọc Hoa về núi Ba Vì, đoàn người đi bộ theo đường bộ hướng từ Đông sang Tây, đoàn rước dâu đi đến làng He xưa kia (làng Vi và làng Trẹo thuộc thị trấn Hùng Sơn ngày nay). Tới ngã ba Cây Hương cạnh bến đò cầu Cáp thì Công chúa đòi xuống kiệu không đi nữa ngồi trên tảng đá hướng nhìn về núi (trên núi Nghĩa Lĩnh các đời Hùng Vương lập điện chính vua ở tại núi Nghĩa Lĩnh) vì nhớ cha, nhớ mẹ.

Công chúa ngồi rất lâu chỗ này. Đoàn đưa dâu lo lắng nhiều lần giục Công chúa lên kiệu vì sợ muộn giờ mà Công chúa vẫn không đi cả đoàn bèn bày mưu tính kế bàn với dân làng sở tại tổ chức múa hát, làm nhiều trò vui nhộn cho Công chúa quên nỗi nhớ nhà. Đó là các trò: bách nghệ khôi hài, múa tùng dí, múa sư tử... Kế này thành công, Công chúa vui lòng lên kiệu đoàn rước dâu ra đến bến đò lên thuyền về nhà chồng, nới núi Tản, sông Đà.

Thủy Tinh đến sau, tức giận vì không đón được Ngọc Hoa công chúa, bèn dâng nước lên đánh nhau với Sơn Tinh, nhưng không thể thắng được. Tục truyền, Thủy Tinh từ đấy về sau đời đời thù oán, hàng năm lại dâng nước lên để gây chiến với Sơn Tinh.

Xoay quanh huyền thoại “Sơn Tinh - Thủy Tinh” là hàng loạt các truyền thuyết, trong đó phản ánh những nét sinh hoạt trong đời sống, trong lao động sản xuất và trong chiến đấu của cư dân thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Đặc biệt, với chủ đề hôn nhân qua đám cưới của Sơn Tinh và Ngọc Hoa đã xuất hiện hàng loạt các nghi thức, các trò diễn ở làng quê trên vùng đất Tổ cội nguồn dân tộc. Trong đó, Lễ hội rước Chúa Gái là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn đó.

phu tho le hoi ruoc chua gai la di san van hoa phi vat the quoc gia hinh 4
Cũng giống như rất nhiều lễ hội truyền thống khác, Lễ hội rước Chúa Gái của hai làng Vi, Trẹo xưa có xuất xứ từ hội làng, gắn với tín ngưỡng thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước.

Lễ hội rước Chúa Gái hay còn gọi là Lễ hội làng He bắt nguồn từ câu chuyện tình sử giữa Tản Viên Sơn Thánh và Ngọc Hoa công chúa, nhằm tái hiện lại đoàn rước dâu năm xưa của Tản Viên Sơn Thánh đi qua làng Vi, làng Trẹo đến bến Cáp ra sông Hồng để về miền núi Tản Ba Vì.

Cũng giống như rất nhiều lễ hội truyền thống khác, Lễ hội rước Chúa Gái của hai làng Vi, Trẹo xưa có xuất xứ từ hội làng, gắn với tín ngưỡng thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Lễ hội rước Chúa Gái tái hiện lại sự tích Tản Viên Sơn Thánh đón Ngọc Hoa về núi Tản hay còn được gọi là tích “Tản Viên đón vợ”, do làng Vi và làng Trẹo cùng tổ chức trong hai ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng, cơ bản bảo lưu các yếu tố truyền thống về thời gian, lễ vật, nghi lễ, tập tục, diễn xướng dân gian.