Qua việc cơ sở bị tố vì bữa ăn kém chất lượng, bữa ăn học đường quan trọng thế nào với sức khỏe học sinh?
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống về vai trò của bữa ăn học đường đối với sức khỏe của học sinh, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, bữa ăn học đường hay bữa ăn ở trường học là bữa ăn được chuẩn bị để cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho các em học sinh ở trường học. Bữa ăn học đường có thể là bữa ăn sáng, bữa ăn trưa, bữa chiều và các bữa phụ (bữa xế) vào giữa sáng hoặc giữa chiều. Số lượng các bữa ăn học đường thay đổi tùy theo loại hình tổ chức bán trú, nội trú và cấp học.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, bữa ăn học đường có những vai trò như: cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho học sinh đáp ứng nhu cầu hoạt động học tập và vận động, phát triển thể lực và trí lực theo lứa tuổi; cung cấp, bảo đảm an ninh lương thực thực phẩm cho các đối tượng học sinh trong diện chính sách được miễn phí bữa ăn học đường giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh, đủ sức khỏe để học tập; hình thành thói quen ăn uống khoa học, có lợi cho sức khỏe ở học sinh; hỗ trợ kiểm soát các bệnh liên quan đến dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì...
Đối với năng lượng của các bữa ăn cho học sinh tại trường học cần bảo đảm theo tỷ lệ chung đối với các bữa ăn trong ngày theo từng nhóm tuổi.
Cụ thể, với nhóm trẻ dưới 36 tháng, số bữa ăn tại cơ sở giáo dục mầm non gồm hai bữa chính và một bữa phụ. Trong đó, bữa ăn buổi trưa cung cấp từ 30% đến 35% năng lượng cả ngày; bữa ăn buổi chiều cung cấp từ 25% đến 30% năng lượng cả ngày; bữa phụ cung cấp khoảng 5% đến 10% năng lượng cả ngày.
Với nhóm trẻ mẫu giáo từ 36 đến 72 tháng, số bữa ăn gồm một bữa chính và một bữa phụ. Trong đó, bữa chính buổi trưa cung cấp từ 30% đến 35% năng lượng cả ngày; bữa chiều cung cấp từ 15% đến 25% năng lượng cả ngày.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết thêm, các trường học cần bảo đảm xây dựng thực đơn bữa ăn khoa học, cân đối, hợp lý, thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm.
Chế biến gồm có món xào, món mặn, món canh, món tráng miệng. Nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. Gồm: nhóm thực phẩm giàu chất đạm (thịt, cá, thủy sản, trứng, đậu đỗ...), chất béo (dầu ăn, mỡ), chất bột đường (cơm, mì, phở, bún...), rau, trái cây, sữa. Thực đơn mang tính khả thi, chế biến hợp lý bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, phù hợp theo quy định và điều kiện của từng cơ sở.
Về nguyên liệu nên sử dụng thực phẩm sẵn có ở địa phương và chế biến phù hợp với khẩu vị của học sinh. Thực đơn cần có sữa tươi và các chế phẩm từ sữa bảo đảm theo quy định, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thực đơn hạn chế sử dụng đường và muối. Lượng đường không quá 15g/học sinh/ngày. Muối không quá 4g/ngày đối với học sinh tiểu học; không quá 3g/ngày đối với trẻ dưới 5 tuổi; không nên cho gia vị, muối vào thực đơn của trẻ dưới 1 tuổi; nên sử dụng muối iod trong chế biến thức ăn.
"Trường hợp nếu khẩu phần ăn không đáp ứng đầy đủ sẽ ảnh hưởng tới cân nặng và chiều cao của trẻ. Trẻ sẽ thiếu các vi chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất... Hơn nữa, bữa ăn nhà trường phải phối hợp với gia đình; gia đình cũng cần phải quan tâm, cải thiện bữa ăn của trẻ ở nhà" PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm cho biết.
Vụ việc cơ sở giáo dục AMIS (American Montessori International School) Trần Hữu Dực bị tố bớt xén suất ăn bán trú của trẻ, lý giải về hình ảnh bữa ăn cháo trắng, hoa quả vài miếng... được phụ huynh chia sẻ, ông Đỗ Tuấn Trung - Quản lý vận hành Hệ thống AMIS cho biết: "Những hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội là hình ảnh một phần bữa ăn hàng ngày của học sinh. Thông thường, các học sinh sẽ được đảm bảo 4 bữa ăn chính và phụ/ngày với nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, và thực đơn được thay đổi hàng ngày.
Ví dụ bữa phụ có hôm là bánh mỳ kèm theo sữa, có hôm là bánh bao kèm sữa chua. Còn trái cây hàng ngày được cắt nhỏ để đảm bảo an toàn khi các con ăn. Tất cả đồ ăn bữa chính và bữa phụ luôn được bổ sung để con có thể lấy thêm nếu có nhu cầu. Hình ảnh các bữa ăn thực tế này sẽ được gửi trên phần mềm liên lạc của phụ huynh, đồng thời gửi cho Ban điều hành của hệ thống AMIS để giám sát hàng ngày, đảm bảo chất lượng bữa ăn đồng đều trên hệ thống.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của phụ huynh về bữa ăn, chúng tôi đã ngay lập tức rà soát và chấn chỉnh sự việc. Chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón quý phụ huynh đến trực tiếp cơ sở để thăm quan không gian nhà bếp, phòng ăn, và chất lượng bữa ăn của các con vào bất cứ thời gian nào trong tuần".
Ông Trung cho biết thêm: "Tôi cũng là một ông bố có 3 con nhỏ. Tôi mở trường từ năm 2014 với tất cả cái tâm và tình yêu dành cho con trẻ. Tôi không bao giờ để cho các con phải chịu đói". Sau vụ việc ông Trung cho biết sẽ lắp toàn bộ hệ thống camera ở bếp, phòng ăn để phụ huynh dễ dàng quan sát bữa ăn của các con.