1. Trang chủ /
  2. Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

thứ ba, 20/6/2023 22:55 GMT+07
Với 466/472 phiếu tán thành, tương đương 93,72% đại biểu tham gia biểu quyết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 Chương, 80 Điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 20/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với 466/472 phiếu tán thành, tương đương 93,72% đại biểu tham gia biểu quyết.

Nhiều quy định mới đã được tiếp thu trong Luật sửa đổi lần này nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh có nhiều thay đổi hiện nay.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 Chương, 80 Điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Luật quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối tượng áp dụng Luật là người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị-xã hội; Tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp (gọi chung là tổ chức xã hội) tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được chủ động thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.

Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác. Bảo đảm công bằng, bình đẳng, không phân biệt về giới, tự nguyện, không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây: Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; hình ảnh, giấy tờ, tài liệu chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nghiêm cấm hành vi quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh, đề nghị giao kết hợp đồng hoặc có hành vi khác gây cản trở công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng; Ép buộc người tiêu dùng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng thông qua việc thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác có tính chất tương tự...

Luật quy định phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Theo đó, tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được giải quyết thông qua các phương thức sau đây: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án.

Không được thương lượng, hòa giải trong các trường hợp: Xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; Gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, trừ trường hợp xác định đầy đủ số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại.

Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan./.