Quảng Ninh nâng cao chất lượng phân loại án trong thi hành án dân sự
Để quán triệt, phổ biến pháp luật, tổ chức thực hiện quy định pháp luật về xác minh, phân loại trong THADS một cách thường xuyên, liên tục, Cục THADS tỉnh đã ban hành nhiều văn bản cũng như thông báo kết luận chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nội dung có liên quan, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự.
Trong đó có nội dung yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng quy định pháp luật về xác minh, phân loại trong THADS, bảo đảm xác minh điều kiện thi hành án, phân loại chính xác, đúng pháp luật việc THADS có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện thi hành và chuyển sổ theo dõi riêng đúng quy định của pháp luật... Trong quá trình tổ chức thi hành án các chấp hành viên luôn tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mình, kịp thời tổ chức xác minh và xác minh lại điều kiện thi hành án đối với 100% các vụ việc đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định.
Các cơ quan THADS của tỉnh đã chủ động phối hợp tốt với chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành có liên quan, trong việc xác minh, truy tìm tài sản và xử lý tài sản, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án. Các cơ quan chuyên môn như Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường các địa phương, UBND cấp xã, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng đã phối hợp tốt với cơ quan THADS, cử cán bộ tham gia xác minh tài sản để thi hành án khi có yêu cầu.
Các ngành Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án đã phối hợp với cơ quan THADS cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án theo quy định.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác xác minh, phân loại án hiện nay vẫn gặp một số khó khăn, tồn tại. Một bộ phận người phải thi hành án còn có biểu hiện chây ỳ, lẩn trốn, thậm chí chống đối việc cung cấp thông tin điều kiện thi hành án. Trên thực tế nhiều trường hợp người phải thi hành án có tài sản là nhà, quyền sử dụng đất nhưng họ chống đối không đồng ý cho chấp hành viên đo vẽ xác định hiện trạng sử dụng đất phục vụ việc kê biên, xử lý tài sản thi hành án.
Việc xác minh tài sản là các dự án về bất động sản hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn, như vụ việc thi hành án của Công ty Cổ phần Thống nhất 508, An Hưng Palza (chợ Hạ Long II), Công ty Quan Minh (Vân Đồn). Mặc dù trên thực tế các doanh nghiệp đều vẫn đang hoạt động, nhưng không thể xác minh được tài sản của các doanh nghiệp trên để thi hành án. Phần lớn các trường hợp thuộc diện “án chuyển kỳ sau chưa có điều kiện thi hành” hầu như không giải quyết được dẫn đến số lượng việc loại này dồn lại, tăng dần qua các năm.
Để nâng cao hiệu quả công tác xác minh, phân loại án, bên cạnh việc tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác thi hành án, cũng cần có quy định rõ hơn, cụ thể hơn, mạnh hơn về chế tài xử lý đối với trường hợp chưa phối hợp trong xác minh điều kiện thi hành án, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả việc thi hành án dân sự nói chung.
Từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2022, các cơ quan THADS toàn tỉnh đã tiếp nhận 586 yêu cầu thi hành án; đã ban hành 8.553 quyết định thi hành án, trong đó có 808 quyết định thi hành án theo yêu cầu, 7.745 quyết định thi hành án chủ động. Các đơn vị đã thực hiện xác minh, xác minh lại điều kiện thi hành án, trong đó có 6.331 việc tự nguyện thi hành, 7.797 việc có điều kiện thi hành và 2.441 việc chưa có điều kiện thi hành. Toàn ngành đã tổ chức thi hành xong 7.706 việc/10.532 việc có điều kiện thi hành, tương ứng với 613,5 tỷ đồng/2.918,9 tỷ đồng có điều kiện thi hành.