Quân nổi dậy giết 17 binh sĩ đảo chính Niger, châu Phi bất đồng về can thiệp quân sự
Vụ phục kích diễn ra vào hôm thứ Ba cách thủ đô Niamey khoảng 60 km, ở khu vực giáp với Burkina Faso, theo chính quyền quân sự Niger cho biết và nói thêm rằng 100 kẻ tấn công mà họ gọi là "khủng bố" đã bị tiêu diệt.
"Phản ứng nhanh chóng của các binh sĩ và phản ứng trên không-bộ tại hiện trường của cuộc giao tranh đã giúp đối phó với kẻ thù", tuyên bố cho biết.
Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cho biết, họ rất buồn khi biết được các cuộc tấn công khác nhau của các nhóm vũ trang đã dẫn đến cái chết của "một số" binh sĩ. Họ tiếp tục kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự Niger khôi phục trật tự hiến pháp và phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum.
Nhóm đảo chính, đứng đầu là Tướng Abdourahmane Tiani, đã phế truất Tổng thống Bazoum và vẫn đang giam giữ ông, bất chấp sức ép từ Liên hợp quốc, ECOWAS và các cường quốc phương Tây.
Khối ECOWAS hiện đang chuẩn bị cho kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger để khôi phục lại trật tự cũ. Các chỉ huy quân sự đang chuẩn bị nhóm họp vào thứ Năm và thứ Sáu tại Accra, Ghana để đưa ra quyết định sẽ tiến hành chiến dịch không và nếu có thì như thế nào?
Trong số 15 thành viên ECOWAS, Nigeria, Senegal, Bờ Biển Ngà, Benin và Guinea-Bissau đã tuyên bố sẵn sàng cung cấp quân đội trong trường hợp can thiệp.
Ngược lại, Mali, Burkina Faso và Guinea, những quốc gia đã bị đình chỉ tham gia ECOWAS sau cuộc đảo chính của chính họ, thề sẽ ủng hộ và hỗ trợ chính quyền quân sự Niger nếu chiến sự xảy ra.
Một ngày trước cuộc họp này, những bất đồng rộng lớn hơn cũng xảy ra giữa Liên minh châu Phi (AU) và ECOWAS về kế hoạch can thiệp quân sự.
Hội đồng An ninh và Hòa bình của AU, cơ quan chịu trách nhiệm thi hành các quyết định của khối, đã họp tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia vào hôm thứ Hai vừa rồi để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Niger.
Theo một số nguồn tin được truyền thông Pháp trích dẫn, hội đồng đã bác bỏ đề xuất của ECOWAS về việc tiến hành can thiệp quân sự. Phát biểu với đài RFI, một nhà ngoại giao tham dự cuộc họp cho biết nhiều quốc gia thành viên thuộc khu vực Nam và Bắc Phi “quyết liệt chống lại bất kỳ sự can thiệp quân sự nào”. Tuy nhiên cho đến thứ Tư, AU vẫn chưa đưa ra tuyên bố chung về lập trường của khối.
Niger, một quốc gia với khoảng 26 triệu dân và là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Cho đến trước cuộc đảo chính, nước này là một trong những đối tác cuối cùng của Mỹ và châu Âu ở khu vực Sahel nằm ở rìa phía nam sa mạc Sahara.
Cuộc đảo chính đã đẩy khu vực vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Các cường quốc thực dân cũ Pháp và Mỹ đều có các căn cứ quân sự quan trọng ở quốc gia này, nơi cũng nằm trên tuyến đường di cư quan trọng đến châu Âu.
Vào ngày 26 tháng 7, quân đội đã lật đổ chính quyền dân sự của Tổng thống Bazoum và đình chỉ hiến pháp. Các nhà lãnh đạo đảo chính kể từ đó đã thành lập chính phủ chuyển tiếp của riêng họ.