1. Trang chủ /
  2. Quảng Bình: Chưa gặp bão, tuyến kè biển Nhật Lệ đã bị sóng phá tan nát

Quảng Bình: Chưa gặp bão, tuyến kè biển Nhật Lệ đã bị sóng phá tan nát

thứ bảy, 5/3/2022 21:04 GMT+07
(PLM) - Dự án tuyến kè biển Nhật Lệ 2 (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) được thiết kế chịu được bão cấp 9, cấp 10. Đến nay, mặc dù chưa phải chịu cơn bão nào đạt cấp độ trên nhưng tuyến kè này đã 2 lần bị sóng biển đánh sập, gây hư hỏng nghiêm trọng.

Tuyến kè biển Nhật Lệ 2 (thành phố Đồng Hới) với mục đích chống sạt lở bờ biển, bảo vệ an toàn tài sản cho người dân. Tuy nhiên, điệp khúc “làm rồi hỏng - hỏng rồi làm” tạo sự bất an trong dân cư và lo ngại tính hiệu quả của công trình, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế biển của địa phương.

Công trình tuyến kè biển Nhật Lệ 2 được triển khai thi công từ năm 2019, nhưng ngay trong đợt mưa bão tháng 10/2020 đã bị nước biển gây sập sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Ngay khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư, nhà thầu đã tổ chức khắc phục hư hỏng.

Công trình, hàng quán ven tuyến kè có thể bị biển xâm thực.


Đến cuối tháng 10/2021, do ảnh hưởng các đợt không khí lạnh kết hợp với triều cường đã làm nhiều đoạn kè mái taluy bằng tấm lát bê tông dài 800m khu vực Hải Thành - Quang Phú (thành phố Đồng Hới) bị hư hỏng, sập đổ với tổng chiều dài gần 200m. Qua khảo sát, phát hiện phần thân tuyến kè nhiều đoạn đã bị rỗng, khoảng cách giữa tấm lát thân kè và phần đất thân kè rỗng cao từ 0,8m -1,8m, những vị trí mái kè bị sụt lún thì độ rỗng khoảng 3m…

Thời điểm đó, kiểm tra tại các tuyến kè biển bị sạt lở, ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu UBND thành phố Đồng Hới phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra hiện trường, bàn bạc để tìm biện pháp kỹ thuật hiệu quả nhất sớm khắc phục tình trạng hư hỏng, sập lún của công trình, đồng thời triển khai các biện pháp gia cố nhằm ứng phó với các đợt thiên tai.

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Đồng Hới: Tuyến kè biển Nhật Lệ 2 có chiều dài 860m, với số vốn xây lắp 26 tỷ đồng, do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng Hà Nội - Quảng Bình thiết kế; hai đơn vị thi công là Công ty Hải Thành và Công ty Tiến Thành. Nguyên nhân khiến bờ kè sụp đổ là do cát dưới chân kè bị hụt; một phần cấu kiện bên dưới bị bào mòn, sóng xuyên qua chân kè kéo cát ra. Vì vậy, nếu không có giải pháp xử lý ngay trong mùa khô năm nay nguy cơ mất an toàn công trình rất lớn vì trên toàn tuyến kè có những điểm sụt lún ngay sát hàng quán của người dân và chỉ cách đường Trương Pháp hơn 50m.

Giải pháp được đề xuất hiện thời là chuyển từ mái tấm lát bê tông sang bậc bê tông cốt thép.


Ông Phạm Xuân Khánh, xã Quang Phú (thành phố Đồng Hới) chia sẻ: Tình trạng sạt lở bờ biển Nhật Lệ mấy năm qua đã nghiêm trọng, chính quyền cho củng cố đê kè để giữ đất. Giải pháp làm kè bê tông được xem là tối ưu để chống việc xâm thực. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng các đơn vị cần tính toán kỹ lưỡng và nghiêm túc trong thi công, giám sát, kiểm tra nghiệm thu. Để có được các công trình vững chắc, chứ không hư hỏng bất thường như các năm qua.

Dư luận Quảng Bình lo ngại với tuyến kè được đầu tư hàng chục tỷ đồng phút chốc lại bị nhấn chìm theo nước biển, có phải nguyên nhân do mưa bão với cường độ lớn đã dẫn đến hậu quả này hay do khâu thiết kế, thi công chưa đạt chất lượng? Theo thiết kế công trình chịu được bão cấp 9, cấp 10, thế nhưng thời gian qua mặc dù chưa chống chọi với cơn bão nào đạt cấp độ trên đổ bộ, mà mới chịu ảnh hưởng từ các trận mưa lớn, đã khiến kè biển Nhật Lệ 2 bị hư hỏng đến 2 lần.

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Đồng Hới cho biết: Sau sự cố lần 2, UBND thành phố Đồng Hới đã chỉ đạo lập Hội đồng xử lý sự cố trên để tìm ra nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Biểu hiện dễ thấy là nhiều đoạn thân kè bị sóng biển đánh vỡ và cuốn đi phần mái lát. Hiện, đơn vị tư vấn thiết kế và Ban Quản lý dự án đã gửi hồ sơ ra Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, chấp thuận điều chỉnh thiết kế thi công. Ngoài ra, đơn vị tư vấn đề nghị chuyển từ phương án mái tấm lát bê tông sang bậc bê tông cốt thép. Trong quá trình khắc phục, sửa chữa, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp tục khảo sát, nghiên cứu tình trạng xói lở, bồi đắp đoạn bờ từ ống buy chắn kè trở ra phía biển để có giải pháp phòng chống sạt lở trong mùa mưa bão 2022.