Ra mắt sách "40 năm Đi, Yêu và Viết" của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Cuốn sách là câu chuyện hơn 40 năm cầm bút của nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí Huỳnh Dũng Nhân.
Tại buổi ra mắt sách, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết: "Đi, Yêu và Viết" - từ khi bắt đầu bước vào nghề cầm bút, tôi đã tự tặng cho mình câu slogan (khẩu hiệu) này. Khi nghỉ hưu (2015) tôi bắt đầu cho phép mình đo đạc, kiểm định, viết lại những gì đáng nhớ nhất trên quãng đường làm báo gần nửa thế kỷ qua".
Cuốn sách "40 năm Đi, Yêu và Viết" bao gồm 4 phần: Chương 1: Ký ức điểm lại con đường vào nghề của tác giả, bao gồm thời niên thiếu, giai đoạn theo học khoa Văn, khoa Báo và những tháng ngày bắt đầu cầm bút tại báo Tuổi Trẻ, báo Lao Động, sau đó trở thành Tổng biên tập tạp chí Nghề báo, làm Phó Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam...
Chương 2 đăng tải 15 phóng sự đời thường ưng ý nhất cùng câu chuyện của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khi viết những tác phẩm này. Chương 3 chứa đựng các bài viết của tác giả thuộc lĩnh vực lý luận báo chí đang được bạn đọc quan tâm. Chương 4 bao gồm bài viết của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí nổi tiếng viết về tác giả.
Trong các bài viết đều tổng hợp, phân tích đan xen các yếu tố nghề nghiệp khi làm báo nói chung và viết phóng sự nói riêng. Qua đó, bạn đọc, đặc biệt là những độc giả yêu thích nghề báo, mê phóng sự có thể tìm thấy ở đó những bài học nghiệp vụ cụ thể và bổ ích nhất.
Cuốn sách không chỉ la một cuốn hồi kí kể về chuyện đời Huỳnh Dũng Nhân mà còn là những kinh nghiệm làm nghề được đan xen một cách khéo léo với những mẩu phóng sự tiêu biểu của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Theo nhà thơ Phạm Xuân Nguyên, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và ông lẽ ra đã cùng học chung đại học. Vì cả hai ông đều thi đậu vào Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1975. Nhưng Huỳnh Dũng Nhân theo bố mẹ chuyển vào Nam và học tại Khoa Văn, Đại học Tổng hợp TP HCM.
Nhà thơ Phạm Xuân Nguyên cũng cho biết: "Huỳnh Dũng Nhân đã bốc lộ năng khiếu về văn chương nghệ thuật từ nhỏ, khi đang là học sinh phổ thông đã có những bài thơ, có tranh đăng báo, có truyện in sách. Trong lời kết cuốn sách, Huỳnh Dũng Nhân nói rằng, ông viết trang cuối cùng của cuốn sách hồi ký trên đúng vào ngày tròn 68 tuổi. Cuốn sách như là cuốn phim chiếu chậm đang tái hiện những kỷ niệm tuyệt đẹp trong trí nhớ ông. Đối với Huỳnh Dũng Nhân, nghề cầm bút đã đem lại cho ông một cuộc đời đẹp nhất".
Huỳnh Dũng Nhân là nhà báo có tiếng. Những bài báo của ông không khô cứng, mà uyển chuyển, có chất văn. Ông từng đi nói chuyện nghề ở nhiều ngôi trường có tiếng. Qua những buổi này, ta thấy nhà báo Huỳnh Dũng Nhân luôn quan tâm đến chuyện nghề, chuyên môn nghề báo, đạo đức nghề báo. Có lần, ông cảm thán, ông buồn bởi hiện nay có những nhà báo đã đi “lạc nghề”, không chú trọng về việc viết, đánh mất đạo đức nghề báo.
Đánh giá về cuốn sách của tác giả Huỳnh Dũng Nhân, nhà báo Phạm Quốc Toàn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: "Nhà báo, nhà văn, nhà thơ và giảng viên hội họa Huỳnh Dũng Nhân là con người tài hoa, làm nghề rất sống động, cuộc đời và sự nghiệp của Huỳnh Dũng Nhân đã thể hiện khá đầy đủ, khái quát nhất trong cuốn sách này.
Những điều mà anh Nhân viết trong cuốn sách nó gần như là hồi ký để thể hiện sự yêu nghề, yêu văn chương, yêu báo chí của tác giả. Tôi cảm nhận trong cuốn sách này có sự kết hợp giữa văn chương với báo chí rất rõ. Là một cây bút viết phóng sự nổi tiếng và được mọi người gọi tên mến mộ "Vua phóng sự". Đặc biệt, Huỳnh Dũng Nhân thường nói với đồng nghiệp, nếu có kiếp sau thì anh vẫn tiếp tục làm nghề báo, yêu nghề báo cháy bỏng".
"Cuốn sách hôm nay rất có giá trị đối với những người mới vào nghề, làm nghề, đặc biệt là những nhà báo trẻ. Bởi trong cuốn sách có đầy đủ những kiến thức làm nghề, trải nghiệm của chính tác giả", nhà báo Phạm Quốc Toàn nói thêm.
Hình ảnh tại sự kiện ra mắt sách "40 năm Đi, Yêu và Viết" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955 tại Thanh Hoá, lớn lên tại Hà Nội. Năm 1975, ông vào TP HCM sinh sống và làm việc cho tới nay.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã làm việc tại các báo Tuổi Trẻ, báo Lao Động... Ông từng là Phó Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo, giảng viên của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam và giảng viên của Khoa Báo chí Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM. Ông được coi là một trong những cây bút phóng sự hàng đầu của Việt Nam được nhiều bạn đọc các thế hệ yêu mến.