Quyết liệt ngăn chặn, xử lý tội phạm công nghệ cao
Đang điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội (QH) Siu Hương (đoàn Gia Lai) về giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân nói chung và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã triển khai một số các giải pháp như xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ, lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật. Điển hình là Bộ đang điều tra vụ đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là lấy nguồn gốc từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số CSDL của các ngành khác, sẽ tập trung điều tra, xử lý những vụ việc này để hoàn thiện trong quá trình bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Liên quan đến thông tin về xóa bỏ hộ khẩu giấy, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, theo quy định của Luật Cư trú là đến ngày 31/12/2022, hộ khẩu giấy không còn tác dụng. Hiện nay vướng nhất là có rất nhiều quy định khác buộc người dân phải sử dụng hộ khẩu giấy. Bộ Công an có một phương án là sẽ cấp khẩn trương, đầy đủ, nhanh chóng Căn cước công dân (CCCD). Khi đã có CCCD thì không cần phải xác nhận của bất kỳ ai, cơ sở nào, vì đó là giấy tờ pháp lý duy nhất để người dân có thể đi giao dịch, làm các thủ tục.
Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình nội dung của Nghị định số 06/2017 về kinh doanh đặt cá cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cấp phép về chủ trương đua ngựa tại trường đua của huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được vì liên quan đến góp vốn là Tổng Công ty Du lịch Hà Nội. Hiện có 3 tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng và Vĩnh Phúc đang đề xuất chủ trương về đầu tư trường đua ngựa.
Đối với vấn đề về cá cược bóng đá quốc tế, tại Nghị định 06 quy định là phải đấu thầu. Tuy nhiên, quy định này lại “vướng” Luật Đấu thầu bởi Luật này không có hình thức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp (mà chỉ có đấu thầu gói thầu của dự án). Hiện, Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao trình sửa đổi Nghị định 06 và Bộ đã trình vào tháng 2/2022. Cũng trong sáng 10/8, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã báo cáo thêm về một số vấn đề đại biểu QH quan tâm sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an.
Đối với việc xử lý tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm trên mạng…, mặc dù các lực lượng chức năng đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm nhưng tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Để ngăn chặn tình trạng trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp như triển khai thực hiện hiệu quả Luật An ninh mạng, tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tội phạm công nghệ cao; chỉ đạo Bộ Công an sớm hoàn thành việc soạn thảo trình Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên mạng…
Về phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi…, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai có hiệu quả các văn bản pháp lý của Đảng, QH đã ban hành. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay, kinh doanh tài chính; tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm, trong đó các loại tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Đồng thời, có giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ tạo lập website để thực hiện các hành vi phạm tội… Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, góp phần hạn chế người dân tìm đến “tín dụng đen”.
Xử lý nghiêm việc lợi dụng mạng xã hội xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng đã trả lời chất vấn về việc thực hiện chính sách pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di sản lịch sử quốc gia; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và đạo đức ứng xử, công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành trong triển khai các biện pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa ứng xử…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, sau khi mở cửa lại du lịch sau đại dịch, Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển. Tuy nhiên, việc thu hút khách quốc tế vẫn còn khó khăn. Vì vậy, cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, cũng như cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.
Thông tin thêm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tinh thần là phải có một số giải pháp mạnh mẽ, đột phá để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng hiện các giải pháp này thực hiện chậm, chưa quán triệt đầy đủ tinh thần trên. Phó Thủ tướng cho biết sẽ chủ trì họp liên ngành để xử lý rốt ráo các vấn đề, đồng thời mong muốn có sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, trong đó có cải thiện môi trường du lịch để tránh nỗi sợ cho du khách.
Về giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng, ngoài triển khai thi hành Luật An ninh mạng, cần lấy thông tin tốt che thông tin xấu; xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, internet để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân…
Giải đáp thêm với các đại biểu về quan hệ giữa CSDL quốc gia về dân cư và CSDL hộ tịch, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong kết nối giữa 2 cơ sở này, Chính phủ đã có chỉ đạo hết sức rõ ràng là phải rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan. Tổng số Trung ương và địa phương đã rà soát trong thời gian qua là trên 3.000 văn bản, dự kiến sửa đổi, bổ sung 200 văn bản.
Trước những sự chưa khớp nối các thông tin về hộ tịch và CSDL quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị, phải căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, trước hết là Điều 4 Luật Hộ tịch và Điều 9 Luật CCCD; trong trường hợp chưa chuẩn về mặt thông tin thì căn cứ vào quy định của hai Luật này là chính.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá, các nhóm vấn đề chất vấn đã đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế, bám sát các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Không khí của phiên chất vấn được tóm lược trong 5 chữ T: sát thực tế, thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm cao của cả người hỏi và người trả lời chất vấn. UBTVQH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, với Bộ Công an, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 96 của QH và các Nghị quyết khác của QH, UBTVQH; có giải pháp đấu tranh hiệu quả với các hình thức “tín dụng đen” qua mạng xã hội, các app và website; khẩn trương sửa đổi, bổ sung để ban hành mới nghị định về cá cược bóng đá, đua ngựa, đua chó và phát triển ngành nghề dịch vụ này để vừa phát triển kinh tế, vừa tạo điều kiện quản lý chặt chẽ hoạt động này, ngăn ngừa, hạn chế đánh bạc, cá cược trái phép…
Với Bộ VH,TT&DL, tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ; tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên ngành để phát triển du lịch; có chính sách ưu tiên phát triển du lịch sớm thành ngành kinh tế mũi nhọn; nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa và công nghiệp văn hóa; xây dựng, hoàn thiện các Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ quan, tổ chức, cộng đồng, địa bàn dân cư và cả trên không gian mạng…
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 223 ra ngày 11/8/2022)