1. Trang chủ /
  2. Quyết liệt ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội Kỳ 2: Sẽ có chế tài đủ mạnh

Quyết liệt ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội Kỳ 2: Sẽ có chế tài đủ mạnh

thứ năm, 7/12/2023 00:37 GMT+07
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã đề xuất nhiều nội dung, trong đó có các chế tài cho hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội nhằm giải quyết tận gốc vấn đề…
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan. Ảnh: Nguyễn Văn

Xin Thứ trưởng cho biết thực trạng, nguyên nhân của tình trạng chậm đóng, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tại các doanh nghiệp hiện nay?

- Thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp và địa phương. Với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và các địa phương, thời gian qua, các cấp, các ngành đã cố gắng đẩy mạnh các giải pháp hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Hiện nay, tình trạng chậm đóng BHXH đã có những cải thiện, chuyển biến tích cực. Tỷ lệ số chậm đóng BHXH so với số phải thu năm 2020 chiếm 3,22%, con số này năm 2022 là 2,69%. Tuy nhiên, thực tế số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc của năm 2022 vẫn còn khá lớn và tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chiếm hơn 80% tổng số tiền chậm đóng.

Thực trạng chậm đóng BHXH được lý giải do nhiều nguyên nhân. Về khách quan, sau dịch bệnh COVID-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp thực sự khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động và không có khả năng thực hiện đóng BHXH đầy đủ theo quy định. Về chủ quan, đó là ý thức, trách nhiệm của một số người sử dụng lao động chấp hành pháp luật chưa nghiêm, nhiều trường hợp cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý công tác tổ chức thực hiện tại một số địa phương thực hiện chưa quyết liệt, chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng chậm đóng BHXH của người lao động (NLĐ) một thời gian dài, khó thu hồi. Về mặt pháp luật, dù một số quy định, chế tài đã có nhưng còn một số vướng mắc, khó khăn trên thực tiễn như quy định khởi kiện của tổ chức công đoàn, việc xử lý hình sự tội trốn BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự…

Thưa Thứ trưởng, việc chậm đóng, nợ đóng BHXH gây nên những hệ lụy vô cùng to lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Vậy, thời gian qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có những giải pháp gì để hỗ trợ cho NLĐ bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp chậm, nợ BHXH?

- Trước tiên, tôi chia sẻ với những khó khăn mà NLĐ gặp phải khi rơi vào các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH. Việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH thì cơ quan BHXH sẽ không ghi nhận được quá trình đóng BHXH và ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ BHXH của NLĐ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở thống nhất với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và để kịp thời giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp đang chậm đóng BHXH, đặc biệt là các doanh nghiệp phá sản; đang làm thủ tục phá sản; ngừng hoạt động; không còn người đại diện theo pháp luật, Bộ LĐ-TB&XH đã có các văn bản gửi BHXH Việt Nam yêu cầu thực hiện chế độ BHXH đối với NLĐ theo hướng: giải quyết chế độ BHXH đối với trường hợp đã đủ điều kiện (lương hưu, BHXH một lần, tử tuất); xác nhận thời gian đã đóng để NLĐ tiếp tục tham gia tại đơn vị mới hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH. Theo đó, cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng trên sổ BHXH đến thời điểm đơn vị đã đóng đủ BHXH để bảo lưu thời gian đóng BHXH và giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ...

Đồng thời, ngày 18/4/2023, Bộ đã có công văn chỉ đạo BHXH Việt Nam tăng cường thực hiện biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm chế độ cho NLĐ…

Thưa Thứ trưởng, để tạo điều kiện cho Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu bổ sung những quy định nào để khắc phục tình trạng chậm, nợ BHXH và đánh giá tác động của những quy định này?

- Nhằm khắc phục, hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, đặc biệt là trường hợp chậm đóng kéo dài dẫn đến khó có khả năng thu hồi, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng như: quy định cụ thể 2 hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH; quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế), khuyến khích NLĐ sớm nộp số tiền đóng BHXH; quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền phải đóng; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền phải đóng; quy định cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của NLĐ, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Bên cạnh đó, nhằm đề cao vai trò và trách nhiệm của các địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách, nhất là công tác phát triển đối tượng tham gia và xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chính sách BHXH, phát triển đối tượng tham gia BHXH và tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc trong phạm vi địa phương.

Với các biện pháp, chế tài được bổ sung như trên, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của tất cả các địa phương, tôi tin tưởng chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định rõ 2 hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Đồng thời, bổ sung quy định cơ quan BHXH có quyền khởi kiện người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn vi phạm, làm rõ các trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc.